Viet Nam International Sourcing 2023: Hỗ trợ doanh nghiệp và hàng Việt tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu

07.07.2022

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đã có những chia sẻ với phóng viên về kỳ vọng xuất khẩu hàng hoá từ Viet Nam International Sourcing 2023.

Thưa ông, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hoá đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông, nguyên nhân của sự suy giảm này là do đâu?

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cả nước đã giảm gần 12% so với cùng kỳ. Trừ rau quả và gạo có kim ngạch xuất khẩu khá hơn, còn lại hầu hết các ngành hàng đều giảm, kể cả các nhóm ngành hàng chủ lực như điện thoại, dệt may, da giày… Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó cả về đơn hàng, giá xuất khẩu và đàm phán mở thêm các đơn hàng mới.

Nguyên nhân của tình trạng này là do khó khăn chung của tình hình thế giới nên người dân thắt chặt chi tiêu hơn. Tình hình lạm phát gia tăng khiến nhu cầu hàng hoá bị hạn chế. Các doanh nghiệp nhập ít đi vì còn nhiều hàng tồn kho sau đợt tích trữ vì lo ngại dịch Covid-19 lan rộng. Do Việt Nam là nền kinh tế mở, xuất khẩu hàng hoá đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ nên xuất khẩu gặp khó khăn là đương nhiên.

Bên cạnh đó, các quốc gia đang dựng lên ngày càng nhiều các hàng rào phi thuế quan cũng như đòi hỏi ngày càng cao hơn về chất lượng hàng hoá mà không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được. Để duy trì hoạt động và trả lương cho công nhân, nhiều doanh nghiệp phải nhận các đơn hàng nhỏ hoặc chấp nhận bán hoà vốn.

Trong bối cảnh khó khăn chung như vậy, ông đánh giá gì về những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm đơn hàng và thị trường cho doanh nghiệp. Trong đó có Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) sẽ diễn ra từ ngày 13 - 15/9/2023 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh?

Bộ Công Thương là “tư lệnh ngành”, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu và thị trường nội địa. Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, Bộ Công Thương đã nỗ lực tìm các thị trường ngách, các thị trường mới cho doanh nghiệp thông qua việc đàm phán, tiến tới ký kết các FTA với nhiều bạn hàng ở khu vực châu Phi, Trung Đông… Bên cạnh đó, tích cực phổ biến về các FTA để doanh nghiệp tiếp tục chiếm lĩnh sâu hơn các thị trường truyền thống.

Đồng thời, một hoạt động được tôi đánh giá cao là các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài được tổ chức hàng tháng để giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin thị trường, giúp giới thiệu và quảng bá sâu hơn về hình ảnh hàng hoá Việt Nam. Bộ Công Thương đã liên tục phát đi các thông tin về sự thay đổi của các thị trường về yêu cầu tiêu chuẩn hàng hoá, mẫu mã, bao bì sản phẩm, đặc biệt là thị trường Trung Quốc – một trong những đối tác lớn nhất của nước ta.

Đối với chuỗi sự kiện sắp tới, tôi cho rằng đây là sự kiện được tổ chức rất trúng và đúng thời điểm để giải quyết vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng nên không thể “1 mình 1 chợ” mà cần tăng cường giao lưu để tìm kiếm thêm bạn hàng và thị trường cho mình, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu đang khó khăn như hiện nay.

Viet Nam International Sourcing 2023: Hỗ trợ doanh nghiệp và hàng Việt tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu
Các sự kiện xúc tiến thương mại thời gian qua giúp mở rộng thị trường cho hàng hoá Việt Nam

Tại chuỗi sự kiện này, với sự có mặt của các nhà nhập khẩu, các chuỗi phân phối sẽ giúp kết nối các nhà thu mua bán lẻ nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam để doanh nghiệp có thể trao đổi, kinh doanh các mặt hàng có thế mạnh như thuỷ sản, dệt may da giày, cơ khí… Những thông tin về yêu cầu thị trường và các đơn hàng trong thời gian tới có thể giúp thúc đẩy sản xuất trong nước về hàng Việt xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng chất lượng như OCOP 4 - 5 sao để phục vụ nội địa và xuất khẩu.

Đây là chuỗi sự kiện rất lớn và tôi cho rằng doanh nghiệp Việt Nam phải tranh thủ sự kiện này để quảng bá, giao lưu, đặc biệt là tiếp xúc với các nhà thu mua bán lẻ lớn như Walmart, Alibaba… để kết nối xuất khẩu vào chuỗi phân phối của họ.

Từ trước đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết xuất khẩu qua các doanh nghiệp trung gian, sau đó hàng hoá mới được đưa vào các chuỗi bán lẻ nước sở tại và đôi khi hàng hoá không còn mang thương hiệu của Việt Nam. Vậy chuỗi sự kiện này với sự góp mặt của các tập đoàn bán lẻ lớn như Aeon, Walmart, Amazon, Central Group… sẽ có ý nghĩa ra sao trong việc tìm cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các chuỗi phân phối bán lẻ, thưa ông?

Trước đây, ta vẫn bán hàng hoá cho các nhà nhập khẩu và sau đó mới bán cho các nhà bán lẻ nên phải chịu chiết khấu chi phí. Bên cạnh đó, nếu đưa hàng hoá được vào thẳng các kênh phân phối của nước ngoài thì sẽ tăng cơ hội để hàng Việt Nam được bán với thương hiệu Việt Nam. Do đó, nếu tiếp xúc được với các chuỗi bán lẻ lớn như Aeon, Walmart, Amazon, Central Group… thì ta sẽ cắt bớt được trung gian trong xuất khẩu và tăng việc xuất khẩu hàng hoá Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Tất cả các điều này làm giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt về giá cũng như quảng bá thương hiệu.

Tuy nhiên, để đưa được hàng hoá thẳng vào các chuỗi phân phối lớn là điều không dễ dàng. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tăng cường tiếp tục, trao đổi với họ để xem nhu cầu của họ cần những mặt hàng gì? Tiêu chuẩn ra sao? Cần phải cải tiến để hàng Việt Nam đẹp hơn, chất lượng hơn và tạo niềm tin cho người tiêu. Tựu chung lại, muốn hàng hoá được bán ra nước ngoài, nhà sản xuất phải yêu hàng hoá trước, và phải hiểu được nhu cầu thực sự của thị trường để sản xuất ra các mặt hàng đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Ngoài ra, tại hội chợ, các nhà bán lẻ Việt Nam cũng có thể tiếp xúc để tìm cơ hội hợp tác với các nhà bán lẻ nước ngoài cũng như học hỏi kinh nghiệm của họ để làm sao phân phối được hàng hoá một cách tốt hơn, hấp dẫn người tiêu dùng hơn. Đây là dịp rất tốt để học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực của mình.

Từ “lực đẩy” của những sự kiện này, ông có dự báo gì về tình hình xuất khẩu trong thời gian tới?

Các tổ chức kinh tế thế giới đều dự đoán tăng trưởng của nước ta trong 6 tháng cuối năm sẽ cao hơn 6 tháng đầu năm. Về tình hình xuất khẩu, chắc chắn là những khó khăn sẽ vẫn còn. Nhưng những sự kiện xúc tiến thương mại lớn sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp không chỉ trong năm năm 2023 mà còn tạo tiền đề để phát triển xuất khẩu sang năm 2024 và những năm sau, khi tình hình địa chính trị ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát và nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Báo Công Thương

In bài Share