Uniqlo, Aeon, Amazon chỉ cách giúp doanh nghiệp xuất khẩu, bán hàng hiệu quả
Chiều 11-8, Bộ Công Thương tổ chức tọa đàm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu kết nối hiệu quả hơn
Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế" (Vietnam International Sourcing 2023) từ ngày 13 đến 15-9.
Ông Tạ Hoàng Linh - vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) - cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm đầu ra trong bối cảnh nhiều khó khăn, việc kết nối xuất khẩu trong các ngành dệt may, nông sản và thực phẩm chế biến để tìm ra giải pháp kết nối hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp với các tập đoàn nước ngoài có vai trò quan trọng.
Nhiều ông lớn thu mua hàng hóa Việt Nam, ưu tiên sản phẩm bền vững
Tại đây, nhiều tập đoàn thu mua và xúc tiến xuất khẩu nước ngoài đã đưa ra các yêu cầu nhập khẩu hàng hóa. Trong đó, Tập đoàn Fast Retailing (chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo) khẳng định Việt Nam trở thành một cơ sở vững chắc, then chốt trong sản xuất các sản phẩm dệt may, nâng cao chuỗi cung ứng. Do đó, Uniqlo ưu tiên về thu mua cho thị trường Việt Nam, coi đây là một trong những mục tiêu quan trọng và thiết yếu trong chiến lược.
Bởi theo Uniqlo, để sản xuất mặt hàng may mặc, việc chỉ chú trọng vào sản xuất sau cùng đã không còn thích hợp. Tập đoàn cần có sự hợp tác giữa yếu tố đầu vào và đầu ra, để có thêm nhiều nhà máy nguyên liệu, phụ trợ nội địa.
61% đơn hàng thương mại điện tử được thanh toán không tiền mặt
Tin tức sáng 15-12: Xuất nhập khẩu hàng hóa cán mốc 700 tỉ USD; Kiểm toán 11 bộ, 33 tỉnh thành
Gần 10 triệu sản phẩm Made in Vietnam bán trên Amazon toàn cầu
"Chúng tôi phát triển nhiều cải tiến cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam, qua đó có thể tăng cường sự hiện diện hơn nữa thông qua hợp tác” - chủ thương hiệu Uniqlo nói.
Tổng giám đốc Aeon TopValu Việt Nam Shiotani Yuichiro cho biết Aeon đang rất chú trọng vào những sản phẩm may mặc có tính năng tích hợp, ví dụ như chống tia UV, chống thấm nước...
Cũng bởi đặc trưng của thị trường Nhật Bản những năm gần đây là nhận thức của người tiêu dùng về các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đang ngày càng được nâng cao.
Vì vậy, ông Shiotani Yuichiro khuyến nghị doanh nghiệp cần nỗ lực chuyển đổi sang mô hình sản xuất tích hợp để tối ưu hóa quy trình và tăng hiệu quả sản xuất.
Cần tự chủ nguyên liệu, xây dựng thương hiệu
Ngoài ra, theo tổng giám đốc Aeon TopValu Việt Nam, một trong những điều kiện tiên quyết để ngành dệt may Việt Nam bắt kịp trình độ thế giới và tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng là cải thiện năng lực sản xuất vải.
Cho đến nay, đa số doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu vải, và chỉ thực hiện công đoạn gia công xuất khẩu (CMT). Chi phí vải chiếm đến 70-80% giá trị thành phẩm, nên lợi thế cạnh tranh là giá nhân công đã không còn là ưu thế của Việt Nam, trong khi năng suất còn hạn chế.
Ông cho rằng nếu phải nhập khẩu vải và thực hiện gia công đơn giản, doanh nghiệp trong nước sẽ gặp rất nhiều áp lực khi so sánh với các quốc gia cạnh tranh khác. Do đó, để cải thiện năng lực cạnh tranh, điều cần thiết nhất trong thời gian tới là phải dần tự chủ ngành sản xuất vải.
Còn theo đại diện của Amazon Global Selling, kim ngạch xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam đạt 3,5 tỉ USD trong năm 2022, dự kiến tăng lên 13 tỉ USD vào năm 2027.
Theo đó, đã có hàng ngàn doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia bán hàng, phát triển kinh doanh và thương hiệu thông qua Amazon với nhiều thương hiệu nổi tiếng. Trong đó, 5 ngành hàng bán chạy nhất trong 2 năm qua là: nhà bếp; nhà cửa; may mặc; sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân; tiện ích gia đình.
Tập đoàn Amazon đưa ra ba gợi ý cho doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường quốc tế thông qua thương mại điện tử là hiểu rõ thêm về khách hàng quốc tế thông qua tận dụng triệt để công nghệ số, cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và cách thức tiếp thị cho thương hiệu.
Tiếp đó là cần đổi mới, đột phá sản phẩm thông qua lắng nghe phản hồi trực tiếp và nhanh chóng hơn nhiều so với kênh truyền thống. Xây dựng thương hiệu, đổi mới sản phẩm, và biết cách kể câu chuyện sản phẩm bằng câu chuyện thương hiệu để tạo lợi thế cạnh tranh.
Thái Sơn