Hoạt động

Các chính sách trong quý 2 năm 2022 tại khu vực châu Mỹ có ảnh hưởng tới hoạt động XNK của Việt Nam

25.09.2022

Câp nhật các quy định, chính sách mới của các nước châu Mỹ gây ảnh hưởng tới hoạt động XNK hàng hóa của Việt Nam sang khu vực này.

Hoa Kỳ

Hạ viện Hoa Kỳ thông qua điều khoản mở rộng Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu và kiến nghị đối với Việt Nam (SIMP): Ngày 04/02/2022, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Đạo luật cạnh tranh Hoa Kỳ gồm một số điều khoản liên quan đến lĩnh vực thủy sản, theo đó Hoa Kỳ sẽ cấm nhập khẩu đối với hải sản có nguồn gốc bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Đáng chú ý, đạo luật quy định sẽ mở rộng chương trình SIMP của NOAA từ 13 loài lên tất cả các loài nhập khẩu vào Hoa Kỳ và mở rộng sang kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng.

Như vậy, theo quy định mới, tất cả các loài thủy sản khai thác và nuôi trồng của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đều phải khai báo và truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Đây là yêu cầu gây khó khăn nhất cho ngành thủy sản của Việt Nam hiện nay, đặc biệt đối với mặt hàng tôm và các loại hải sản đánh bắt do hạn chế và chậm trễ trong việc xây dựng chuỗi cung ứng đầy đủ thông tin và có khả năng giám sát.

Khả năng Hoa Kỳ dỡ bỏ thuế đối với một số mặt hàng của Trung Quốc: Ngày 03/5/2022, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) bắt đầu tiến trình rà soát, ra thông báo cho các ngành công nghiệp nội địa nêu yêu cầu về việc duy trì thuế quan với hàng hóa Trung Quốc trước ngày 06/7/2022 .

Hiện có 3 khả năng chính về việc dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc, gồm (i) Dỡ bỏ hoàn toàn; (ii) Dỡ bỏ một phần; (iii) Tiếp tục duy trì các khoản áp thuế, đồng thời mở rộng các cuộc điều tra liên quan đến tình trạng vi phạm bản quyền và các hành vi phi thị trường của Trung Quốc. Nhiều nhận định cho rằng, có thể Chính quyền Biden sẽ công bố gói giảm thuế quy mô nhỏ vừa đủ để hạ nhiệt lạm phát trong nước, đồng thời gửi thông điệp chính trị, mang tính biểu tượng về cách xử lý quan hệ với Trung Quốc một cách chiến lược, bài bản, tạo sự tương phản với Chính quyền tiền nhiệm.

Các nước CPTPP

Canada: Về chính sách thương mại, Canada tiếp tục theo đuổi trật tự kinh tế mở, đa cực và tuân thủ luật lệ. Thương mại quốc tế và các định chế hợp tác là động lực thúc đẩy phát triển bền vững, kinh tế xanh, số hoá, an ninh lương thực và an ninh năng lượng. Trong tháng 5/2022, Canada công bố tham gia đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác số DEPA nhằm đảm bảo vai trò của Canada trong nền kinh tế số toàn cầu và trong việc xây dựng luật lệ cho khung khổ mới toàn cầu này. Đây cũng là ưu tiên mới trong các mục tiêu chính sách thương mại quốc tế của Canada nhằm đa dạng hoá thương mại quốc tế thông qua thương mại điện tử. Canada là nước thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải tổ Tổ chức thương mại quốc tế và cho rằng WTO có vai trò quan trọng trong việc chấm dứt đại dịch và phòng ngừa các khủng hoảng y tế trong tương lai. Canada là nước đưa ra sáng kiến Nhóm Ottawa hồi tháng 1/2022 nhằm thảo luận các ưu tiên cải tổ của WOT, nhất là việc thiết lập lại hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Tại MC12, Canada đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thuyết phục các nước ký tuyên bố SPS.

Canada mặc dù không tham gia vào IPEF, nhưng ngày 9/6/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Canada đã công bố khu vực Indo-Pacific là vô cùng quan trọng với an ninh, an toàn và thịnh vượng dài hạn của Canada và thiết lập Uỷ ban tư vấn Indo-Pacific để phục vụ cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nước này. Trước đó, trong chuyến công du Singapore và Thái Lan, Canada, Bộ trưởng Thương mại Canada cũng tuyên bố khu vực này là sống còn trong chiến lược đa dạng hoá thương mại của Canada nhằm thúc đẩy xuất khẩu của Canada. Đây là hướng đi được coi là thực dụng nhằm để nắm bắt các cơ hội cho các doanh nghiệp Canada và tập trung nguồn lực để ưu tiên ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương với Indonesia và ASEAN mà vẫn bỏ ngỏ khả năng tham gia mạnh mẽ hơn của Canada trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương công bố vào cuối năm nay khi Thủ tướng Trudeau tham dự G20 ở Bali và APEC ở Thái Lan.

