Doanh nghiệp 360

Tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang khu vực Âu- Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2022

28.09.2022

Cập nhật tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang khu vực Âu- Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2022

Trong giai đoạn “sóng gió” Covid-19, xuất khẩu ngành gỗ đã đạt được tăng trưởng cao, lên đến 18% trong năm 2021, tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 đang dần qua đi, xuất khẩu ngành gỗ lại đang gặp nhiều khó khăn và đang có dấu hiệu chững lại.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ra thế giới đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của ta sang khu vực Âu Mỹ đạt 5,51 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 65% tổng xuất khẩu mặt hàng ra thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ và EU vẫn là những thị trường trọng điểm với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 4,87 tỷ USD và 342 triệu USD. Tuy nhiên, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang EU vẫn giữ được đà tăng trưởng khi ghi nhận mức tăng 2,8% thì thị trường xuất khẩu quan trọng nhất là Hoa Kỳ lại ghi nhận mức giảm 3,4%, trực tiếp tác động tiêu cực lên bức tranh chung không mấy khả quan của xuất khẩu ngành gỗ trong nửa đầu năm 2022.

Tại châu Âu, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm ghi nhận kết quả trái chiều tại các thị trường trọng điểm. Trong khi tăng trưởng ghi nhận ở các thị trường như Pháp (4,1%), Bỉ (18,4%), Tây Ban Nha (6,8%), Ba Lan (16,9%), Đan Mạch (9,5%), Thuỵ Sỹ (15,8%) thì một loạt các thị trường như Đức (-0,3%), Hà Lan (-5,2%), Italia (-12,8%) Thuỵ Điển (-2,1%), Anh (-7,6%), Nga (-46,8%) lại ghi nhận sụt giảm.

Tại châu Mỹ, xuất khẩu sang hai thị trường quan trọng trong CPTPP là Canada và Mexico đều đạt kết quả tích cực khi tăng trưởng lần lượt 2,1% và 38,8%, trong khi xuất khẩu sang Chile ghi nhận sụt giảm -25%. Do Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng rất lớn, lên đến 97% trong tổng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, tổng xuất khẩu sang khu vực thị trường này 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận mức sụt giảm 3,2%.

Đánh giá và dự báo: Nguyên nhân dẫn đến trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 giảm tốc được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) chỉ ra đến từ các nguyên nhân như: (i) chi phí đầu vào tăng cao do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khiến giá gỗ nguyên liệu tăng cao; (ii) tình trạng lạm phát phi mã tại nhiều nơi trên thế giới khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu thị các mặt hàng không thiết yếu giảm, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ.

Cụ thể, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra, các quốc gia thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, người lao động làm việc tại nhà nên có nhu cầu cao về trang bị bàn ghế, giường, tủ mới nhằm cải thiện không gian, chính vì thế người tiêu dùng, đặc biệt là tại khu vực Âu – Mỹ, có thêm thời gian và nguyện vọng mua sắm, tìm kiếm các sản phẩm nội thất trên mạng, khiến cho nhu cầu đồ gỗ tăng cao ở nhiều thị trường. Nhờ đó, xuất khẩu sang đa số các thị trường đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, dù dịch bệnh Covid-19 đã đỡ căng thẳng, nhưng tình trạng lạm phát tăng cao đã khiến người tiêu dùng tại Hoa Kỳ hay các nước EU tập trung chi tiêu cho lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu, do đó đồ gỗ không được coi là đồ dùng thiết yếu nên bị người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải ở mức cao, cùng với giá mua gỗ nguyên liệu tăng cao, khiến giá thành sản xuất tăng, gây khó khăn chồng chất khó khăn cho các danh nghiệp sản xuất đồ gỗ nước ta. Hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành cho biết đơn hàng có xu hướng giảm, không còn dồn dập như trước nên các doanh nghiệp phải tính toán lại về đơn hàng, bạn hàng để đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh tối ưu nhất và giữ được thị trường.

Theo khảo sát mới nhất do Hiệp hội gỗ và Forest Trend thực hiện, khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 40% trong cả năm 2022.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia đưa ra các nhận định theo hướng thận trọng về tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả năm 2022. Dự đoán, nhờ giá trị trong nửa đầu năm đã ở mức cao nên nhiều khả năng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm vẫn có thể đạt mức tương đương với năm 2021 hoặc cao hơn một chút.

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ

 

In bài Share