Doanh nghiệp 360

Tình hình logistics giữa Việt Nam với thị trường châu Âu – châu Mỹ

10.12.2022

Hoạt động logistics tại khu vực châu Âu- châu Mỹ

Thị trường châu Âu

Trên thị trường quốc tế, giá thuê tàu các cỡ khác nhau đã giảm 30-50% trong thời gian từ tháng 8-9, và giảm 30-60% so với mức đỉnh tháng 3/2022. Đây là hệ quả của nhu cầu yếu trong bối cảnh thị trường lo ngại nguồn cung tàu mới sẽ tham gia vào thị trường trong hai năm tới làm tăng 28% tổng trọng tải hiện tại. Giá cước vận tải biển từ Việt Nam đi châu Âu hiện nay vào khoảng 60 triệu đồng – 100 triệu đồng/container, giảm 1/3 so với mức giá đỉnh năm 2021 từ 230 triệu đồng – 300 triệu đồng/container.

 Bên cạnh đó, giá cước vận tải giao ngay tiếp tục giảm khi Chỉ số giá cước vận tải container (World Container Index) giảm 28% trong tháng qua, tương đương mức giảm 54% kể từ tháng 2 năm 2022. Nhiều chuyên gia đồng ý rằng mùa cao điểm vận tải biển thường thấy hàng năm có khả năng sẽ không xảy ra trong năm nay do hàng tồn kho của nhà bán lẻ ở mức cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu hiện nay cũng đóng vai trò không nhỏ khiến giá cước vận tải giảm. Tình hình căng thẳng giữa Ucraina và Nga khiến giá xăng dầu tăng cao và lạm phát tăng nhanh. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng đắn đo hơn trong việc chi tiêu.

Những năm trước, đây vốn là khoảng thời gian cao điểm của ngành vận tải biển khi thị trường gia tăng nhập hàng, chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ cuối năm. Tuy nhiên, năm nay hầu hết các nhà phân phối, bán lẻ lớn đã chủ động nhập hàng từ sớm để tránh gặp phải tình trạng hàng không về kịp do tắc nghẽn, một số khác tranh thủ xả hàng tồn kho để tránh gặp phải những rắc rối như thời kỳ đại dịch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá vận tải biển sụt giảm dù đang là thời điểm cuối năm.

Mặc dù vậy, tình trạng tắc nghẽn cảng ở châu Âu, đặc biệt là Hamburg và Rotterdam vẫn đang diễn biến phức tạp do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ucraina khiến một số hãng tàu lớn ngừng vận chuyển vào Baltic và Biển Đen, trong khu một số quốc gia châu Âu chủ chốt cấm các tàu mang cờ Nga đến cảng của mình. Tình trạng nghẽn càng nghiêm trọng đã khiến cho thời gian tàu quay trở lại châu Á bị chậm trễ. Nhiều chuyến đi khác nhau đang phải bỏ qua ghé các cảng như Hamburg và chuyển hướng sang các cảng thay thế.

Đối với đường sắt liên vận, các tuyến vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam qua Trung Quốc và qua Nga tới các nước EU tiếp tục gặp nhiều rủi ro và gần như tê liệt khi căng thẳng giữa Nga và EU ngày càng gia tăng.

Thị trường châu Mỹ

          Cũng giống như châu Âu, cùng theo xu hướng giảm, giá cước vận tải đường biển đi Hoa Kỳ cũng đã hạ nhiệt. Giá cước áp dụng với mỗi container 40 feet từ Việt Nam đi các cảng Los Angeles, Miami và Long Beach (Mỹ) hiện còn khoảng từ 12.000-13.000 USD, giảm khoảng 50% so với hồi đầu năm. Cước vận chuyển một container 40 feet đến Bờ Tây nước Mỹ khoảng 5.400 USD, giảm 60%. Tuy nhiên, dù giá cước đã giảm nhiều, hầu hết các chặng giá đã hình thành mặt bằng giá mới cao hơn giai đoạn trước dịch bệnh khoảng từ 10-15%.

          Tình trạng nghẽn cảng và đường sắt xuất hiện khá thường xuyên tại các cửa ngõ chính của Hoa Kỳ, đáng chú là tại Houston và Baltimore với tàu lưu trú kéo dài từ 17-20 ngày. Trong khi đó tại cảng Los Angeles/ Long Beach container nằm chờ đến 17 ngày để được kết nối với đường sắt. Bên cạnh đó, số lượng chuyến tàu bị huỷ chuyến tiếp tục gây chú ý trên thị trường trong tháng 10 khi các hãng vận tải tìm cách giảm tổng số tàu neo đậu tại các cảng, đặc biệt là cảng Savannah ở Bờ Đông Hoa Kỳ (USEC) và cảng Houston ở Vịnh Hoa Kỳ (USGC).

          Tại Canada, Cảng Vancouver ở Bờ Tây của Canada đã hoạt động gần hết công suất bãi và đang gây ra vấn đề chậm trễ cho các tàu vào cập cảng. Tình trạng tắc nghẽn cảng và tắc nghẽn vận tải đường bộ diễn ra liên tục nhưng nhìn chung đã giảm so với mức đỉnh điểm. Bên cạnh các điều kiện thị trường và giá cước tương tự như ở Hoa Kỳ, Vancouver và Prince Rupert đều chứng kiến sự sụt giảm về số lượng tàu và sự chậm trễ cập bến, cũng như tình trạng tồn đọng đường sắt.

          Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhu cầu giảm nhưng các cảng biển ở Hoa Kỳ hay Canada vẫn thường xuyên trong tình trạng tắc nghẽn, quá tải và phải hoạt động gần như hết công suất. Theo các chuyên gia, cảng biển của Hoa Kỳ và đang hoạt động không hiệu quả vì thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là yếu tố tự động hoá đến từ việc các liên đoàn lao động ở cả hai bờ Đông, Tây của Hoa Kỳ đều kiên quyết trong việc từ chối áp dụng tự động hoá để bảo vệ các hợp đồng việc làm trong hiện tại và tương lai.

          Trên thực tế, giá cước vận tải đang giảm và được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm cũng như nguồn cung tàu thuỷ và container đóng mới được xuất xưởng trong thời gian tới để giảm áp lực đối với tình trạng thiếu container.

          Tuy nhiên, dù đã có mức giá cước tốt hơn, tỷ lệ các chuyến tàu bị hủy, tắc nghẽn cảng và sự chậm trễ giữa các phương thức vận chuyển ở Bắc Mỹ đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến độ tin cậy của lịch trình.

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ

 

In bài Share