Doanh nghiệp 360
Phân tích tình hình XK một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang khu vực Âu- Mỹ (P4)
Tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ
Sau giai đoạn khó khăn trong nửa đầu năm 2022 khi ghi nhận tăng trưởng âm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khu vực châu Âu – châu Mỹ đã tăng trở lại trong Quý III.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 12,4 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của ta sang khu vực Âu Mỹ đạt 7,68 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 62% tổng xuất khẩu mặt hàng ra thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ và EU vẫn là những thị trường trọng điểm với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 6,82 tỷ USD và 447,09 triệu USD, ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 1,9% và 6%.
Tại châu Âu, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng đầu năm ghi nhận kết quả trái chiều tại các thị trường trọng điểm. Trong khi tăng trưởng ghi nhận ở các thị trường như Pháp (11,9%), Bỉ (16%), Đức (3%), Tây Ban Nha (8,7%), Ba Lan (31,2%), Đan Mạch (3,3%), Thuỵ Điển (10,7%), Thuỵ Sỹ (9,8%) thì các thị trường như Hà Lan (-8,8%), Italia (-8,5%), Anh (-8,5%), Nga (-46,9%) lại ghi nhận sụt giảm.
Tại châu Mỹ, xuất khẩu sang hai thị trường quan trọng trong CPTPP là Canada và Mexico đều đạt kết quả tích cực khi tăng trưởng lần lượt 6,3% và 54,4%, trong khi xuất khẩu sang Chile tiếp tục ghi nhận sụt giảm tới -31,7%. Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến 97% trong tổng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, tổng xuất khẩu sang khu vực thị trường này 9 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng 2%.
Đánh giá và dự báo: Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong 9 tháng đầu năm nhưng xét một cách tổng thể, đà tăng trường của ngành gỗ đã chững lại tương đối so với giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), tháng 9/2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,25 tỷ USD, giảm 11,4% so với tháng 8/2022. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 7 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng xuất khẩu chiếm 63,4% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2021. Ngược lại, trị giá xuất khẩu các mặt hàng khác như dăm gỗ, gỗ, ván và ván sàn và cửa gỗ lại tăng trưởng tốt trong 8 tháng năm 2022.
Theo báo cáo “Biến động về thị trường xuất khẩu của ngành gỗ: Từ góc nhìn doanh nghiệp”, thời gian qua, cung – cầu gỗ nguyên liệu và các mặt hàng gỗ trên thế giới, đặc biệt tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU có nhiều biến động. Các nguyên nhân gây ra các biến động này có thể kể đến tác động của đại dịch Covid-19 hay xung đột Nga - Ucraina là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lạm phát cao ở nhiều quốc gia. Chi phí sản xuất, vận chuyển và sinh hoạt trở nên đắt đỏ. Cầu tiêu dùng đặc biệt đối với các nhóm hàng hoá không thiết như đồ gỗ nội thất giảm. Với độ hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, ngành gỗ Việt Nam đang chịu tác động trực tiếp của các biến động này, đặc biệt trên phương diện suy giảm xuất khẩu ở các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, châu Âu (EU) và Anh, dẫn đến đơn hàng giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng báo động khi đơn hàng xuất khẩu cũ đang cạn dần nhưng đơn hàng mới chưa ký kết. Có doanh nghiệp đơn hàng hiện nay chỉ đủ sản xuất thêm 1-2 tháng.
Trong bối cảnh hiện tại, nhiều chuyên gia đưa ra các nhận định theo hướng thận trọng về tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả năm 2022. Dự đoán, nhờ giá trị trong 9 tháng đầu năm đã ở mức cao nên nhiều khả năng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm vẫn có thể đạt mức tương đương với năm 2021 hoặc cao hơn một chút.