Doanh nghiệp 360
Các chính sách mới và các biến động trong khu vực ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam
Một số quy định mới của các nước khu vực châu Âu- châu Mỹ được áp dụng trong Quý 3 năm 2022.
Các nước EU 27
- EU thay đổi ngưỡng dư lượng với một số hóa chất nông nghiệp dùng cho động thực vật: Ủy ban Châu Âu ban hành Quy định của Ủy ban (EU) 2022/1290 ngày 22 tháng 7 năm 2022 sửa đổi Phụ lục II, III và IV của Quy định 396/2005 liên quan đến sửa đổi mức dư lượng tối đa (MRL) các hoạt chất ametoctradin, chlormequat, dodine, nicotine, profenofos và spodoptera exigua multiapsid nucleopolyhedrovirus (SeMNPV) phân lập BV-0004 áp dụng đối với một nhóm sản phẩm: trái cây, rau và sản phẩm có nguồn gốc động vật. Quy định này có hiệu lực vào ngày 12/8/2022. Đồng thời, ngày 20 tháng 7 năm 2022, Ủy ban Châu Âu cũng đã ban hành Quy định của Ủy ban (EU) 2022/1264 sửa đổi Phụ lục II của Quy định (EC) số 396/2005 của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng liên quan đến mức dư lượng tối đa đối với hoạt chất fludioxonil trong hoặc trên một số sản phẩm áp dụng đối với một nhóm sản phẩm có nguồn gốc cả thực vật và động vật. Quy định này có hiệu lực vào ngày 10/8/2022.
- EU sửa đổi Quy định về giá trị giới hạn thuốc trừ sâu trên/trong một số thực phẩm: Ngày 01 tháng 8 năm 2022, Uỷ ban Châu Âu đã ban hành Quy định số (EU) 2022/1346 và 2022/1343 sửa đổi Phụ lục II và III của Quy định (EC) 396/2005 liên quan đến mức dư lượng tối đa đối với 1,4-dimethylnaphthalene, 8-hydroxyquinoline, pinoxaden và valifenalate trên và trong một số sản phẩm nhất định và mức dư lượng tối đa của acequinocyl, chlorantraniliprole và emamectin trên và trong một số sản phẩm nhất định. Quy định này có hiệu lực từ ngày 22 tháng 2 năm 2023. Quy định áp dụng đối với các sản phẩm như trái cây tươi và đông lạnh, các loại hạt, rau tươi và đông lạnh, dầu và trái cây có dầu, ngũ cốc, trà, cà phê, thảo dược, sản phẩm có nguồn gốc động vật… Quy định 396/2005 sẽ tiếp tục được áp dụng cho các sản phẩm được sản xuất trong Liên minh Châu Âu hoặc nhập khẩu vào Liên minh trước ngày 22 tháng 2 năm 2023.
- EU sửa đổi Quy định về giá trị giới hạn đối với một số chất trong thực phẩm: Ngày 4 tháng 8 năm 2022, Uỷ ban Châu Âu đã ban hành Quy định số (EU) 2022/1364 và 2022/1370 sửa đổi quy định EC 1881/2006 về giá trị tối đa của axit hydrocyanic và Ochratoxin A trong một số sản phẩm nhất định. Quy định được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2023. Quy định áp dụng đối với nhiều sản phẩm như hạt lanh, hạnh nhân, hạt mơ, củ sắn (tươi, gọt vỏ), bột sắn dây, ngũ cốc, hoa quả sấy khô, cà phê rang, cà phê hoà tan, gia vị, thảo mộc khô… Các loại thực phẩm trên được đưa ra thị trường hợp pháp trước ngày 01/01/2023 vẫn có thể bán trên thị trường cho đến hạn sử dụng của chúng.
- Các thực phẩm có chứa màu thực phẩm E171 sẽ không được lưu hành tại thị trường EU từ ngày 07 tháng 8 năm 2022. Titanium dioxide (E171) là một chất trước đây được phép sử dụng làm phụ gia tạo màu cho một số sản phẩm thực phẩm. Thực phẩm có chứa titanium dioxide (E171) được sản xuất theo quy định trước ngày 7 tháng 2 năm 2022, ngày quy định mới có hiệu lực, sẽ được phép tiếp tục tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, từ ngày 7 tháng 8 năm 2022 trở đi, không sản phẩm thực phẩm nào có chứa E171 được phép bán trên thị trường EU.
