Tin tức
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,5% trong 8 tháng năm 2022
Trong tháng 8 và 8 tháng năm 2022, mặc dù nhu cầu hàng hóa ở các thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam suy giảm đáng kể nhưng vẫn có nhu cầu tiêu dùng nên sản xuất và xuất khẩu của ta vẫn trưởng tốt ở nhiều các nhóm hàng sản xuất và xuất khẩu chủ lực. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8/2022 ước xuất siêu 2,42 tỷ USD.
Trong tháng 8/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 64,34 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2021 đạt 431 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD.
Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, ước tính xuất siêu khoảng 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,44 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,4 tỷ USD.
Về xuất khẩu hàng hóa
Trong tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,04 tỷ USD, tăng 13,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,34 tỷ USD, tăng 7,6%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2022 tăng 22,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 26,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 20,6%.
Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 21,9%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 66,14 tỷ USD, tăng 18,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 184,66 tỷ USD, tăng 17%, chiếm 73,6%.
Trong 8 tháng năm 2022 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ
USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,4%).
Về xuất khẩu các nhóm hàng trong 8 tháng năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, bằng cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6%, giảm 0,7 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 3%, tăng 0,4 điểm phần trăm. Cụ thể như sau:
Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản đạt 20,66 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước. Trong đó, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 7,5 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước do các thị trường xuất khẩu hiện đều có nhu cầu cao đối với thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu cà phê đạt 2,8 tỷ USD, tăng 39,6% về trị giá xuất khẩu và tăng 14,7% về lượng so với cùng kỳ năm trước; Xuất khẩu gạo tăng tới 19% về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 8 tháng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 215,39 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 85,88% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Chỉ tính riêng trong tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này tăng 9,5% so với tháng trước do sự tăng nhanh về kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11,6%; Điện thoại các loại và linh kiện tăng 30,6%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 49,3%; giầy dép các loại tăng 5,6%. Tuy nhiên, trong tháng 8/2022 cũng ghi nhận sự sụt giảm so với tháng trước về kim ngạch xuất khẩu của 1 số mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, như: Phân bón các loại giảm 22,4%; sắt thép các loại giảm 28,3%.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 8 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đà tăng cao nhất trong các nhóm hàng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao do giá các mặt hàng này tăng cao (xuất khẩu than đá tăng 105%; dầu thô tăng 65%; xăng dầu các loại tăng 41%).
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất về tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng năm 2022 với kim ngạch ước đạt 77,7 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 34,3 tỷ USD nhưng do ảnh hưởng từ chính sách Zero Covid của Trung Quốc nên xuất khẩu sang thị trường này trong 8 tháng chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; mặc dù vậy, nhập siêu từ Trung Quốc 47,8 tỷ USD, tăng 21,9%. Xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 32 tỷ USD, tăng 24%; xuất siêu sang EU ước đạt 21,6 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước; ASEAN ước đạt 23,5 tỷ USD, tăng 27,6%; nhập siêu từ ASEAN là 9 tỷ USD, giảm 3,3%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,4% nhưng nhập siêu từ Hàn Quốc là 27,4 tỷ USD, tăng 30,3%; xuất khẩu Nhật Bản ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 17%; nhập siêu từ Nhật Bản là 320 triệu USD, giảm 74,7%.
Về nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 30,96 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,96 tỷ USD, giảm 6,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21 tỷ USD, tăng 5,6%.
Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 34,4%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 85,58 tỷ USD, tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 161,26 tỷ USD, tăng 14,2%.
Trong 8 tháng năm 2022 có 38 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 45,2%).
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,3%, giảm 1,2 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%, tăng 1,3 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%, giảm 0,1 điểm phần trăm.
Trong 8 tháng năm 2022, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 81,8 tỷ USD tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 37,28 tỷ USD, tăng 23,7%; ASEAN đạt 43,8 tỷ USD, tăng 24,6%; Nhật Bản đạt 15,7 tỷ USD, tăng 7,9%; EU đạt 10,3 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ đạt 9,9 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.