Doanh nghiệp 360
Tình hình XNK giữa Việt Nam và khu vực EU27
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Quý III⁄2022, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 15,46 tỷ USD, giảm 5,5% so với Quý II⁄2022. Quý III⁄2022, Việt Nam xuất siêu sang EU 8,27 tỷ USD, thấp hơn so với mức xuất siêu 8,38 tỷ USD của Quý II⁄2022.
Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 47,17 tỷ USD, tăng 14,3% so với 9 tháng năm 2021. Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU 24,22 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về xuất khẩu
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong Quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU đạt 11,87 tỷ USD, giảm 4,1% so với Quý II/2022, nhưng vẫn tăng 23,5% so với Quý III/2021. Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt 35,69 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều tăng, trừ xuất khẩu sang Áo, Slovakia, Phần Lan, Luxembua giảm.
Quý III/2022, xuất khẩu nhiều mặt hàng có giá trị kim ngạch lớn sang EU giảm so với Quý II/2022 như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; giày dép các loại; sắt thép các loại. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực sang thị trường EU vẫn chứng kiến sự phục hồi và tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Về nhập khẩu:
Quý III/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU đạt 3,6 tỷ USD, giảm 10% so với Quý II/2022 do kim ngạch nhập khẩu từ 4 thị trường cung ứng lớn nhất gồm Ai Len, Đức, Italia và Pháp giảm.
Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU đạt 11,47 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hầu hết các thị trường trong Khối giảm so với cùng kỳ năm 2021, ở chiều ngược lại nhập khẩu từ Bỉ, Hungary, Séc, Slovakia tăng (chi tiết Bảng 3).
Quý III/2022, kim ngạch các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ thị trường EU giảm so với Quý II/2022 như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; dược phẩm... Tính chung 9 tháng năm 2022, nhập khẩu nhiều mặt hàng từ thị trường EU giảm so với cùng kỳ năm 2021, trừ một số mặt hàng như: hóa chất; sữa & sản phẩm sữa; gỗ & sản phẩm gỗ; đá quý & kim loại quý; chế phẩm thực phẩm; phân bón…tăng mạnh.
Đánh giá và dự báo: Quý III/2022 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU có dấu hiệu chậm lại. Xu hướng xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn tiếp tục tăng mạnh do mức nền thấp của năm 2021, trong khi xuất khẩu các mặt hàng không thiết yếu giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường thương mại hàng hóa đã và đang có những diễn biến phức tạp về nguồn cung và giá cả do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ucraina. Hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang khu vực thị trường EU tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều hạn chế như: giá cả các mặt hàng lương thực trên thị trường thế giới chịu biến động; hoạt động vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn về thời gian và chi phí; lo ngại rủi ro thanh toán; giá cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao v.v.
Trong bối cảnh lạm phát leo thang làm giảm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của thị trường, đồng thời việc đồng Euro mất giá so với đồng USD sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu vào EU trở nên đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, tình trạng khủng hoảng năng lượng lại có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất của khu vực. Do đó, các nước EU có khả năng sẽ tăng nhập khẩu hàng hóa để đáp ứng nhu cầu trong nước trước bối cảnh các doanh nghiệp có nguy cơ sẽ phải hạn chế hoặc ngừng sản xuất do thiếu năng lượng. Theo Ngân hàng Rabobank, các công ty có nhu cầu năng lượng cao, chẳng hạn như các công ty trong ngành hóa chất, sản xuất giấy, gia công kim loại, cao su và nhựa buộc phải giảm hoặc ngừng sản xuất trong thời gian tới. Giá cả hàng hóa sản xuất tại châu Âu theo đó sẽ trở nên đắt đỏ hơn nhiều.