Walmart mua nhiều hàng Việt Nam, nhưng 95% là từ doanh nghiệp FDI
Mặc dù mong muốn được mua hàng trực tiếp từ các nhà xuất khẩu có "quốc tịch Việt Nam" song chuỗi siêu thị Walmart gặp nhiều khó khăn để tìm kiếm nhà cung cấp Việt, mặc dù đánh giá nhiều ngành hàng có tiềm năng.
Đại diện các nhà bán lẻ là những hệ thống siêu thị lớn thế giới trao đổi với doanh nghiệp, hiệp hội - Ảnh: Bộ Công thương
Ông Vince Trần, trưởng phòng cấp cao II, bộ phận phát triển ngành Công ty TNHH dịch vụ WMGS Việt Nam (đại diện Walmart tại Việt Nam) chia sẻ thông tin như vậy tại Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020” do Bộ Công thương tổ chức sáng 17-12.
Ông Vince Trần cho hay Walmart tìm kiếm vài ngàn mã hàng của Việt Nam, nhưng hiện mới chỉ mua được vài mặt hàng nên định hướng tới đây sẽ nâng cao hơn nữa tỉ trọng hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Walmart ở nước ngoài.
Tuy vậy, việc đưa hàng Việt vào chuỗi siêu thị ngoại gặp nhiều khó khăn, khi có trên 95% nhà xuất khẩu của Việt Nam vào Walmart hiện nay là các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam. Do đó, mặc dù mong muốn được làm việc trực tiếp với doanh nghiệp mang "quốc tịch" Việt Nam, nhưng nhiều lĩnh vực doanh nghiệp nội địa vẫn chưa có thế mạnh.
Đơn cử với lĩnh vực dệt may là sản phẩm có thế mạnh nhất cũng được nhà bán lẻ Mỹ mua vào nhiều nhất từ Việt Nam. Tuy vậy, đến nay chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào ký được hợp đồng trực tiếp, mà chỉ có 3-4 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào được nhưng đều qua kênh gián tiếp.
"Lý do là vì doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu thị trường tiêu dùng Mỹ và chưa phát triển sản phẩm phù hợp với thị hiếu. Mong muốn của chúng tôi là doanh nghiệp phải đưa ra được sản phẩm tự thiết kế, đánh giá tiềm năng sản phẩm và chúng tôi sẽ ưu tiên cho việc này. Walmart cũng ưu tiên làm việc trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cần một kênh kết nối chủ động hơn", ông Vince Trần nói.
Ông Tạ Hoàng Linh, vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần phải có sự thay đổi lớn, quyết tâm lớn, làm đến nơi đến chốn khi muốn tham gia chuỗi hệ thống siêu thị nước ngoài. Thực tế 5 năm triển khai đề án đã giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp với cách tiếp cận mới khi tham gia sân chơi quốc tế là làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Dẫn chứng, ông Linh kể câu chuyện có doanh nghiệp khi đi khảo sát siêu thị nước ngoài, đã mua một loạt sản phẩm tại siêu thị và về nhà tách ra từng cấu phần của sản phẩm. Từ đó phân tích giá thành, vật liệu để so sánh năng lực cạnh tranh của chính mình, từ đó có điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, cho hay để thực hiện hiệu quả đề án, thời gian tới Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội, địa phương lựa chọn doanh nghiệp nòng cốt để đưa vào hỗ trợ. Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp, trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; Tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng...
Tại hội nghị này, Bộ Công thương cùng các tập đoàn phân phối đã ra mắt bộ cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào một số hệ thống phân phối là đối tác của đề án.
Bộ cẩm nang cung cấp nhưng thông tin cơ bản, hữu ích về từng hệ thống cũng như giới thiệu quy trình lựa chọn nhà cung cấp, các yêu cầu, tiêu chuẩn của một số mặt hàng khi xuất khẩu vào từng hệ thống phấn phối như Aeon, Decathlon, Lotte, Centre Retail, Mega Market...
Thái Sơn