Doanh nghiệp 360
Phân tích tình hình XNK giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2022
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước khu vực châu Mỹ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tích cực, đạt gần 79 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ trọng 21,3% trong tổng kim ngạch trao đổi thương mại của Việt Nam với thế giới.
Khu vực châu Mỹ
Kim ngạch xuất khẩu của ta sang khu vực này tiếp tục là điểm sáng, khi ghi nhận giá trị gần 66 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ trọng 35,4% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, khu vực châu Mỹ vẫn tiếp tục là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất trong nước, cụ thể, kim ngạch nhập khẩu đạt 13 tỷ USD, tăng 8,2% và chiếm tỷ trọng 7,1% trong tổng nhập khẩu.
Việt Nam tiếp tục duy trì xuất siêu với các nước khu vực châu Mỹ với trị giá xấp xỉ 53 tỷ USD. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các Khối Thị trường chính tại khu vực châu Mỹ tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ, các nước CPTPP khu vực châu Mỹ (gồm Mexico, Canada, Chile và Peru) và các nước Mercosur (gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay) lần lượt đạt 56,6 tỷ USD (tăng 24,2%), 6,8 tỷ USD (tăng 23,8%) và 1,7 tỷ USD (tăng 7,3%).
Hoa Kỳ
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam tính đến hết tháng 6 năm 2022
- Tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 64,1 tỷ USD (tăng 20,3% so với cùng kỳ 2021);
- Xuất khẩu sang Hoa Kỳ 56,6 tỷ USD (tăng 24,1% so với cùng kỳ 2021; chiếm tỷ trọng 30,4% tổng XK);
- Nhập khẩu từ Hoa Kỳ 7,5 tỷ USD (giảm 2,6 % so với cùng kỳ 2021, chiếm tỷ trọng 4,04% tổng NK). Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam là 49,1 tỷ USD (tăng 29,6% so với cùng kỳ 2021).
Theo số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ (US Census of Bureau), tính đến hết tháng 5 năm 2022
- Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ ;
- Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 57,4 tỷ USD tăng 28,7% so với cùng kỳ 2021 và chiếm tỷ trọng 2,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ, trong đó: (i) Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 52,3 tỷ USD, chiếm khoảng 3,9% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, tăng 31,6% so với cùng kỳ ; (ii) Nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ .
- Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ 47,3 tỷ USD và xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ sau Trung Quốc (163,1 tỷ USD) và Mexico (52,5 tỷ USD).
Đánh giá:Với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/ năm như hiện nay, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Các yếu tố khó khăn, thách thức:
(i) Hoa Kỳ ban hành nhiều chính sách hạn chế nhập khẩu nhằm giảm thâm hụt thương mại, khuyến khích sản xuất nội địa dẫn tới ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam (áp thuế với Trung Quốc, tăng cường điều tra PVTM, gia tăng sức ép buộc các nước phải nhập khẩu nhiều hơn từ Hoa Kỳ, ban hành Đạo luật chống sử dụng lao động cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương UFLPA có thể gây tác động tiêu cực đến ngành dệt may xuất khẩu của Việt Nam…);
(ii) Nhiều khả năng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc đẩy, buộc Việt Nam phải có nhượng bộ rõ ràng hơn trong việc mở cửa thị trường, giải quyết những khúc mắc, tồn tại trong quan hệ kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ của Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ, thương mại dịch vụ, quản lý kinh tế nền tảng số;
(iii) Do tác động của các cuộc xung đột địa – chính trị dẫn tới giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, làm gia tăng áp lực lạm phát và suy thoái kinh tế, buộc FED phải tăng lãi suất đồng USD, gây áp lực lên đồng VNĐ và thu hẹp dư địa điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Từ đó gây áp lực trực tiếp lên hoạt động trao đổi thương mại giữa hai nước;
(iv) Hoa Kỳ gia tăng tần suất các vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hóa của Việt Nam;
(v) Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường dẫn đến thiệt thòi rất lớn trong các vụ việc điều tra PVTM;
(vi) Các lệnh cấm vận của Hoa Kỳ, đặc biệt đối với Nga gián tiếp gây ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, nhất là trong vấn đề thanh toán. Ngoài ra, có thể sẽ xuất hiện nhiều cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách cảnh báo hoặc cấm vận (như đã từng xảy ra đối với một số công ty con thuộc Tập đoàn Vinataba và PVN), từ đó dẫn đến nguy cơ bị bắt giữ, tịch thu người, tài sản và phương tiện…
Các yếu tố thuận lợi: (i) Cơ chế đối thoại chính sách thông qua Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA) được triển khai hiệu quả, giúp xử lý nhiều vấn đề gai góc trong quan hệ kinh tế thương mại (xây dựng Kế hoạch hành động, xử lý vụ việc điều tra theo Mục 301, thúc đẩy sửa đổi nhiều quy định giúp thuận lợi hóa thương mại…); (ii) Hoa Kỳ coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam trong khu vực. Các sáng kiến hợp tác của Hoa Kỳ như IPEF, năng lượng sạch, kinh tế số… nhận được sự quan tâm hợp tác; (iii) Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; (iv) Xung đột thương mại, địa chính trị giúp hàng hóa Việt Nam gia tăng thị phần, chiếm lĩnh khoảng trống của hàng hóa Nga, Trung Quốc tại Hoa Kỳ và EU.
