Doanh nghiệp 360

Phân tích tình hình xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào khu vực châu Âu – châu Mỹ (P1)

11.12.2022

Tình hình xuất khẩu các mặt hàng Điện thoại và linh kiện, Máy tính và linh kiện

Mặt hàng Điện thoại và linh kiện

Trong tháng 9, Việt Nam đã sản xuất 19 triệu chiếc điện thoại di động. Sản lượng sụt giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng nhẹ so với con số 18,9 triệu của tháng 8. Tính đến hết Quý III năm 2022, Việt Nam sản xuất 158 triệu điện thoại di động các loại với nhiều thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ...

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam sang khu vực Âu – Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt đạt 19,4 tỷ USD, 13,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, khu vực châu Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu có sự tăng trưởng mạnh, trị giá xuất khẩu đạt 13,4 tỷ USD, tăng 36,9% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng trên có được chủ yếu do sự tăng trưởng thị trường Hoa Kỳ và Canada. Còn các nước châu Mỹ La tinh đều chứng kiến sự suy giảm về nhu cầu tiêu dùng đối với mặt hàng điện thoại do tình trạng lạm phát khiến giá cả gia tăng đáng kể.

Còn khu vực châu Âu, trị giá xuất khẩu đạt 6,04 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ. Tình trạng lạm phát và giá năng lượng tại châu Âu đã khiến nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng công nghệ cao giảm đáng kể tại châu Âu. Chỉ có quốc gia có sự tăng trưởng như Đức, Pháp, Hà Làn, Slovakia, Thụy Điển và Anh. Còn lại các nước khác đều chứng kiến sự sụt giảm ở mức 2 con số. Riêng sang 2 thị trường Liên bang Nga và Ucraina giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2021.

Đánh giá tình hình thị trường Điện thoại và linh kiện: Tình hình lạm phát tại các quốc gia châu Âu –châu Mỹ đã khiến cho cuộc sống của người dân hạn chế các tiêu dùng xa xỉ, trong có điện thoại thông minh.

Theo Công ty phân tích dữ liệu Canalys, trong Quý III năm 2022, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu ghi nhận mức giảm thứ ba liên tiếp trong năm nay, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu Quý III tồi tệ nhất kể từ năm 2014. Triển vọng kinh tế ảm đạm, cộng với lạm phát tăng cao tại các nước châu Âu – châu Mỹ, đã khiến người tiêu dùng trì hoãn việc mua các sản phẩm điện tử và ưu tiên các khoản chi tiêu thiết yếu khác. Điều này có thể sẽ tiếp tục làm giảm thị trường điện thoại thông minh trong sáu đến chín tháng tới.

Trong Quý III năm 2022 Samsung vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 22% thị phần được thúc đẩy bởi các chương trình khuyến mãi lớn. Apple là nhà cung cấp duy nhất trong top 5 ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, cải thiện vị thế thị trường hơn nữa với 18% thị phần trong thời kỳ suy thoái thị trường nhờ nhu cầu tương đối linh hoạt đối với iPhone. Trong khi Xiaomi, OPPO và Vivo tiếp tục thực hiện một cách tiếp cận thận trọng để mở rộng ra nước ngoài do thị trường trong nước không chắc chắn, lần lượt giữ lại 14%, 10% và 9% thị phần toàn cầu.

Đối với hầu hết các nhà cung cấp, ưu tiên hiện nay là giảm nguy cơ tích tụ hàng tồn kho do nhu cầu giảm đi. Các nhà cung cấp đã có lượng tồn kho đáng kể vào tháng 7, nhưng việc bán hết dần được cải thiện từ tháng 9 do giảm giá và khuyến mãi tích cực. Chiến lược định giá của các sản phẩm mới được xây dựng một cách thận trọng, ngay cả đối với Apple, để tránh sự phản đối từ những người tiêu dùng hiện có xu hướng rất nhạy cảm với việc tăng giá các sản phẩm tiêu dùng.

Vấn đề cốt lõi vẫn là nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay trong giai đoạn lạm phát tăng cao, do vậy, các nhà cung cấp phải nghiên cứu dự báo một cách thận trọng trong việc hợp tác với các chuỗi cung ứng để ổn định thị phần. Bước vào quý 4 và đầu năm 2023 là giai đoạn lễ hội, người tiêu dùng có xu hướng chờ các chương trình khuyến mãi và giảm giá các sản phẩm thế hệ cũ. Điều này có thể làm ổn định lại nhu cầu tiêu dùng, tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ít có khả năng quý 4 sẽ là bước ngoặt cho sự phục hồi của thị trường điện thoại thông minh và các nhà cung cấp sẽ cần điều chỉnh dự báo sản xuất với các đối tác trong chuỗi cung ứng trong trường hợp không có dấu hiệu phục hồi trong quý 4 và 6 tháng đầu năm 2023.

