Hoạt động
Tình hình xuất khẩu mặt hàng nông sản sang khu vực Âu- Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2022
Cập nhật tình hình xuất khẩu mặt hàng nông sản sang khu vực Âu- Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2022
Nông sản tiếp tục là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Theo Thống kê của Tổng cục Hải quan tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%. Trong đó nhóm nông sản chính 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính 9,1 tỷ USD, tăng 3%; thủy sản 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%; chăn nuôi 176 triệu USD, giảm 15,9%; đầu vào sản xuất 1,42 tỷ USD, tăng 64,8%. Đóng góp vào thành công của việc tăng trưởng kinh ngạch xuất khẩu có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nhóm nông sản chính (7 mặt hàng bao gồm: chè, gạo, hạt tiêu, hạt điều, hàng rau quả, cao su, và cà phê) sang khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ đạt 2,8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, mặt hàng cà phê vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt, tăng 67%, đạt 1,27 tỷ USD; 2 mặt hàng gạo và hạt tiêu có mức tăng trưởng khá, lần lượt tăng 30,9% và 32,4 %, đạt 21,5 và 279,5 triệu USD; trong khi nhóm hàng rau quả chỉ tăng nhẹ ở mức 5,9% đạt 273 triệu USD. Hai nhóm hàng cao su và chè vẫn tiếp tục tăng trưởng âm như trong quý I, cụ thể cao su giảm 5,6%, đạt 133,9 triệu USD và chè giảm 13,2%, đạt 13,8 triệu USD.
Đánh giá và dự báo
Mặc dù 6 tháng đầu năm xuất khẩu nông sản nhìn chung tăng trưởng tương đối ổn định, đóng góp không nhỏ vào tổng thể kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản trong những tháng tiếp theo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khan và có nguy cơ đà tăng trưởng như 2 quý đầu năm sẽ chững lại.
Trên thế giới, dịch bệnh COVID-19 với các biến chủng mới vẫn diễn biến phức tạp, trong khi tình hình xung đột giữa Nga – Ukraine cũng rất căng thẳng, khó lường; những yếu tố này là nguyên nhân đẩy chi phí logicstic, giá xăng dầu, phân bón và nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy gây áp lực lên ngành nuôi trồng, sản xuất, chế biến, và xuất khẩu trong nước. Bên cạnh đó, xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới còn phải đối mặt với một thách thức lớn tới từ yếu tố lạm phát. Lạm phát ở Hoa Kỳ, châu Âu đang lan ra khắp thế giới, với việc giá cả các mặt hàng hiện nay đều đắt đỏ dẫn tới người dân phải chi nhiều tiền hơn cho các nhu cầu thiết yếu, điều này dẫn đến những mặt hàng không thiết yếu sẽ tiêu thụ chậm và giá bán cũng rất khó tăng trong thời điểm này. Ngoài ra, sức mua trong những tháng tới có thể sẽ chậm hơn những năm trước còn là vì từ năm 2021 nhiều khách hàng ở thị trường lớn đã tăng mua dự trữ nhiều mặt hàng nông sản do lo ngại dịch Covid-19, dẫn đến lượng tồn kho kéo dài sang năm nay.
Vì vậy, đề duy trì sự ổn định trong tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới cần có những giải pháp đẩy mạnh sản xuất trong nước đối với các nguyên liệu đầu vào, để ngành nông nghiệp chủ động sản xuất, hạn chế thiệt hại hay giá thành cao do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; ngoài ra cần tiếp tục tập trung tái cơ cấu nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất thông qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, hiệu quả.
Đánh giá, dự báo xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chính
Mặt hàng gạo,xuất khẩu gạo sang châu Âu có thể vẫn giữ đà tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm. Giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng do ảnh hưởng xung đột với Nga, nên Ukraine không xuất khẩu lúa mì, kéo theo giá các loại ngũ cốc và lương thực cao. Những yếu tố này được đánh giá có lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam và tiếp tục thúc đẩy ngành hàng này phát triển tốt. Trong khi chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện và các doanh nghiệp xuất khẩu tập trung chủ yếu vào các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng EU.
Mặt hàng cà phê,dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong những tháng tiếp theo của năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ nguồn cung tốt, đồng thời các hiệp định thương mại mới có hiệu lực góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam và giá cà phê xuất khẩu nhiều khả năng duy trì ở mức cao. Bên cạnh các thị trường hàng đầu của cà phê xuất khẩu Việt Nam như Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Canada và Italia, khu vực Bắc Âu là thị trường đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp cà phê Việt Nam cần hướng đến do đây là thị trường có nhu cầu tiêu thụ lượng cà phê bình quân đầu người lớn nhất thế giới. Do đó, việc đẩy mạnh mở rộng thị phần tại thị trường Bắc Âu sẽ đem đến cơ hội cho cà phê Việt Nam tăng cường xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị.
Mặt hàng hạt tiêu, xuất khẩu hạt tiêu trong năm 2022 được dự báo tăng trưởng khả quan sau sự phục hối mạnh mẽ từ năm 2021. Không chỉ tăng trưởng về giá trị, hạt tiêu Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu với việc cung cấp 60% nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu của thế giới. Chất lượng hạt tiêu ngày càng được nâng cao, cơ cấu chủng loại xuất khẩu chuyển dần sang các loại tiêu có hàm lượng chế biến cao thay vì xuất khẩu thô như trước đây. Hiện nay, Hoa Kỳ và EU đang là hai thị trường nhập khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam và đây cũng là ngành hàng hiếm hoi trong số các mặt hàng nông sản chiếm tỷ trọng tuyệt đối tại Mỹ và EU. Tuy nhiên, để xuất khẩu tiêu tăng trưởng tốt và bền vững, ngành tiêu cần giải quyết vấn đề gốc rễ là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Mặt hàng hạt điều, Với kết quả xuất khẩu tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái trong 6 tháng đầu năm 2022, dự báo trong ngắn hạn, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ vẫn đối mặt với khó khăn. Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine không tác động nhiều đến xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. Bởi lượng hạt điều của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, trong khi xuất khẩu sang Nga ở mức thấp. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm, hạn chế chi tiêu cho các sản phẩm có giá thành cao và không phải là hang thiết yếu. Bên cạnh đó, ngành điều Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng địa chính trị leo thang, giá cước vận tải ở mức cao, giá nguyên liệu điều thô đầu vào tăng mạnh thời gian qua tạo nhiều khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Dự báo kim ngạch xuất khẩu điều trong những tháng cuối năm không có khả năng tăng trưởng đột biến.
Mặt hàng cao su, Đối với mặt hàng cao su, nhu cầu cao su của Hoa Kỳ và một số quốc gia trong EU được dự báo sẽ tăng nhẹ trong những năm tới. Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), nguồn cung toàn cầu đang thiếu hụt khoảng 198 nghìn tấn so với nhu cầu. Dự báo kim ngạch xuất khẩu cao su sẽ tăng trưởng khá trong thời gian tới, đặc biệt là ở thị trường Hoa Kỳ khi các nhà cung cấp dự kiến sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng sản xuất các sản phẩm cao su của Hoa Kỳ, chẳng hạn như lốp xe, ống mềm và dây đai, trong bối cảnh sản lượng thiết bị và máy móc vận tải ngày càng tăng. Nhu cầu về cao su cũng sẽ được hỗ trợ bởi giá dầu tăng cao, dưới ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2 năm 2022 và các lệnh trừng phạt quốc tế.
Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