Các nước CPTPP
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các quốc gia thành viên CPTPP vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng rất tích cực, với tổng kim ngạch đạt hơn 7,8 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trừ thị trường Peru có mức tăng trưởng âm (-2,5%) thì 3 thị trường CPTPP khu vực Châu Mỹ còn lại đều có mức tăng trưởng hai con số, từ 21,3% (với Mexico) đến 34,6% (với Chile).
Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này nều tăng trưởng dương, cao nhất là xuất khẩu sang Canada tăng 32%, thấp nhất là Peru 2,5%. Đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh và bất ổn kinh tế thế giới còn phức tạp, đồng thời cho thấy tiềm năng phát triển cũng như việc doanh nghiệp đã tận dụng tốt lợi thế thuế ưu đãi mà Hiệp định CPTPP mang lại.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với nhóm nước này trong 6 tháng đầu năm lên đến 5,76 tỷ USD.
Canada
Về xuất khẩu, vượt qua nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và vấn đề vận tải biển, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng trưởng rất tốt tới 32% so với cùng kỳ năm 2021, với kim ngạch 3,25 tỷ USD.
Hầu hết các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam xuất khẩu vào Canada đều giữ mức tăng trưởng dương, trong đó, giầy dép tăng 37,7%, quần áo may mặc tăng 50,1%, túi xách va li tăng 111,5%, đồ chơi và dụng cụ thể thao tăng 14,3% gỗ nội thất tăng 1,9%. Các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng tiếp tục có mức tăng trưởng tốt: thuỷ sản tăng 69%, bánh kẹo (50,4%); gạo (23,62%); rau củ quả (5,3%), cà phê tăng 14.1%, hạt tiêu tăng 45.4%. Tuy nhiên, có một số mặt hàng có xu hướng giảm như: Hạt điều giảm 40%; Cao su giảm gần 36%.
Về nhập khẩu, ngược chiều với xuất khẩu, theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu từ Canada vào Việt Nam vẫn tiếp tục giảm mạnh ở mức -16,7% với kim ngạch 319 triệu USD. Có tới 10/20 nhóm ngành hàng nhập khẩu chính từ Canada suy giảm như quặng và khoáng sản (-88,4%), chất dẻo nguyên liệu (-11,7%), phụ liệu dệt may (-31,9%), sắt thép (-16,6%), gỗ và sản phẩm gỗ (-47,8%), lúa mì (-76,6%), kim loại thường (-48,2%), dược phẩm (-18,9%), máy tính và linh kiện (-89,8%)… Chỉ có phân bón, thức ăn gia súc và rau quả tiếp tục giức mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021.
Cán cân XNK giữa Việt Nam và Canada vẫn giữ mức thặng dư cao nghiêng về Việt Nam do chiều xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tiếp tục tăng trưởng tốt. Dự báo, xuất khẩu của Việt Nam vào Canada trong năm 2022 sẽ dễ dàng vượt mốc 6 tỷ USD. Trong khi đó nhập khẩu từ Canada vào Việt Nam dự báo chỉ đạt tương đương năm 2021, đẩy biên độ thặng dư thương mại của Việt Nam năm 2022 dự kiến lên đến trên 5 tỷ USD, góp phần cân bằng đáng kể cán cân thương mại của Việt Nam với thế giới.
