Hoạt động

Tình hình xuất khẩu các mặt hàng Điện thoại và linh kiện, Máy tính và linh kiện

29.09.2022

Tình hình xuất khẩu các mặt hàng Điện thoại và linh kiện, Máy tính và linh kiện trong quý 2 năm 2022

Mặt hàng Điện thoại và linh kiện

Theo số liệu thống kê hải quan, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam sang khu vực Âu – Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 12,8 tỷ USD, tăng 19,42% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu điện thoại của khu vực Âu – Mỹ chiếm 6,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với thế giới.

Khu vực châu Âu: Xuất khẩu điện thoại của Việt Nam sang khu vực châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 3,7 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2021. Mức sụt giảm được chứng kiến tại hầu hết các thị trường EU -27, như Áo (đạt 1 tỷ USD, giảm 7,8%), Hà Lan (367,9 triệu USD, giảm 20,2%), Ý (238,1 triệu USD, giảm 26,8%), Pháp (277,5 triệu USD, giảm 1,6%), Tây Ban Nha (233,6 triệu USD, giảm 22,2%). Nguyên nhân chính được giải thích là do xung đột Nga – Ukraine đã gây ra mức lạm phát cao trên toàn châu Âu khiến cho người tiêu dùng châu Âu phải thắt chặt chi tiêu.

Tại các quốc gia ngoài EU, Liên bang Nga là một trong những thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng điện thoại. Tuy nhiên, dưới tác động của lệnh cấm vận từ Mỹ và phương Tây, Apple và Samsung đã ngừng cung cấp cho thị trường Nga. Các hãng công nghệ tên tuổi của Trung Quốc như Xiaomi và Huawei cũng giảm một nửa lượng xuất khẩu sang thị trường này. Đây là nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu điện thoại sang Nga trong 6 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 141,9 triệu USD, giảm 71,6% so với cùng kỳ năm 2021 (so với hơn 500 triệu USD, trong 6 tháng đầu năm 2021).

Khu vực châu Mỹ: Trái với không khí ảm đạm của thị trường châu Âu, tại khu vực châu Mỹ xuất khẩu điện thoại có sự tăng trưởng đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại sang thị trường châu Mỹ đạt 9,05 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2022. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu với kim ngạch đạt 6,6 tỷ USD, tăng 53,6%, chiếm tỷ trọng hơn 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại sang khu vực Âu-Mỹ.  Tiếp theo là Canada (466,2 triệu USD, tăng 16,1%), Mexico (452,4 triệu USD, tăng 102,6%), Chile (398,8 triệu USD, tăng 21,5%), Brasil (352,1 triệu USD, tăng 42,5%). Samsung hiện vẫn là nhà cung cấp điện thoại hàng đầu cho khu vực châu Mỹ la tinh.

Đánh giá tình hình thị trường Điện thoại và linh kiện: Theo The Counterpoint, tổng số điện thoại thông minh được xuất xưởng trên toàn cầu vào năm 2022 dự kiến sẽ giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,36 tỷ chiếc.

Ngày 19/7/2022, Canalys đã đăng một báo cáo đáng lo ngại về thị trường điện thoại thông minh cho quý 2 năm 2022. Các lô hàng từ tháng 4 đến tháng 6 đã giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi nhu cầu yếu hơn và tình hình căng thẳng tại các khu vực do xung đột Nga-Ukraine gây ra tình trạng lạm phát trên toàn cầu. Hiện Samsung vẫn là cung cấp điện thoại số 1 trên toàn cầu, sau đó là Apple.

Các nhà phân tích đã liệt kê một số lý do cho sự sụt giảm số lượng điện thoại thông minh trong năm 2022:

1. Cách tiếp cận tiêu cực của Trung Quốc đối với sự lan rộng của dịch Covid-19 bằng việc phong tỏa các thành phố và thậm chí toàn bộ khu vực. Điều này đã làm giảm sự tăng trưởng nền kinh tế của nước này, bên cạnh đó gây ra phản ứng dây chuyền đối với chuỗi cung ứng trên toàn cầu do các nhà máy đóng cửa tại Trung Quốc và chi phí hậu cần tăng.

2. Tâm lý người tiêu dùng đã giảm đáng kể gần đây do sự lan rộng của sự bất ổn kinh tế toàn cầu và lạm phát gia tăng do cuộc chiến Ukraine-Nga kéo dài.

3. Do sức mạnh của đồng USD trong bối cảnh lãi suất của Mỹ tăng, các nền kinh tế mới nổi cũng sẽ phải đối mặt với sự tháo vốn và lạm phát.

