Doanh nghiệp 360

Phân tích tình hình xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào khu vực châu Âu – châu Mỹ (P2)

12.12.2022

Tình hình xuất khẩu hàng dệt may và da giày.

Tình hình xuất khẩu mặt hàng Dệt may

Tình hình xuất khẩu: Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may và các sản phẩm liên quan của Việt Nam vào các thị trường khu vực Âu-Mỹ tính đến hết tháng 9 năm 2022 đạt 20,35 tỷ USD, tăng 27,3 % so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 19,3 tỷ USD, tăng 24,7%; Xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt, may và da, giày đạt khoảng 354 triệu USD, tăng 27,9 %; Xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi dệt các loại đạt 366 triệu USD, tăng 21,6 %; xuất khẩu mặt hàng vải mành, vải kỹ thuật khác đạt 296 triệu USD, tăng 24,2%.

Xuất khẩu hàng dệt may và các sản phẩm liên quan sang khu vực châu Âu – châu Mỹ hiện đang chiếm khoảng 59% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam ra thế giới. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 42%, EU chiếm 10%.

Tình hình xuất khẩu mặt hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường châu Âu – châu Mỹ 9 tháng đầu năm 2022


Khu vực Châu Mỹ, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đối với nhóm các mặt hàng trên thuộc ngành hàng dệt may với kim ngạch khoảng 14,3 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ bên cạnh đó phải kể đến là Canada với kim ngạch khoảng 1 tỷ, tăng trưởng 50 % và Chile thuộc Mỹ la tinh tăng trưởng ấn tượng 92% với kim ngạch 133 triệu USD. Trong khi các thị trường Mỹ la-tinh ngoại trừ Brazil, Chile và Mexico, Colombia có kim ngạch xuất khẩu khoảng từ 70 đến hơn 133 triệu triệu USD còn lại đa số có kim ngạch thấp và tăng trưởng không cao. Ngoại trừ Hoa Kỳ, Canada thuộc châu Mỹ là các nước có kim ngạch nhập khẩu dệt may từ Việt Nam mạnh từ trước đến nay, một số thị trường trường Mỹ la tinh có kim ngạch tăng trưởng rất tốt trong 9 tháng đầu năm 2022 như: Mexico (133 triệu USD, tăng 47,5%), (Chile (110 triệu USD, tăng 15%), Argentina (49 triệu USD, tăng 34 %), Colombia (69 tăng 20%).

Các thị trường xuất khẩu các nước khu vực châu Âu có xuất khẩu đứng đầu với mức tăng trưởng dương như Bỉ, Hà Lan, Pháp, Đức, Nga, Ý, Pháp, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha với kim ngạch từ gần 100 triệu đến gần 900 triệu USD…. Thị trường EU27 sau 9 tháng năm 2022 đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 44 % so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường tại châu Âu có kim ngạch không cao (dưới 70 triệu USD) tuy nhiên lại có tăng trưởng ấn tượng là Đan Mạch (hơn 74%), Rumani (60%) so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó vẫn là các thị trường có tăng trưởng tốt và kim ngạch cao thời gian gần đây như: Đức (871 triệu USD, tăng 50%), Hà Lan (783 triệu USD, tăng 58%), Pháp (546 triệu USD, tăng 38 %), Bỉ (383 triệu USD, tăng 37%), Italia (318 triệu USD, tăng 31%).

Đánh giá và dự báo Mặc dù có mức tăng trưởng tương đối tốt trong 9 tháng đầu năm 2022, tuy nhiên theo dự đoán của VITAS, triển vọng đơn hàng cho quý IV/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 không mấy khả quan, do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao của khách hàng. Thông tin từ các hãng sản xuất hàng may mặc trong nước cập nhật qua nghiên cứu của công ty SSI cho thấy, số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 thấp hơn 25-50% so với quý II/2022 (ước tính tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ), do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao. Nguy cơ lạm phát đang tăng cao ở nhiều nước đã và đang khiến người dân hạn chế đáng kể chi tiêu, trong đó may mặc là 1 trong những nhóm hàng bị cắt giảm chi tiêu nhiều nhất. Mặc dù nhiều công ty đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho quý I/2023 nhưng nhỏ giọt và vẫn còn cách rất xa so với công suất hoạt động của DN. Không chỉ giảm đơn đặt hàng mà giá bán bình quân các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm dệt may cũng có xu hướng giảm xuống, thậm chí DN bị ép giá. Ngay cả những đơn hàng CMT (Cut-Make-Trim), khách hàng chỉ phải trả chi phí nhân công, một số DN cho biết, trước kia các khách hàng có thể xác nhận đơn hàng trước 6 tháng nhưng hiện nay chỉ xác nhận đơn hàng trước 3 tháng, và có thể tiếp tục bị rút ngắn trong thời gian tới.