- EU sửa đổi ngưỡng dư lượng với một số hoạt chất nông nghiệp: Ngày 30 tháng 8 năm 2022, Ủy ban Châu Âu đã đăng công báo Quy định của Ủy ban (EU) 2022/1435 ngày 26 tháng 8 năm 2022 sửa đổi Phụ lục II của Quy định (EC) số 396/2005 của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng liên quan đến mức dư lượng tối đa đối với hoạt chất calcium carbonate, carbon dioxide, cyprodinil và potassium hydrogen carbonate trong hoặc trên một số sản phẩm áp dụng đối với một nhóm sản phẩm có nguồn gốc cả thực vật và động vật. Theo đó, các hoạt chất calcium carbonate, carbon dioxide và postassium hydrogen carbonate chính thức được đưa vào Phụ lục IV, tức là phụ lục không áp dụng dư lượng. Quy định này có liên quan đến nhiều sản phẩm nông nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh như hạt điều, dừa, dứa, chanh, rau gia vị, chè, vừng, gạo, cà phê, mật ong... và có hiệu lực từ ngày 19/9/2022.
- EU công bố thuế nhập khẩu gạo xát: Ngày 08 tháng 9 năm 2022, Ủy ban châu Âu đã đăng công báo Quy định số 2022/1481 về thuế nhập khẩu gạo xát vào EU. Theo đó, thuế nhập khẩu đối với gạo xát trắng thuộc mã CN 1006 20, không phải gạo basmati xát vỏ với các giống được đề cập trong Điều 1 của Quy định Ủy ban (EC) số 972/2006 (4), sẽ là 65 EUR / tấn. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 8 tháng 9 năm 2022.
- Trong một tuyên bố chung, nhóm các nhà bán buôn và bán lẻ hoạt động tại hơn 20 quốc gia EU đã đề nghị các nước thành viên EU và các tổ chức của EU thông qua việc sửa đổi Quy định Quản lý Nghề cá của EU nhằm đảm bảo quản lý hoạt động đánh bắt hợp pháp trên biển và khả năng truy xuất nguồn gốc kỹ thuật số đầy đủ các sản phẩm cá và thuỷ sản tham gia vào chuỗi cung ứng của EU, cho dù đó là sản phẩm tươi hay đã qua chế biến. Theo đó EU cần phải giám sát toàn diện, hiệu quả việc thực thi các biện pháp kiểm soát, đặc biệt là thông qua việc sử dụng giám sát điện tử từ xa. Tuyên bố này buộc EU phải điều chỉnh thực hiện một phương pháp tiếp cận việc truy xuất nguồn gốc kỹ thuật số mạnh mẽ đối với thuỷ sản. Cụ thể, tất cả các dữ liệu cần thiết cho một chuỗi cung ứng minh bạch phải được tất cả các bên liên quan ghi lại một cách hiệu quả, từ điểm đánh bắt đến điểm bán hàng để đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm thủy sản trên các kệ hàng của EU có nguồn gốc bền vững và hợp pháp.
Các nước EAEU
- Nhằm mục đích nâng cao tính ổn định cho các nền kinh tế của khối EAEU trong bối cảnh khủng hoảng Nga – Ucraina vẫn diễn biến phức tạp, Hội đồng Ủy ban kinh tế Á – Âu quyết định tiếp tục miễn thuế nhập khẩu thêm 06 tháng (đến ngày 31 tháng 3 năm 2022) đối với một số nguyên liệu đã có trong các Quyết định trước đó của Hội đồng, bao gồm: nguyên phụ liệu dược phẩm, hóa chất, thuốc nhuộm, tinh bột, cao su và các sản phẩm từ cao su, nguyên liệu dệt may… Ngoài ra trong Quyết định lần này của Hội đồng cũng bổ sung thêm 1 số sản phẩm như màng polyme để sản xuất các thiết bị y tế, nước hoa, mỹ phẩm, các thành phần cho thức ăn trẻ em.