Ở cấp độ song phương, trong năm 2022, ngoài việc ký kết Biên bản ghi nhớ thiết lập Uỷ ban hỗn hợp kinh tế với Việt Nam, hồi tháng 5/2022, Canada cũng đã ký biên bản tương tự với Philippines. Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa hai nước này bao gồm: năng lượng tái taọ, hạ tầng, nông nghiệp, khai khoáng và công nghệ viễn thông. Cũng trong tháng 5, Bộ trưởng Thương mại Canada cũng đưa ra khả năng thiết lập Cánh cửa thương mại Canada vào Đông Nam Á tại Singapore nhằm khai thác lợi thế năng động và tính kết nối của thị trường này với Đông Nam Á.

Ngày 6 tháng 7 năm 2022 tại Canada, đã diễn ra Phiên họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế giữa Việt Nam và Canada. Đây là cơ chế đối thoại trực tiếp để có những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước do Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Các vấn đề toàn cầu là cơ quan chủ trì.

Cuộc họp này được các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp hai bên đánh giá là đúng thời điểm và cần thiết, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, kinh tế toàn cầu suy thoái và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngày một gia tăng. Đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát tốt, việc đi lại giữa các nước ngày một thuận lợi hơn, Chính phủ và doanh nghiệp đang trở lại với guồng quay mới, tìm lại thị trường, kết nối chuỗi cung ứng.

Hai bên thống nhất Kỳ họp này là một bước thành công lớn trong việc thực hiện Biên bản ghi nhớ thành lập UBHH đã ký vào tháng 1 năm 2022, nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Toàn diện đã được Thủ tướng Chính phủ hai nước thông qua vào năm 2017, đưa quan hệ kinh tế Việt Nam và Canada phát triển lên một tầm cao mới.

Mexico: Ngày 28 tháng 7 năm 2022 vừa qua, Mexico đã đăng công báo UPCI.416.22.0800 về việc bắt đầu điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép cán nguội có nguồn gốc từ Việt Nam. Các loại thép bị điều tra có mã số thuế 7209.16.01, 7209.17.01, 7209.18.01, 7209.26.01, 7209.27.01, 7209.28.01, 7209.90.99, 7211.23.03, 7211.29.99, 7211.90.99, 7225.50.07 và 7226.92.06. Thời gian điều tra là trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 10 năm 2020 đến ngày 30 tháng 9 năm 2021. Hiện tại, các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam tại Mexico để cung cấp thông tin và hướng dẫn các bên liên quan chuẩn bị hồ sơ và các thủ tục liên quan tới vụ việc.

Chile: Tổng thống mới dự kiến sẽ ngừng theo đuổi tiến trình ký kết các FTA mới, trong đó ông phản đối việc phê chuẩn và yêu cầu rà soát lại CPTPP, có thể ảnh hưởng tới thương mại song phương trong dài hạn do ta không tận dụng được các cơ hội CPTPP mang lại. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang tận dụng tốt các ưu đãi FTA song phương.

Peru: Quốc hội Nước Cộng hòa Peru đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày 14/07/2021. Tiếp đó Chính phủ Peru đã thông báo sẽ trở thành thành viên thứ 8 có hiệu lực với Hiệp định, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với hoạt động ngoại thương của nước này và ngày 19 tháng 9 năm 2021, Bộ Ngoại thương và Du lịch (Mincetur) Peru đã ra thông báo rằng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực đối với Peru.

Các nước Mỹ La tinh khác

Các nước Mercosur: Trong phiên họp Hội đồng Thương mại của MERCOSUR vào tháng 7/2022, các nước MERCOSUR đã thông qua một số quyết định quan trọng về chính sách ngoại thương của mình, trong đó nổi bật là việc thống nhất giảm thuế ở mức 10% đối với hầu hết các mặt hàng và việc tuyên bố kết thúc đàm phán FTA với Singapore.

Bên cạnh đó, các thành viên Khối MERCOSUR tiếp tục thể hiện sự bất đồng lớn trong việc cho phép “linh động” đàm phán đơn phương FTA với các đối tác ngoài khối. Theo đó, Uruguay gây sức ép mạnh mẽ lên các nước thành viên khác về khả năng khởi động đàm phán FTA với Trung Quốc, trong khi các nước khác tỏ ra khá thận trọng. Vì vậy, lần thứ 4 liên tiếp cuộc họp Hội đồng Thương mại không đưa ra được tuyên bố chung.

Nguồn: Vụ TT Châu Âu - Châu Mỹ


 

In bài Share