Doanh nghiệp 360

Phân tích tình hình XK một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 (P3)

13.12.2022

Tình hình xuất khẩu mặt hàng Thủy sản - Nông sản

Tình hình xuất khẩu mặt hàng Thủy sản

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam tính đến hết quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 8,5 tỷ USD, tăng 1,37 lần so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang thị trường châu Âu – châu Mỹ đạt 3,7 tỷ USD tăng trưởng 27 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Khu vực châu Âu: dẫn đầu là xuất khẩu sang thị trường Anh đạt 242 triệu USD tăng 5 %, xuất khẩu sang thị trường Hà Lan đạt 222 triệu USD, tăng 47 %; ngay sau đó là thị trường Đức đạt 199 triệu USD tăng 43% và thị trường Bỉ đạt 157 triệu tăng 70%. Trong khi đó xuất khẩu thủy sản sang thị trường sang EU 27 tăng 39 % so với cùng kỳ, đạt giá trị khoảng 980 triệu USD.

Khu vực châu Mỹ: Hoa Kỳ vẫn luôn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam ở khu vực này và trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng năm 2022 đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 21 % kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ra thế giới. Trong khi đó ở các nước Mỹ la-tinh, khối CPTPP xuất khẩu tăng 164% đạt 438  triệu USD gồm Mexico tăng 59% đạt 100 triệu USD, Canada tăng 66% đạt 311 triệu USD, Peru tăng 154% đạt 11 triệu USD, Chi-lê tăng 23% đạt 14 triệu USD. Các nước Mỹ la-tinh khác như Panama tăng trưởng xuât khẩu là 103 % đạt 6,6 triệu USD, còn thị trường Colombia tăng trưởng xuất khẩu tăng nhẹ 2% và giá trị xuất khẩu đạt 35 triệu USD.

Đánh giá và dự báo: Bức tranh xuất khẩu 9 tháng năm 2022 của ngành thủy sản Việt Nam đã chứng minh ngành này đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới. Thời điểm này toàn ngành đang nỗ lực vượt thách thức, duy trì đà tăng trưởng nhằm sớm cán đích mục tiêu 10 tỷ USD. Để có được kết quả trên, đóng góp lớn nhất thuộc về 2 sản phẩm thủy sản chính là tôm và cá tra với mức tăng trưởng ấn tượng (tôm đạt 3,3 tỷ USD, tăng 23%, cá tra đạt gần 2 tỷ USD, tăng 82%).

Tình hình xuất khẩu mặt hàng Nông Sản

Mặc dù ngành nông nghiệp phải đối mặt vơi nhiều yếu tố bất lợi như thời tiết diễn biến phức tạp; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi,…) tăng mạnh, khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng tăng bởi tác động kép của xung đột Nga - Ucraina, tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2022, các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu nhìn chung vẫn đạt tăng trưởng khá, tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những cột trụ quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Theo Thống kê của Tổng cục Hải quan tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước đạt khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%; thủy sản trên 8,5 tỷ USD, tăng 38%, Đến nay, đã có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.

Tính riêng khu vực châu Âu, châu Mỹ, 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu nhóm nông sản chính (7 mặt hàng bao gồm: chè, gạo, hạt tiêu, hạt điều, hàng rau quả, cao su, và cà phê) sang khu vực này 4,0 tỷ USD, tăng 9,34% so với cùng kỳ năm 2021.

Giống như hai quý đầu năm 2022, cà phê vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 1,7 tỷ USD. Với việc tỉ giá USD tăng trong thời gian vừa qua và Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh lớn, dừng xuất khẩu gạo, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng trưởng tốt sau 3 quý đầu khi tăng tới 51,2% so với cùng kỳ 2021 và đạt giá trị xuất khẩu là 31,9 triệu USD. Hạt tiêu vẫn duy trì mức tăng trưởng khá như trong quý II, tăng 22,0% và đạt 391,2 triệu USD; trong khi nhóm hàng rau quả sau khi tăng nhẹ ở mức 5,9% trong quý II, đã tiếp tục tăng lên 9,6% so với cùng kỳ và đạt 415,9 triệu USD. Hai nhóm hàng cao su và chè vẫn tiếp tục tăng trưởng âm như trong hai quý đầu tiên, cụ thể cao su giảm -16,0%, đạt 201,8 triệu USD và chè giảm -13,1% đạt 21,8 triệu USD so với cùng kỳ 2021. Đặc biệt mặt hàng hạt điều, thường xuyên tăng trưởng ổn định trong nhiều năm, lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong năm nay. Tính đến hết quý III, xuất khẩu điều sang khu vực Âu Mỹ giảm -17,3%, chỉ đạt 1,25 tỷ USD so với cùng kỳ.

Đánh giá và dự báo: Thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, sẽ tác động và làm cho chi phí vận chuyển tăng mạnh. Chi phí vật tư đầu vào phục vụ sản xuất còn ở mức cao dẫn đến tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến mặt bằng giá nhóm hàng thực phẩm có tỷ trọng tiêu dùng lớn (gạo, thịt lợn, rau củ, trái cây…).

Giải được bài toán về giá cả của thực phẩm chưa qua chế biến, như rau và trái cây trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao, thì triển vọng tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng này vẫn rất khả quan và thêm nhiều cơ hội để khai thác các thị trường như Hoa Kỳ và EU vì nhóm hàng này khi xuất khẩu váo các thị trường nói trên phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các đối thủ cạnh tranh lớn là Nam Mỹ, Nam Phi, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc… Ngoài ra, khó khăn đối với việc xuất khẩu hiện nay là vấn đề bảo quản, đóng gói các loại trái cây và rau tươi. Do vậy cần tập trung nghiên cứu công nghệ bảo quản để sản phẩm nông nghiệp được lưu giữ lâu hơn là vấn đề sống còn.