- Từ ngày 20 – 21/10/2022, Hội đồng liên Chính phủ Á – Âu đã họp tại Everan, Armenia để xem xét các đề xuất về phát triển kinh tế - thương mại, đầu tư của Liên minh, trong đó nổi bật là thống nhất xây dựng cách tiếp cận nguồn vốn và cơ chế ưu đãi tài chính cho hợp tác công nghiệp. Nhờ công cụ này, các dự án có triển vọng nhất trong EAEU sẽ nhận được hỗ trợ tài chính thông qua việc được trợ cấp các khoản vay từ các tổ chức tài chính quốc tế và quốc gia của Liên minh. Tại cuộc họp nêu trên, Hội đồng cũng thông qua Quyết định xem xét thử nghiệm hệ thống định vị điện tử khi vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt hoặc đường bộ giữa Kyrgyzstan, Kazakhstan và LB Nga. Đây được xem là một trong những thử nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngoại thương của khối EAEU.
Anh
- Chính phủ Anh chủ động thực hiện chiến lược thương mại “Global Britain” nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Anh cũng sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa theo phương thức “có đi có lại” với các đối tác nước ngoài thông qua các FTAs. Thúc đẩy đàm phán FTAs với 19 quốc gia hoặc Liên minh các quốc gia trong đó tập trung ưu tiên các đối tác thương mại lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đồng thời chủ trương kế thừa toàn bộ các FTAs của EU đang có hiệu lực trên cơ sở đồng thuận với bên ký kết của các FTAs này trong đó có EVFTA;
- Bộ Thương Mại Anh nỗ lực trong việc thiết lập Chiến lược xuất khẩu hàng đầu thế giới, đặt một số mục tiêu chung - mục tiêu cho cả doanh nghiệp và chính phủ. Đó là Xuất khẩu của Vương quốc Anh sẽ đạt mốc 1 nghìn tỷ bảng Anh vào giữa những năm 2030. Họ xây dựng chiến lược hỗ trợ xuất khẩu 12 điểm có tên gọi: “Made in the UK, Sold to the World — the strategy comprises a 12-point plan”. Kế hoạch bao gồm một loạt các các biện pháp hỗ trợ mới, bao gồm cả Dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu (Export Support Service -ESS) và Học viện xuất khẩu Vương quốc Anh (UK Export Academy).
- Brexit cùng với áp dụng các quy trình thủ tục mới đối với Thương Mại Xuất khẩu vào Anh khác với EU. Nhãn hiệu UKCA (UK Conformity Assessed) là yêu cầu bắt buộc đối với hầu hết các sản phẩm công nghiệp lưu thông và sử dụng tại Anh kể từ ngày 01/01/2023. Hàng hóa dịch vụ nhập khẩu vào Anh (chuyển từ CE sang UKCA) khiến các Doanh nghiệp phải tìm hiểu cập nhật và áp dụng mới để duy trì hoạt động thương mại với Anh.
- Chương trình Thương mại với các nước đang phát triển (Developing Countries Trading Scheme viết tắt là DCTS) sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2023 và áp dụng với 65 quốc gia, đưa ra mức thuế thấp hơn và các yêu cầu về quy tắc xuất xứ đơn giản hơn để xuất khẩu sang Vương quốc Anh. Việc này có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam (ưu đãi thuế theo hiệp định UKVFTA).
- Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Vương quốc Anh dành cho Việt Nam sẽ chính thức hết hiệu lực từ ngày 01/01/2023 do Việt Nam đã ký với Anh hiệp định UKVFTA.
Hoa Kỳ
- Ban hành Đạo luật Giảm lạm phát (Infaltion Reduction Act – IRA)
Ngày 16/08/2022, Tổng thống Joe R. Biden đã ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), tập trung vào 3 mục tiêu chính : (i) Giảm chi phí chăm sóc y tế và thuốc kê đơn cho người tham gia bảo hiểm y tế Medicare; (ii) Tăng thuế thu nhập với các Tập đoàn lớn; và (iii) Thúc đẩy chuyển đổi sang các dạng năng lượng xanh. Dự kiến, Hoa Kỳ sẽ phân bổ kinh phí trong 10 năm (ước tính chi khoảng gần 520 tỷ USD và thu khoảng 810 tỷ USD) cho các Bộ ngành chịu trách nhiệm giải ngân và thực hiện các nội dung của Đạo luật Giảm lạm phát.