Không chỉ khó khăn về xuất khẩu, về phía nguồn cung đến các chuỗi cung ứng của các DN dệt may cũng bị ảnh hưởng không nhỏ từ những bất ổn về địa chính trị và diễn biến đại dịch Covid-19. Chẳng hạn, Trung Quốc, đối tác cung ứng nguyên phụ liệu dệt may quan trọng cho Việt Nam vẫn đang áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, khiến DN thường trực đối mặt rủi ro đứt gãy nguồn cung. Tính từ đầu năm nay, lượng bông, xơ, sợi dệt, vải các loại được Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đạt hơn 7,63 tỷ USD, chiếm hơn 52% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này. Xung đột Nga - Ucraina khiến giá nguyên, nhiên, phụ liệu tăng cao liên tục, trong đó giá bông tăng 19,1%, giá cước vận tải cũng tăng cao gấp 3 lần, làm cho chi phí sản xuất trong nước của DN đã tăng hơn 20%. Hơn nữa, EU - một trong những thị trường tiêu thụ dệt may lớn của DN lại đang chứng kiến đồng Euro giảm giá sâu nhất trong 20 năm qua. Điều này ảnh hưởng cực kỳ lớn đến doanh thu của các đơn hàng.

Cùng với áp lực lạm phát, xung đột Nga - Ucraina chưa có hồi kết trong khi giá xăng dầu, chi phí vận tải biển liên tục tăng khiến chi phí sản xuất của DN đội lên, giá các loại nguyên liệu đã tăng gần 30% so với trước là những thách thức mà DN dệt may Việt Nam đang phải đối mặt. Dự kiến chi phí sợi, vải và nhân công vẫn neo ở mức cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động, chủ yếu với các nhà máy FDI. Điều này tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ.

Trong khi đó, từ cuối tháng 6/2022, Hoa Kỳ bắt đầu thực thi Đạo luật chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) điều này đã có tác động đến ngành dệt may Việt Nam. Theo đó, các sản phẩm dệt may có sử dụng vải, sợi có nguồn gốc từ bông tại Tân Cương (Trung Quốc) sẽ bị cấm nhập khẩu. Đáng kể, bắt đầu từ quý I/2022, một số nhãn hàng của Hoa Kỳ đã yêu cầu dừng các đơn hàng với DN Việt Nam khi nguồn gốc xuất xứ của vải được sản xuất từ phía Trung Quốc. Thực tế này đã tạo sức ép buộc các DN Việt Nam phải kiểm định, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào hoặc phải tìm kiếm nhà cung cấp mới từ Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ… khiến chi phí đầu vào tăng lên, cũng như tìm đơn hàng tại các thị trường khác để bù đắp khoảng trống do các nhãn hàng Hoa Kỳ để lại.

Ngoài ra, ngành dệt may Việt Nam còn chịu áp lực từ việc phải đẩy nhanh quá trình “xanh hoá” quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới. VITAS cho biết, EU và khả năng các thị trường lớn dự định sẽ thu phí carbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế, sử dụng đối với hàng nhập khẩu, từ đó đặt ra vấn đề rất lớn, buộc các DN dệt may Việt Nam phải thay đổi trong thời gian tới.

Tình hình xuất khẩu mặt hàng Da giày, Túi xách

Tình hình xuất khẩu: Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng da giày và túi xách của Việt Nam vào các thị trường khu vực Âu - Mỹ tính đến hết tháng 9 năm 2022 đạt 16,3 tỷ USD, tăng 41 % so với cùng kỳ năm 2021. Mặt hàng da giày tăng trưởng tích cực với kim ngạch đạt khoảng 13,9 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ; ngành hàng túi xách tăng trưởng khá tốt với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,3 tỷ USD tăng 44,2 % so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình xuất khẩu mặt hàng giày dép các loại và túi xách, ví,vali, mũ, ô, dù của Việt Nam sang thị trường châu Âu – châu Mỹ 

9 tháng đầu năm 2022


Da giày

Nhìn chung kim ngạch xuất khẩu da giày sang thị trường chủ lực khu vực châu Âu và châu Mỹ đều tăng trưởng tốt. Trong 9 tháng năm 2022, các thị trường chủ lực ở châu Âu, châu Mỹ bao gồm:

- Khu vực châu Mỹ: Hoa Kỳ (với kim ngạch chiếm vẫn chiếm gần một nửa khu vực Âu Mỹ -43% đạt 7,7 tỷ USD với mức tăng trưởng 43 %), Canada (451,7 triệu tăng trưởng 37,8 %), Mexico (303,8 triệu USD tăng trưởng 36 %), Chile ( (132 triệu USD tăng trưởng 41%), Brazil (106 triệu USD tăng trưởng 13%), Panama (100 triệu USD tăng trưởng 91%). Hai nước trong khối nước Mỹ la-tinh khác có kim ngạch xuất khẩu dưới 100 triệu USD là Peru (62,8 triệu USD tăng trưởng 66%) và Colombia (29,2 triệu USD tăng trưởng 105%).