Mặt hàng Máy tính và linh kiện

Tính đến hết Quý III năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu máy vi tính và linh kiện sang khu vực Âu- Mỹ đạt 18,8 tỷ USD, 17,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 13,4 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu trọng điểm với kim ngạch đạt 11,6 tỷ USD, tăng 24,8%. Còn tại khu vực châu Âu cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,3 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường EU, trong đó có 3 thị trường tăng trưởng đáng kể là Hà Lan (1,9 tỷ USD, tăng 57,6%), Ba Lan (914 triệu, tăng 5,7%), Đức (500 triệu USD, tăng 4,9%)...

Riêng trong Quý III năm 2022, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính và linh kiện của Việt Nam sang khu vực Âu -Mỹ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, EU và Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu chính.

Tại khu vực châu Mỹ, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,87 tỷ USD, tăng 13,7% so với Quý III năm 2021. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 4,2 tỷ USD, tăng 19,9%. Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 65%.

Bất chấp tình trạng lạm phát và giá cả leo thang, xuất khẩu máy vi tính từ Việt Nam sang một số quốc gia Mỹ la tinh vẫn có sự tăng trưởng nhất định như Argenina đạt 14,3 triệu USD, tăng 31,8%; Chile – 31,3%, tăng 118,8%, Colombia – 6,6 triệu USD, tăng 92,6%. Riêng Mexico chứng kiến sự sụt giảm mạnh khi kim ngạch xuất khẩu đạt 290,7 triệu USD, giảm 30,7%.

Tại khu vực châu Âu, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,66 tỷ USD, tăng 8,83% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng khu vực EU27 vẫn có sự tăng trưởng khi kim ngạch xuất khẩu đạt 1,57 tỷ USD, tăng 16,2%, tập trung tại các thị trường sau: Đức – 168,5 triệu USD, tăng 3,8; Hà Lan – 587,6 triệu USD, tăng 55,4%; Italia – 56,3 triệu USD, tăng 61,2%...

Riêng tại hai quốc gia xảy ra xung đột là Nga và Ucraina thì kim ngạch đã giảm mạnh. Xuất khẩu máy vi tính sang Nga trong Quý III năm 2022 chỉ đạt 2,6 triệu USD, giảm 96,6%, so với mức 77,4 triệu USD trong Quý III năm 2021.

Đánh giá về thị trường Máy tính và linh kiện: Phân tích của Canalys cho thấy, thị trường máy vi tính toàn cầu đang đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu đáng kể trong Quý III năm 2022. Tổng số lô hàng máy tính để bàn và máy tính xách tay giảm 18% xuống 69,4 triệu chiếc. Nguyên nhân chính là do sự sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu từ phía người tiêu dùng và sự thận trọng của các doanh nghiệp công nghệ thông tin đối với các khoản chi tiêu cho giáo dục, cũng như công việc trực tuyến. Các yếu tố kinh tế vĩ mô và bất lợi trong ngành bao gồm lạm phát cao, lãi suất tăng và hàng tồn kho trên kênh tăng cao đã làm giảm động lực của thị trường máy vi tính và có khả năng sẽ kéo dài đến năm 2023. Các lô hàng máy tính xách tay bị ảnh hưởng nhiều nhất, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2021 với 54,7 hàng triệu đơn vị được vận chuyển. Các lô hàng máy tính để bàn có sự sụt giảm ít hơn do ít phụ thuộc hơn vào chi tiêu của người tiêu dùng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái với tổng số 14,7 triệu chiếc. Ngoài ra, việc nhiều nhà cung cấp máy tính cá nhân đã đóng cửa hoạt động tại Nga trong hai quý đầu năm nay do xung đột Nga – Ucraina đã ảnh hưởng tiêu cực đến các lô hàng tổng thể và đặc biệt rõ ràng khi có sự so sánh giữa các năm.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu máy vi tính lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, trong Quý III năm 2022 thị trường máy vi tính của Hoa Kỳ đã giảm 17,3% trong Quý III năm 2022, quý thứ 5 liên tiếp về lượng hàng giảm so với cùng kỳ năm trước. Doanh số máy tính xách tay chậm lại khiến thị trường Hoa Kỳ nói chung đi xuống, nhưng thị trường máy tính để bàn cho thấy mức tăng trưởng khiêm tốn do nhu cầu giữa các doanh nghiệp cũng như hoạt động mua bán của khu vực công bị kìm hãm.

Lạm phát là mối quan tâm lớn nhất ở thị trường Mỹ, nhưng các doanh nghiệp nhỏ hơn đang thể hiện sự lạc quan tương đối về các điều kiện kinh tế vĩ mô. Trong khi nhu cầu máy tính xách tay giữa các doanh nghiệp lớn giảm mạnh trong Quý III năm 2022, thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có dấu hiệu giảm mạnh.

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ


 

In bài Share