Đạo luật IRA nhiều khả năng sẽ tạo ra tác động tích cực đối với Việt Nam trong dài hạn. Về kinh tế, quy định tăng thuế thu nhập đối với các công ty có thu nhập từ 1 tỷ USD trở lên sẽ có thể thúc đẩy các công ty này chuyển đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam nhằm tránh việc phải đóng nhiều thuế phí. Việc tăng cường đầu tư vào lĩnh vực chuyển đổi sang các dạng năng lượng xanh cũng tạo động lực sẽ thúc đẩy việc nhập khẩu các trang thiết bị từ nước ngoài, thúc đẩy các dòng đầu tư vào sản xuất trong lĩnh vực này. Đây có thể sẽ là cơ hội lớn nếu Việt Nam có định hướng chính sách phù hợp, cả về chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu và thu hút đầu tư.
- Hoa Kỳ siết chặt kiểm soát xuất khẩu với quy định mới, hạn chế ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc
Ngày 07/10/2022, Hoa Kỳ công bố một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, bao gồm cả biện pháp ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận một số loại chip bán dẫn, bất kể được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới bằng thiết bị của Hoa Kỳ. Động thái này nằm trong nỗ lực mở rộng phạm vi các biện pháp của Hoa Kỳ thực hiện nhằm làm hạn chế tiến bộ công nghệ và khả năng quân sự của Trung Quốc.
Các quy định của Hoa Kỳ yêu cầu ngừng chuyển thiết bị đến các nhà máy hoàn toàn thuộc sở hữu của Trung Quốc chuyên sản xuất chip logic tiên tiến. Các biện pháp này có thể dẫn đến sự thay đổi lớn nhất trong chính sách của Hoa Kỳ đối với việc cung cấp công nghệ cho Trung Quốc kể từ những năm 1990. Nếu được thực hiện hiệu quả, các biện pháp này có thể gây khó khăn cho ngành sản xuất chip của Trung Quốc bằng cách buộc các công ty Hoa Kỳ và nước ngoài sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ phải cắt đứt việc hỗ trợ cho một số nhà máy và nhà thiết kế chip hàng đầu của Trung Quốc.
Canada
- Lệnh cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần có hiệu lực từ tháng 12/2022: Mới đây, Canada vừa thảo luận và thông qua các điều khoản cấm sử dụng các sản phẩm như: túi mua hàng, dao dĩa, bát đĩa nhựa, ống hút và các bao bì thực phẩm không thể tái chế. Các doanh nghiệp buôn bán, kinh doanh, sản xuất có ân hạn đến tháng 12 năm 2023 để thanh lý hàng tồn kho và chuyển đổi sản xuất, sau thời hạn này, các sản phẩm nói trên sẽ bị cấm bán; các sản phẩm có bao bì bằng nhựa không mang biểu tượng tái chế. Canada cũng cấm xuất khẩu các sản phẩm này vào cuối năm 2025. Với lệnh cấm này, Canada là nước đầu tiên thực thi triệt để kế hoạch loại bỏ rác thải nhựa. Các doanh nghiệp thực phẩm chế biến Canada đang ráo riết thiết kế và tìm nhà cung cấp các loại bao bì thực phẩm bằng nhựa có khả năng tái chế. Các doanh nghiệp bán lẻ khi nhập hàng vào Canada cũng sẽ đặt ra các yêu cầu này với các nhà sản xuất. Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý quy định này khi xuất khẩu vào Canada đồng thời nắm bắt và đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Về các cam kết chính sách và giải pháp năng lượng sạch trong tháng 9/2022: Canada công bố đầu tư 5,3 triệu CAD cho hoạt động nghiên cứu sinh viên trong lĩnh vực năng lượng sạch; cam kết đóng 2 tỷ CAD vào Quỹ ứng dụng công nghệ sạch để triển khai các dự án thương mại hoá công nghệ năng lượng sạch trong khuôn khổ sáng kiến của các nền kinh tế chủ yếu (trong đó Việt Nam có tham gia). Canada cũng công bố mua sắm phương tiện đi lại của chính phủ sẽ là xe điện nhằm đạt mục tiêu 100% xe công là xe điện vào năm 2030[1]. Canada đưa ra kế hoạch giảm dần xe cá nhân sử dụng năng lượng hoá thạch và đạt mức lưu thông 50% xe điện vào năm 2030, và 2040 đối với xe tải. Canada là nước đầu tiên đưa ra quy định về giảm khí methane với lộ trình cụ thể, theo đó, Canada sẽ giảm 35% lượng phát thải khí methane[2] vào năm 2035 so với hiện nay và nâng cao hiệu quả công nghệ đo lường, phát hiện khí methane.
