Những cơ hội mới cho cà phê Việt tại Anh

10.12.2023

Với mức độ phổ biến của cà phê tại Anh dự báo ngành công nghiệp cà phê ở Anh đang có những xu hướng phát triển mới và những xu hướng này sẽ tạo ra những cơ hội mới cho cà phê Việt Nam.

Nhiều tiềm năng

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), cùng với việc Anh tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã và đang tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có cà phê. Ông Nguyễn Cảnh Cường – nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh – cho hay, trong hai năm qua, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam sang Anh đã đạt xấp xỉ 6 tỷ bảng Anh. Trong đó, cà phê là một trong những sản phẩm đạt được kim ngạch rất cao. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 90,8 triệu USD cà phê sang Anh, tăng 61,1% so với năm 2021. 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Anh đạt 58,1 triệu USD.

Theo cuốn “Thị trường Anh – Những điều cần biết” do Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh biên soạn, tổng lượng cà phê tiêu thụ trên thị trường Anh năm 2022 đạt 67,5 ngàn tấn. Dự kiến năm 2023 đạt 70,5 ngàn tấn với doanh thu 2 tỷ USD. Doanh số hàng năm có thể tăng trưởng 6,59% trong 5 năm tới.

Cà phê hòa tan được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng ở Anh. Năm 2023, tiêu thụ cà phê hòa tan ở Anh dự kiến đạt doanh số 37,3 ngàn tấn chiếm 53% tổng trị giá cà phê tiêu thụ. Dự báo doanh số tăng trưởng trung bình 7,15% giai đoạn 2022 – 2025.

Với mức độ phổ biến của cà phê tại Anh dự báo ngành công nghiệp cà phê ở Anh đang có những xu hướng phát triển mới và những xu hướng này sẽ tạo ra những cơ hội mới cho cà phê Việt Nam”- ông Nguyễn Cảnh Cường đánh giá và thông tin thêm, như cà phê uống lạnh có gia tăng thị phần so với cà phê nóng, yêu cầu về cà phê giao hàng trực tuyến, người tiêu dùng yêu cầu loại cà phê tốt cho sức khỏe, yêu cầu về ăn kiêng, hay các yêu cầu về cà phê dành cho đối tượng dân số trẻ… Những xu hướng đó đang tạo ra thị trường ngày càng lớn cho cà phê Việt Nam.

Xuất khẩu thứ 2 thế giới: Cà phê Việt chưa có thương hiệu tầm cỡ và bỏ  trống gia tăng giá trị - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đưa thuế nhập khẩu xuống 0% đối với hơn 90% các dòng sản phẩm của Việt Nam sang Anh, trong đó có cà phê.

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, đây cũng là một điều kiện thuận lợi do trước đây doanh nghiệp cà phê Việt Nam không có và lợi thế so sánh cà phê Việt Nam tại Anh; hay so với cà phê cùng loại từ những nước chưa có FTA với Anh đã giúp cho cà phê Việt Nam có ưu thế cạnh tranh rõ rệt và doanh nghiệp Việt Nam không nên và không thể bỏ lỡ.

Cần có chiến lược marketing, thương hiệu phù hợp

Có thể nói, cà phê là niềm tự hào của Việt Nam, đi đến đâu người ta cũng biết cà phê Việt Nam hiện nay đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Brazil. Xét về thời gian, ngành cà phê Việt Nam mới phát triển được trong vòng 20 năm trở lại đây, trong khi đó ngành cà phê Brazil đã phát triển được hơn 100 năm.

Sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam là rất ngoạn mục và thị phần cà phê của Việt Nam ở Anh không phải là nhỏ, nhưng chủ yếu chúng ta vẫn xuất khẩu cà phê nhân, cà phê xanh, chưa xuất khẩu được cà phê thành phẩm.

Theo Thương vụ Việt Nam tại  Anh, Thương vụ đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm, trong đó có quảng bá cà phê tại các hội chợ thực phẩm đồ uống ở London, Birmingham… những thành phố công nghiệp lớn của nước Anh để đưa cà phê thành phẩm của Việt Nam đến người tiêu dùng, nhà phân phối, nhà bán lẻ, nhà bán buôn nước này. Tuy nhiên, thành công, hiệu quả của việc đưa thành phẩm của cà phê Việt Nam lên kệ siêu thị đến người tiêu dùng Anh chưa nhiều vì doanh nghiệp Việt Nam làm thương hiệu tại Châu Âu và nước Anh nói chung chưa trúng, chưa đúng với kì vọng, thị hiếu, văn hóa uống cà phê của người Anh.

Về câu chuyện thương hiệu, Việt Nam có Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã chọn thương hiệu cà phê L'amant để đưa ra thị trường nước ngoài. Ông Nguyễn Cảnh Cường đánh giá, đây là thương hiệu đầy triển vọng. Thương hiệu cà phê L'amant có thể coi như một tư duy mới về làm thương hiệu ở nước ngoài. Nếu đặt mục trường thị trường xuất khẩu là thị trường nước ngoài không nhất thiết, thậm chí, không nên chọn thương hiệu bằng tiếng Việt vì đối tượng nước khách hàng là người nước ngoài.

Thương hiệu là một điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài. Do vậy, muốn cải thiện và tăng hiệu quả của thương hiệu cho sản phẩm của Việt Nam tại nước ngoài các doanh nghiệp Việt phải có sự thay đổi về suy nghĩ, có cách nghĩ khác về việc xây dựng, làm thương hiệu. Doanh nghiệp có thể thuê chuyên gia thương hiệu hiểu về văn hóa tiêu dùng, thói quen, lịch sử, thậm chí một chuyên gia về ngôn ngữ, chuyên gia thương hiệu tại chính thị trường mục tiêu thì khả năng thành công sẽ cao hơn”- ông Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ.

 

Mai Trang

In bài Share