Từ cơn sốt trà mãng cầu: Nền tảng số là giải pháp để nông sản Việt thoát cảnh "được mùa, mất giá"
Cơn sốt trà mãng cầu đến nay vẫn chưa hạ nhiệt, cho thấy nền tảng số là cách nông sản Việt thu hút người tiêu dùng, thoát cảnh "được mùa, mất giá", "giải cứu".
Không phải là thức uống quá xa lạ, nhưng trà mãng cầu bỗng trở thành hottrend (xu hướng, trào lưu) được cộng đồng săn đón sau khi một tài khoản tên Vy Anh (quê ở Long An) livestream bán hàng.
Hiện các clip chế biến trà mãng cầu của tài khoản Vy Anh trên TikTok liên tục nằm trong top xu hướng với lượt xem cao ngất ngưởng, từ vài trăm ngàn đến cả triệu lượt xem. Nhờ đó, có ngày quán trà mãng cầu của Vy Anh phải nhập hơn 100kg mãng cầu để phục vụ sức mua của các khách hàng.
Theo "hottrend", trà mãng cầu đã vào thực đơn các hàng quán, được quảng cáo khắp nơi trên mạng xã hội. Giá mỗi ly trà mãng cầu dao động từ 20.000 - 30.000 đồng. Điều này cũng đã kéo giá nguyên liệu chính là mãng cầu xiêm (mãng cầu gai) tăng lên nhanh chóng từ 30.000 - 40.000 đồng/kg lên 70.000 - 80.000 đồng/kg.
Các nhà vườn trồng mãng cầu gai tỉnh Sóc Trăng mấy ngày qua cũng đã hết sức bất ngờ khi thương lái đổ xô mua mãng cầu gai mà không cần lựa trái như trước, phần lớn mua xô với giá 45.000 - 50.000 đồng/kg, mức giá này cao gần gấp 3 lần so với giá mãng cầu gai từ mấy tuần trước.
Từ cơn sốt trà mãng cầu, có thể nhận thấy rằng, trong xu thế phát triển của nền kinh tế số, cách mạng công nghệ 4.0 thì việc bán hàng, quảng bá, nông sản trên các nền tảng số, mạng xã hội là vô cùng quan trọng, cấp thiết, không thể chần chừ triển khai. Đây sẽ là hướng đi để nông sản Việt Nam có đầu ra tốt hơn, cũng như đến được với người tiêu dùng và thị trường một cách bền vững, tránh được điệp khúc được mùa mất giá hay phải nhờ cộng đồng giải cứu.
Trao đổi với Báo Công Thương, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho rằng, thế mạnh quảng bá nông sản qua nền tảng số đó là nhanh, hình ảnh trực diện, đối thoại được với thị trường. Khi có đủ niềm tin với những hình ảnh đó, người tiêu dùng sẽ dễ dàng đưa ra lựa chọn đối với sản phẩm, hàng hoá.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh thêm, ứng dụng các nền tảng số là cách để nông dân đưa nông sản ra khỏi phạm vi vùng miền và thúc đẩy xuất khẩu. “Còn nếu người nông dân không tiếp cận và không tận dụng các nền tảng số để bán hàng, đưa nông sản đến trực tiếp tay người tiêu dùng thì nông sản vẫn phải qua khâu trung gian và chính họ sẽ bị động về giá cả”- ông Thuỷ nhận xét.
Tuy nhiên, một thực tế là nhiều nông dân, bà con vùng nông thôn, miền núi chưa quen tiếp xúc với các kênh bán hàng hiện đại do vậy rất cần sự chung sức hỗ trợ của cơ quan chức năng, doanh nghiệp. Vì thế, theo ông Thuỷ, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hỗ trợ, đào tạo kỹ năng để người nông dân sử dụng các thiết bị, công cụ số, cũng như đầu tư đưa đường truyền dẫn về với bà con. Qua đó, làm sao giúp nông dân có thể chụp ảnh, quay clip đưa lên TikTok, Youtube, hay trực tiếp livestream để bán hàng trên Facebook.
“Nông thôn, miền núi là vùng sinh thái an toàn, sạch sẽ, người nông dân thuần khiết, chất phác… Nếu quảng bá, giới thiệu nông sản, các sản phẩm đặc trưng một cách chân thật, nổi bật và tạo được xúc cảm thì nông sản có thể “móc” hầu bao người tiêu với giá mà người nông dân đặt ra, cũng như lan toả được giá trị nông sản một cách rộng rãi”- ông Thuỷ nói.
Ngoài ra, ông Thuỷ cũng cho rằng, yếu tố vô cùng quan trọng đó là thu hút được các doanh nghiệp lớn đến với nông dân, nông thôn, miền núi bằng tình yêu và trách nhiệm để dẫn dắt bà con sản xuất, dẫn dắt về ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các nền tảng số. Theo đó, khi chuỗi liên kết mà doanh nghiệp đứng ra làm trung tâm thì đây là thời cơ hội để bà con vùng nông thôn giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.
Mới đây, liên tiếp các nông sản của Việt Nam như cam Cao Phong, sầu riêng Rio của Việt Nam có mặt trên kệ siêu thị tại Anh, đánh một dấu mốc về bước tiến về chất lượng nông sản Việt trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, để tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang thị trường Anh trong thời gian tới ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương Quốc Anh đặt vấn đề: Nông sản Việt phải được sản xuất theo tiêu chuẩn Global G.A.P., phải đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng (không sử dụng hóa chất hay thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản độc hại), có khả năng truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp phải làm chủ được công nghệ bảo quản và chuỗi cung ứng vận chuyển nhanh.
Đặc biệt, ông Nguyễn Cảnh Cường khuyến nghị, công tác xúc tiến xuất khẩu nông sản cần phải được tăng cường, thúc đẩy thường xuyên. Trong đó, ông lưu ý doanh nghiệp, nhà sản xuất quảng bá nông sản trên mạng xã hội cần kết hợp với quảng bá du lịch vùng miền có hình ảnh và âm nhạc hấp dẫn, sử dụng ngôn ngữ của thị trường mục tiêu.
Thời gian qua, triển khai Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh các địa phương và nền tảng mạng xã hội Tiktok tổ chức "Khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho kinh tế tập thể và hợp tác xã" thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia.
Khóa tập huấn được tổ chức nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, từng bước hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hiểu và tham gia vào Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử thông qua phương thức livestream bán hàng trên nền tảng TikTok và các ứng dụng khác.
Đặc biệt, Cục Xúc tiến thương mại tập trung huấn luyện theo phương thức “học đi đôi với hành”, học kết hợp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, tìm hiểu thông tin sản phẩm, kế hoạch sản xuất, thông tin mùa vụ, sản lượng thu hoạch, chất lượng, khung giá bán, bảng phân loại sản phẩm và thời điểm thu hoạch.
Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương kỳ vọng, với chuỗi hoạt động này, các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ từng bước xây dựng hình ảnh, phát triển thương hiệu sản phẩm tiềm năng của mình, tổ chức sản xuất, cung ứng các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Từ đó, nâng tầm giá trị thương hiệu của nông sản Việt Nam, giúp gia tăng cơ hội kết nối giao thương thành công, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Dương Quang