- Canada kết thúc điều tra lại vụ việc phòng vệ thương mại ống đúc dẫn dầu OCTG và ban hành kết luận cuối cùng ngày 6/9/2022: Đây là vụ việc, trong đó, Việt Nam là một trong các nước bị Canada tiến hành điều tra để xác định lại mức thuế chống bán phá giá với OCTG theo quyết định ngày 08/03/2022. Trước đây, liên quan đến vụ việc này, Canada đã khởi xướng điều tra vào ngày 21 tháng 7 năm 2014 và ban hành Kết luận cuối cùng vào ngày 03/03/2015. Do không có doanh nghiệp nào của Việt Nam tham gia trả lời bản câu hỏi điều tra nên từ đó Canada đã áp mức thuế CBPG là 37,4%. Nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục chịu mức thuế CBPG như cũ. Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan tiếp tục chủ động theo dõi diễn biến của vụ việc. Các doanh nghiệp mới thành lập muốn xuất khẩu mặt hàng này sang Canada có thể liên hệ với CBSA để xin cơ chế rà soát nhà xuất khẩu mới. Tính đến nay, Canada đang áp dụng thuế CBPG và/hoặc CTC với 07 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam bao gồm: ống thép hàn cacbon, thép cán nguội, thép cốt bê tông, khớp nối bằng ống đồng, thép tấm chống ăn mòn, ống đúc dẫn dầu và ghế bọc đệm. Từ năm 2021 đến nay, Canada chưa khởi xướng điều tra mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Mexico
-Vừa qua phía Mexico đã đưa ra phán quyết áp thuế cho sản phẩm thép cán mạ cao nhất là 12,34% và thấp nhất là 0%. Mức thuế này được Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương đánh giá là thấp so với các thị trường khác. Với mức thuế này thì các sản phẩm thép cán mạ của Việt Nam vẫn có thể có cơ hội vào lại thị trường Mexico. Còn đối với thép cán nguội thì vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để nộp cho nhà chức trách Mexico.
Chile
Ngày 11/10/2022, tại trụ sở Quốc hội ở thành phố Valparaiso, Thượng viện Chile đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 27 phiếu ủng hộ, 10 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Dự kiến cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023, CPTPP sẽ có hiệu lực tại Chile sau khi Tổng thống Chile phê chuẩn và thông báo tới các nước thành viên CPTPP.
Các nước Mercosur
Tại cuộc họp thường niên của Hội đồng Thị trường chung Nam Mỹ (CMC) được tổ chức vào ngày 20/07/2022 tại Asunción, MERCOSUR và Singapore đã thông báo kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa hai Bên, đây là hiệp định thương mại đầu tiên của khu vực với một quốc gia thành viên của ASEAN. Các nước thành viên Khối MERCOSUR hy vọng rằng Hiệp định này sẽ trở thành cầu nối cho hàng hóa xuất khẩu của Khối này sang Đông Nam Á.
Ngày 25/7/2022, Thứ trưởng Bộ Quan hệ Kinh tế và Hội nhập của Paraguay, Raúl Cano Ricciardi, thông báo các nước Mercosur đã đồng ý cắt giảm 10% Biểu thuế chung ngoại khối (AEC), tương đương với mức mà Brazil đơn phương đưa ra hồi tháng 5 năm ngoái. Trong đó, ông nói rõ rằng biện pháp này “tôn trọng tính nhạy cảm của tất cả các quốc gia thành viên”, đặc biệt đối với danh sách các trường hợp ngoại lệ đối với một số hàng hóa và dịch vụ.
Tại cuộc họp của Hội đồng Thị trường Chung (CMC), các Bộ trưởng ngoại giao MERCOSUR đã xác định rằng các mặt hàng có mức thuế 2% sẽ về 0% và những mặt hàng có mức thuế từ 4% đến 14% được giảm 10%, ví dụ, một mặt hàng có thuế suất 4% sẽ về mức 3,6%. Các quốc gia thành viên cũng có thể giảm 10% thuế quan đối với các dòng thuế hiện đang ở mức từ 16% đến 35%, mặc dù Argentina sẽ không thực hiện cắt giảm đối mức thuế này. Theo đề xuất của Argentina, các ngành ô tô, vải, quần áo, giày dép, đồ chơi, sữa và đào đóng hộp sẽ không được giảm thuế với tất cả các đối tác.
Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