Hoạt động

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thăm và làm việc tại Liên bang Nga

13.10.2022

Từ ngày 11 đến 13 tháng 10 năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có chuyến công tác sang Liên bang Nga nhằm trao đổi hợp tác song phương với Liên bang Nga, tham dự Khóa họp IV Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (VNEAEU FTA) và chuẩn bị cho việc tổ chức Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt – Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật và tham dự Diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga”.

Nhân dịp này, Bộ trưởng đã có các các buổi làm việc với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công Thương Nga D. Manturov, Bộ trưởng năng lượng Nga N. Shulginov, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga M. Reshetnikov, Bộ trưởng phụ trách thương mại Ủy ban Kinh tế Á – Âu A. Slepnev, đồng thời tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nga đang có các dự án hợp tác đầu tư tại Việt Nam. 

Tham gia tích cực các hoạt động cùng đoàn công tác có đồng chí Đại sứ Đặng Minh Khôi và đại diện đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga.

Tham dự Diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga”

Theo lời mời của Phó Thủ tướng Chính phủ LB Nga, kiêm Chủ tịch Ủy ban tổ chức “Tuần lễ năng lượng Nga” Aleksander Novak, Đoàn Bộ Công Thương đã tham dự Phiên toàn thể của Diễn đàn ngày 12 tháng 10 năm 2022.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, Diễn đàn đã có hơn 70 sự kiện được tổ chức, với 270 diễn giả và hơn 3.000 khách tham dự đến từ 83 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có các đại biểu cấp Bộ trưởng từ 15 nước tham dự. Trong khuôn khổ Diễn đàn, 30 thỏa thuận đã được ký kết giữa các doanh nghiệp Nga và các đối tác đến từ các nước.

Làm việc với các Bộ ngành đối tác tại Nga


Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có các cuộc làm việc với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công Thương. Tại các buổi làm việc song phương, hai Bên đã rà soát tình hình trao đổi thương mại song phương và triển khai dự án hợp tác ưu tiên Việt – Nga kể từ Khóa họp 23 UBLCP, thẳng thắn trao đổi về từng vướng mắc trong hợp song phương hiện nay giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đưa ra một số đề xuất phù hợp để hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn và tăng cường hợp tác kinh tế thương mại song phương trong thời gian tới, đồng thời tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới như trong lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.

Các Bộ trưởng đã thống nhất giao cấp kỹ thuật tích cực chuẩn bị cho phiên họp Tổ công tác cấp cao Việt – Nga, các Tiểu ban về Thương mại và Đầu tư, Công nghiệp và Năng lượng trong khuôn khổ UBLCP để chuẩn bị cho Khóa họp 24 của Ủy ban.

Khóa họp IV Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA)

Đây là Khóa họp thường niên theo quy định tại Hiệp định VN-EAEU FTA (tuy bị gián đoạn vào năm 2021 do đại dịch COVID-19). Vào năm 2021, hai Bên kỷ niệm 05 năm triển khai VN-EAEU FTA và đã hài long nhận nhận thấy mức phát triển thương mại khá ấn tượng giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa EAEU và Việt Nam đạt 32,2% (từ 5,9% tỷ đô la Mỹ năm 2017 lên 7,8 tỷ đô la Mỹ năm 2021 theo thống kê của EAEU).

Phía EAEU hoan nghênh những tiến bộ trong việc triển khai các dự án đầu tư ưu tiên giữa các nước thành viên EAEU và Việt Nam. Phía Việt Nam ghi nhận ý kiến trên và thể hiện sẵn sàng tiếp tục nỗ lực để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các dự án đầu tư ưu tiên. Phía EAEU thể hiện sự quan tâm về tự do hóa các điều kiện mở cửa thị trường đối với sản phẩm rượu cô-nhắc vào Việt Nam, tăng cường việc cung cấp các sản phẩm nông sản cho thị trường Việt Nam. Bộ trưởng EAEU đã đặc biệt thể hiện sự quan tâm trong việc tiếp cận thị trường thịt bò không xương và đề nghị Việt Nam hoàn tất quá trình chứng nhận bò Belarus sớm nhất có thể và triển khai công tác thanh tra hệ thống kiểm soát chính thức đối với việc công bố sản phẩm an toàn của nguồn gốc động vật (thịt bò). Về phần mình, phía Việt Nam đề xuất tăng khối lượng hạn ngạch thuế quan đối với gạo (từ 10,000 tấn mỗi năm hiện nay) và  đề nghị EAEU xóa bỏ biện pháp phòng vệ ngưỡng, tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu thủy sản vào Liên minh.

Cũng tại Khóa họp, hai Đồng chủ tịch Ủy ban hỗn hợp đã nghe báo cáo của Tiểu ban xuất xứ hàng hóa, thông qua việc chuyển đổi Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) (Phụ lục 3 của Hiệp định) sang HS 2022. Hai Bên nhất trí sẽ thực hiện quy trình trong nước để thực hiện việc phê chuẩn PSR chuyển đổi trong Biểu HS 2022. Hai Bên nhất trí sẽ thông báo cho nhau về kết quả của các quy trình thông qua thư trao đổi của các cơ quan trên. Dự kiến, PSR chuyển đổi sang HS 2022 sẽ có hiệu lực vào 01 tháng 10 năm 2023. Các Bên sẽ tiếp tục chấp nhận Giấy chứng nhận Xuất xứ (Mẫu EAV) khai báo HS phiên bản 2017 để cho hưởng ưu đãi thuế quan cho đến khi PSR chuyển đổi theo HS 2022 được thực hiện.

Với mục tiêu phát triển Hệ thống Chứng nhận và Chứng minh xuất xứ điện tử, hai Bên thông qua Nghị định thư về trao đổi dữ liệu điện tử giữa các nước thành viên EAEU và Việt Nam; thống nhất thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết trong nước để thông qua và ký Nghị định thư phù hợp với luật và quy định trong nước.

Làm việc với các doanh nghiệp lớn của Nga đang hợp tác, đầu tư tại Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn Bộ Công Thương đã các cuộc làm việc riêng với Lãnh đạo của các tập đoàn lớn của Nga để trao đổi về các dự án hợp tác với Việt Nam.

Tại các buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định LB Nga là đối tác chiến lược toàn diện quan trọng hàng đầu của Việt Nam,  Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án năng lượng của các doanh nghiệp LB Nga. Đối với từng dự án cụ thể, Bộ trưởng đề nghị các tập đoàn cần đàm phán với các đối tác Việt Nam, trên nguyên tắc tuân thủ quy định pháp luật liên quan và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc nếu có lên cấp thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ


 

In bài Share