Các công ty phải đối mặt với với việc giảm nhu cầu tiêu dùng, dẫn đến việc cần phải định hình lại chiến lược hàng quý. Lạm phát tăng vọt và hàng tồn kho chồng chất dẫn đến việc các nhà sản xuất “đánh giá lại danh mục đầu tư” trong nửa cuối năm 2022.

Tại châu Âu, thị trường điện thoại thông minh châu Âu đã trải qua quý đầu tiên tồi tệ nhất trong gần một thập kỷ, thị trường đã giảm 12% so với ba tháng đầu năm 2021. Với chỉ 49 triệu điện thoại thông minh được xuất xưởng, đây là quý 1 tồi tệ nhất kể từ năm 2013. Sự suy thoái được gây ra bởi nhiều yếu tố - sự thiếu hụt linh kiện, điều này trở nên tồi tệ hơn do các đợt phong tỏa liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc, lạm phát gia tăng và cuộc chiến ở Ukraine.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã ảnh hưởng đến thị trường theo một số cách. Đầu tiên, Samsung và Apple rút khỏi Nga từ tháng 3/2022. Các công ty đã rút lui gần cuối quý, vì vậy toàn bộ hiệu ứng sẽ được cảm nhận trong quý 2. Không chỉ các lô hàng điện thoại, cuộc chiến có thể làm giảm sự sẵn có của các nguyên liệu thô được sử dụng để chế tạo thiết bị điện tử. Ngoài ra, các nước châu Âu đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về chi phí sinh hoạt, do vậy nhu cầu đối với điện thoại mới sẽ giảm.

Tại Hoa Kỳ, theo một báo cáo của Counterpoint Research, thị trường điện thoại thông minh Mỹ dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 2% trong năm nay. Counterpoint nói rằng họ đã giảm đáng kể dự báo cho năm 2022 so với dự báo trước đó là tăng trưởng 6% vì nhu cầu sẽ bị kìm hãm trong các quý còn lại do áp lực lạm phát. Thói quen mua sắm của người Mỹ đã chuyển từ các sản phẩm công nghệ sang các trải nghiệm như kỳ nghỉ dưỡng. Hơn nữa, khi giá nhiên liệu tăng do lạm phát, mọi người đang thực hiện ít chuyến du ngoạn hơn đến các nhà bán lẻ và thay đổi hành vi chi tiêu của người tiêu dùng sẽ còn được điều chỉnh nhiều hơn nữa.

Về lâu dài, các nhà phân tích cho rằng việc thay thế điện thoại thông minh 3G/ 4G sang điện thoại thông minh 5G sẽ tiếp tục làm khôi phục thị trường điện thoại. Việc phổ biến các thiết bị 5G giá thấp và trung bình dự kiến sẽ cho thấy sự tăng trưởng lành mạnh và đóng vai trò là động lực đáng kể của thị trường điện thoại thông minh nói chung. Các nhà khai thác đang tích cực thúc đẩy 5G và xây dựng các chương trình ưu đãi ở nhiều thị trường sẽ khiến người tiêu dùng chuyển sang công nghệ mới.

Tuy nhiên, xu hướng lạm phát toàn cầu gần đây đang ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng và chi phí nguyên vật liệu của điện thoại thông minh và sự kéo dài của cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ đóng vai trò như một rủi ro cho thị trường điện thoại thông minh vào nửa cuối năm 2022.

Mặt hàng Máy tính và linh kiện

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính và linh kiện sang khu vực Âu – Mỹ đạt 12,2 tỷ USD, tăng 19,3 % so với cùng kỳ năm 2021.

Khu vực châu Âu: Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt xấp xỉ 3,7 tỷ USD, tăng 9,96% so với cùng kỳ năm 2021. Đà tăng trưởng xuất khẩu máy vi tính đã chậm lại so với mức tăng trưởng hai con số vào năm 2021. Khi tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu học trực tuyến, làm việc online đã giảm tốc độ tăng trưởng tại khu vực này.

Một số thị trường chứng kiến sự giảm mạnh gồm: Slovakia (395,4 triệu USD, giảm 22,2%), Nga (66,2 triệu USD, giảm 73,8%). Còn lại các Các thị trường xuất khẩu có sự tăng trưởng đáng kể bao gồm: Ba Lan (596,6 triệu USD, tăng 2,8%), Đức (330,8 triệu USD, tăng 5%), Ha Lan (1,36 tỷ USD, tăng 57,4%), Anh (232,5 triệu USD, tăng 39,2%).