- Khu vực châu Âu: Bỉ (1,2 tỷ USD, tăng 45 %), Đức (989 triệu USD, tăng 58 %), Hà Lan (780 triệu USD, tăng 43 %), Anh (562 triệu USD, tăng 38 %), Pháp (488,3 triệu USD tăng 40 %), Italia (300 triệu USD, tăng 46 %), Tây Ban Nha (233 triệu USD, tăng 48 %).

Về tỷ trọng thị trường xuất khẩu, trong 9 tháng năm 2022, khu vực Âu - Mỹ với các thị trường trọng điểm là Hoa Kỳ và EU vẫn chiếm đa số trong tổng kim ngạch xuất khẩu của da giày Việt Nam ra thế giới, ở mức 67%. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 43 %, tăng tỷ trọng 1,2 %, trong khi thị trường EU27 chiếm 24 %, tăng trưởng tỷ trọng 1,3 % với cùng kỳ năm trước.

Túi xách

Đối với ngành túi xách, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng sang thị trường chủ lực đến hết tháng 9 năm 2022 có tăng rất tốt ở thị trường Hoa Kỳ (đạt 1,47 tỷ USD, tăng 45 %); tăng nhẹ ở thị trường các nước EU27 (đạt 665,86 triệu USD, tăng 0,1 %).

Kim ngạch tăng trưởng rất tốt ở ngành hàng này ở một số nước trong khối EU27 như: Pháp (đạt 94 triệu USD, tăng 23 %), Bỉ (83,8 triệu tăng 35%), Italia (đạt 79 triệu USD tăng 37 %); Hà Lan (đạt 199 triệu USD tăng 48 %), Đức (đạt 147 triệu USD tăng 35%), Ba Lan, Đan Mạch, Séc, Tây Ban Nha, Thụy Điển có kim ngạch tăng trưởng tốt (từ 34 % đến 90%) tuy nhiên giá trị xuất khẩu không lớn (dưới 30 triệu USD).

Bên cạnh đó, Anh là thị trường có FTA với Việt Nam đạt mức tăng tốt (đạt 84 triệu USD, tăng 27 %).

Các thị trường CPTPP tại châu Mỹ  đều ghi nhận mức tăng trưởng khá, cụ thể: thị trường Mexico tăng 47% (đạt 11,4 triệu USD) thị trường Canada (đạt 141 triệu USD, tăng 133 %), Peru (3,8 triệu USD tăng 25%).

Đánh giá và dự báo: Theo Tổng cục Thống kê, riêng trong tháng 9, doanh thu xuất khẩu của 2 mặt hàng này đạt 2,15 tỷ USD, trong đó giày dép đạt 1,8 tỷ USD, túi xách 350 triệu USD. Lũy kế hết tháng 9, xuất khẩu giày dép, túi xách mang về 21,3 tỷ USD, trong đó giày dép đạt 18,2 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ, túi xách, vali, ô dù đạt 3,13 tỷ USD, tăng 40,2%.

Các nhà đặt hàng lớn từ Mỹ, EU vẫn chọn Việt Nam là địa chỉ đặt hàng uy tín, tin cậy, cho thấy vai trò ngày càng được nâng cao của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngành da giày đã chủ động nắm bắt và khai thác những lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mang lại, trong đó có EVFTA, CPTPP, RCEP để thúc đẩy xuất khẩu.

Sau nửa đầu năm tương đối “thuận buồm xuôi gió”, nửa cuối năm ngành sản xuất, XK da giày của Việt Nam đối mặt không ít khó khăn khi tình trạng lạm phát tại các thị trường XK lớn như EU, Mỹ tăng cao. Xung đột giữa Nga - Ucraina vẫn chưa chấm dứt khiến người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu mua sắm, khiến tình hình XK nói chung, trong đó có XK da giày nửa cuối năm gặp khó. Theo kinh nghiệm của nhiều công ty xuất khẩu giày da,tháng 9, 10 sẽ là vùng trũng của đơn hàng. Trước đây, DN có thể nhận đơn hàng trước từ 1- 2 quý. Tuy nhiên, với những biến động thị trường như hiện nay, DN chỉ có thể nhận đơn hàng trước 2-3 tháng. Những tháng cuối năm, đơn hàng của các doanh nghiệp da giầy phía Nam đang từng bước giảm dần. Hiện tại, trong 3 tháng 8, 9, 10, lượng đơn hàng đã giảm 30% so với những năm trước.

Với tình trạng sụt giảm sức mua tại các thị trường lớn trong quý 4 do lạm phát tại nhiều quốc gia tăng cao, nhưng với việc đạt doanh thu xuất khẩu 21,3 tỷ USD sau 9 tháng, xuất khẩu giày dép, túi xách trong năm 2022 vẫn có thể về đích vượt mục tiêu 25 tỷ USD.

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ


 

In bài Share