Đánh giá, dự báo xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chính

Mặt hàng gạo,do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ucraina nên nguồn cung lúa mì, ngũ cốc trên thế giới vẫn đang khan hiếm, do vậy nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam rất cao. Xuất khẩu gạo sang khu vực châu Âu - châu Mỹ sẽ vẫn giữ đà tăng trưởng tốt trong những tháng còn lại của năm. Giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng do ảnh hưởng của cuộc xung đột, do Ấn Độ quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới có quy định cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu cao tới 20% cho gạo trắng và gạo lứt. Chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện và các doanh nghiệp xuất khẩu tập trung chủ yếu vào các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng tại các thị trường như EU. Gạo Việt Nam mới đây cũng ghi dấu ấn khi thương hiệu “Cơm Việt Nam” chính thức được bày bán trên kệ của hàng ngàn siêu thị ở Pháp của 2 hệ thống phân phối hàng đầu là Carefour và E.Leclerc thay vì chỉ được bày bán tại những siêu thị, cửa hàng nhỏ lẻ gốc Á ở châu Âu như trước đây.

Mặt hàng cà phê,Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ kết thúc năm 2022 với kết quả tốt nhờ nguồn cung dồi dào, các hiệp định thương mại tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam và giá cà phê xuất khẩu nhiều khả năng duy trì ở mức cao. Với việc đa dạng thị trường, không chỉ châu Á, các nước châu Âu cũng rất ưa chuộng cà phê Việt Nam. Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu cà phê khởi sắc là do cà phê robusta của Việt Nam được khách hàng đánh giá cao, có sức cạnh tranh so với các nhà cung cấp lớn khác như Brazil, Ấn Độ, Nam Mỹ, Colombia…Thị trường EU hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn nhất, chiếm hơn 16% thị phần. Với cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, cơ hội mở rộng thị trường cà phê Việt Nam tại đây là rất tiềm năng. Trong đó, sản phẩm được hưởng lợi nhất chính là cà phê chế biến. Ngoài ra, EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới cà phê.

Mặt hàng hạt tiêu, Mặt hàng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam cùng bị ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch xuất khẩu trong năm nay. Ngoài các khó khăn giống như nhiều nhóm hàng khác đang phải chịu do xung đột, lạm phát tăng cao, giá xăng dầu cao… hồ tiêu Việt Nam còn đang bị mất thị phần tại nhiều thị trường do các đối thủ như Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn. Các quốc gia này có cước phí rẻ hơn Việt Nam nên giá xuất khẩu luôn được chào bán thấp hơn. Dự báo xuất khẩu mặt hàng này trong những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khi Việt Nam và một số nước trên thế giới đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch mới, các nhà xuất khẩu sẽ tìm mọi cách để đẩy đi số tồn kho trước khi bước vào vụ thu hoạch mới, do vậy tính cạnh tranh sẽ cao hơn nhiều và đi kèm với đó là giá xuất khẩu sẽ giảm rất mạnh.

Mặt hàng hạt điều, Có nhiều nguyên nhân khiến cho xuất khẩu điều của Việt Nam suy giảm mạnh trong năm nay. Đầu tiên đó là hệ quả của cuộc xung đột vũ trang chưa rõ hồi kết giữa Nga và Ukraina. Nếu như năm 2021 Nga là thị trường xếp thứ 11 trong tổng số 104 thị trường xuất khẩu của nhân điều Việt Nam với giá trị xuất khẩu trên 60 triệu USD, thì từ khi xung đột Nga -Ucraina xảy ra, việc xuất khẩu hạt điều Việt Nam vào Nga gặp khó khăn trong khâu thanh toán do Nga bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nhân điều đi thị trường này. Bên cạnh nguyên nhân kể trên, xuất khẩu điều giảm còn do từ năm 2021 nhiều khách hàng ở các thị trường lớn đã tăng mua dự trữ nhân điều do lo ngại dịch Covid-19, dẫn đến lượng tồn kho kéo dài sang năm nay. Hơn nữa, giá nhập khẩu điều thô làm nguyên liệu từ châu Phi đã tăng 15-20% so với trước nên mặc dù giá xuất khẩu tăng nhưng chưa bắt kịp đà tăng giá nhập khẩu nguyên liệu khiến các nhà nhập khẩu và chế biến đang có xu hướng chậm mua nguyên liệu. Trong khi đó, chính phủ của nhiều nước trong khu vực Âu – Mỹ đang phải đối mặt với tình hình lạm phát tăng cao dẫn đến việc các ngân hàng phải liên tục điều chỉnh lãi xuất làm ảnh hưởng tới các hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu. Với việc giá cả các mặt hàng đều đắt đỏ như hiện nay, trong đó có cả giá xăng dầu, người dân phải chi nhiều tiền hơn cho các nhu cầu thiết yếu, điều này dẫn đến những mặt hàng không thiết yếu như hạt điều sẽ tiêu thụ chậm và giá điều cũng rất khó tăng trong thời điểm này. Những nguyên nhân này cũng áp dụng cho mặt hàng cao su của Việt Nam. Dự đoán, trong những tháng tiếp theo, dù là dịp cuối năm với nhiều dịp lễ lớn, theo chu kỳ hàng năm, xuất khẩu các mặt hàng sẽ tăng nhưng đối với cao su và điều, khả năng lớn là tăng trưởng trong năm nay vẫn sẽ ở mức tăng trưởng âm.  

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ


 

In bài Share