Tại thị trường Nga đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân là ngay sau khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, hàng loạt các công ty công nghệ thông tin của Mỹ và châu Âu đã tuyên bố ngừng bán sản phẩm của họ và cung cấp dịch vụ của họ cho người dùng từ Nga. Trong số đó có các thương hiệu lớn như - SAP, Cisco, IBM, Oracle, Adobe, Imperva, Fortinet, Microsoft, Norton, Avast, v.v. Sự ra đi của họ đồng nghĩa với việc là đình chỉ hỗ trợ và cập nhật phần mềm đã được người dùng Nga mua (phần mềm) và vô hiệu hóa hoàn toàn quyền truy cập vào phần mềm nước ngoài.

Khu vực châu Mỹ: Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính của Việt Nam sang châu Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 8,5 tỷ USD, tăng 23,9% so vời cùng kỳ năm 2021. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 58,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vi tính của Việt Nam sang khu vực Âu – Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính sang Hoa Kỳ đạt 7,3 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là các thị trường có sự tăng trưởng tích cực như Canada (222,3 triệu USD, tăng 89,5%), Chile (112,1 triệu USD, tăng 143,8%). Các thị trường giảm bao gồm: Mexico (635,6 triệu USD, giảm 5,09%), Argentina (32,3 triệu USD, giảm 63,5%).

Đánh giá về thị trường Máy tính và linh kiện: Theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu Gartner, thị trường máy vi tính đã trải qua “sự sụt giảm mạnh nhất trong chín năm” trong quý 2 năm 2022. Các lô hàng máy vi tính đã giảm 12,6% trong quý 2 năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng số 72 triệu chiếc được vận chuyển.

Trong khi dữ liệu mới nhất của Canalys cho thấy, tổng số lô hàng máy tính để bàn và máy tính xách tay đã giảm 15% xuống còn 70,2 triệu chiếc, mức thấp nhất kể từ khi sự gián đoạn tương tự xảy ra vào quý 1 năm 2020. Nhu cầu tiêu dùng giảm do lạm phát gia tăng và chưa được kiểm soát tại khu vực Châu Âu, Hoa Kỳ là một trong những nguyên nhân làm cho thị trường máy vi tính trở nên ảm đạm.

Các lô hàng máy tính xách tay đã giảm 18,6% trong quý 2 năm 2022 ở mức 54,5 triệu chiếc, giảm trong quý thứ ba liên tiếp do mua sắm giáo dục vẫn im ắng so với cùng kỳ năm trước.

 Máy tính để bàn đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 0,6% lên 15,6 triệu chiếc do sức mạnh của nhu cầu thương mại trong bối cảnh các nền kinh tế mở cửa hơn nữa đã giúp thúc đẩy đầu tư vào việc làm mới và nâng cấp máy tính để bàn.

Phân khúc thương mại cao cấp sẽ vẫn là một điểm sáng cho thị trường PC nói chung trong năm nay, bất chấp những thách thức gia tăng trong triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Nguyên nhân chính cho sự sụt giảm nguồn cung máy vi tính trong quý II năm 2022:

- Gián đoạn nguồn cung do chính sách Zero Covid của Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và xuất khẩu máy vi tính. Sự gián đoạn hoạt động của các nhà máy và cảng tại Thượng Hải, Côn Sơn và Giang Tô đã dẫn đến sự chậm trễ trong khâu giao, nhận hàng cho các nhà cung cấp máy vi tính. Mặc dù tình hình đã được cải thiện vào tháng 5 vừa qua khi chính sách của Trung Quốc được nới lỏng, nhưng nếu trong thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách Zero –Covid khi có các đợt bệnh bùng phát các nhà cung cấp máy vi tính lo ngại tình hình sẽ không được cải thiện nhiều.

- Lạm phát gia tăng do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga- Ukraine kéo dài. Lạm phát tồi tệ hơn là yếu tố kinh tế chi phối trong tâm trí người tiêu dùng và việc tăng giá trên một giỏ hàng hóa và dịch vụ đang làm giảm chi tiêu cho máy vi tính và các phần cứng khác đằng sau các nhu cầu cơ bản hơn. Mặc dù tầm quan trọng của việc có một thiết bị chất lượng hàng đầu vẫn không giảm đi, xu hướng làm mới thiết bị máy vi tính sẽ gia tăng trở lại khi áp lực về ngân sách của người tiêu dùng giảm bớt hoặc các nhà cung cấp sẽ áp dụng chương trình ưu đãi sẽ giúp cho các nhà sản xuất sớm vượt qua được giai đoạn khủng hoảng này trong các quý tới.

Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với các mối đe dọa lạm phát và lãi suất tăng, nhưng đầu tư vào máy vi tính và công nghệ thông tin nói chung vẫn rất quan trọng đối với chuyển đổi kỹ thuật số như một phần của quá trình phục hồi sau COVID.

Nguồn: Vụ Thị trường châu - châu Mỹ

 


 

In bài Share