Lý do tăng biên độ thặng dư thương mại là do nhu cầu nhập khẩu của thị trường Canada tăng mạnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng sau giãn cách đối với nhóm các mặt hàng tiêu dùng mà Việt Nam có thế mạnh như: quần áo, giày dép, đồ chơi, túi xách, mũ ô dù. Do yếu tố lạm phát, đẩy giá thực phẩm lên cao, nông thuỷ sản của Việt Nam cũng dễ dàng xâm nhập thị trường hơn. Đáng chú ý là Canada giảm lượng nhập khẩu hoá chất và chất dẻo từ các nước trên thế giới nhưng lại tăng nhập khẩu từ Việt Nam, thể hiện sự đảo chiều để tìm nguồn cung mới thay thế trong chiến lược của các doanh nghiệp Canada. Tuy nhiên, thị trường Canada bắt đầu có sự chững lại với các sản phẩm điện thoại và linh kiện, điện tử điện máy, một phần là do các nhà máy FDI tại Việt Nam giãn sản xuất do thiếu linh kiện, và do nhu cầu mua sắm phục vụ giãn cách xã hội đã bão hòa và một phần là do bản thân người tiêu dùng cũng có xu hướng giảm tiêu thụ theo các thăm dò tiêu dùng gần đây tại Canada. Ngoài ra, yếu tố giá xăng dầu vận tải cao, tình trạng chậm bốc dỡ hàng tại các cảng ở Canada do thiếu nhân công cũng là những lý do khiến hàng Việt Nam có thể kém cạnh tranh hơn so với các nhà xuất khẩu Nam Mỹ. Đây cũng là lý do khiến dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada 2022 chỉ có thể dừng ở mức dưới 20% so với năm 2021.
Về lý do suy giảm nhập khẩu từ Canada từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ 2021 là do Việt Nam giảm nhập khẩu mạnh với các mặt hàng mà Canada có thế mạnh xuất khẩu như lúa mì, thuỷ sản, v.v… Lý do sụt giảm này là do yếu tố khách quan vì chính sự sụt giảm lượng cung xuất khẩu của Canada và do sự thay đổi về giá (giá thuỷ sản của Canada tăng đột biến do tăng cầu từ các nước khác). Các mặt hàng như máy móc, phụ tùng và linh kiện điện tử sụt giảm là do sản xuất ở Canada bị đứt gẫy do thiếu nguồn cung; trong khi đó nhóm mặt hàng gỗ nguyên liệu và sắt thép phế liệu sụt giảm là do chi phí vận chuyển vẫn ở mức quá cao. Một số mặt hàng Canada có thế mạnh như phân bón, thức ăn gia súc vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt trong các tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, khả năng Canada giữ được giá trị xuất khẩu vào Việt Nam tương đương năm 2021 sẽ không dễ dàng do các yếu tố giá, nguồn cung và cước vận chuyển.
Mexico
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mexico trong 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt mức tăng trưởng cao ở mức 21,3% với kim ngạch 2,85 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 14,6% và nhập khẩu đạt 422 triệu USD, tăng 78,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và Mexico như: Máy tính, điện tử và linh kiện đạt 635,6 triệu USD, giảm -2%; Điện thoại và linh kiện đạt 452 triệu USD, tăng tới 102,671%; Máy móc, thiết bị đạt 323 triệu USD, tăng 53,9%. Ngoài ra, các mặt hàng giày dép đạt 182,4 triệu USD, tăng 7%, nhất là hàng dệt may đạt 85 triệu USD, tăng tới mạnh ở mức 83,8%.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hết sức quan tâm tới việc tăng cường trao đổi thương mại với thị trường Mexico giàu tiềm năng. Đây là một thị trường dễ tính với dân số đông, sức tiêu thụ mạnh. Một mặt khác, thị phần hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tại Mexico mới chỉ đạt con số khiêm tốn khoảng 1,3% và còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.
Một số mặt hàng Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi về thuế trong CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mexico bao gồm cá tra, cá basa, cá ngừ, gạo và hàng dệt may. Mỗi năm Mexico nhập khẩu khoảng 900 nghìn tấn gạo, 1,8 tỉ USD hàng dệt may và 1,1 tỉ USD hàng giày dép các loại.
Theo số liệu của Bộ Kinh tế Mexico, trong 5 tháng đầu năm 2022 thương mại Mexico – Việt Nam đạt 4,4 tỷ usd, trong đó Việt Nam xuất khẩu 4,3 tỷ, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái và Mexico xuất sang Việt Nam hơn 120 triệu Usd tăng 113% so với cùng kỳ 2022.
Chile
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Chile đạt 1,08 tỷ USD, tăng mạnh ở mức 34,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 842,6 triệu USD, tăng tới 31,4%; nhập khẩu đạt 233,6 triệu USD, tăng 47,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Điện thoại và linh kiện là nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào Chile, đạt 398,8 triệu USD, tăng 21,6%. Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu đang có mức tăng trưởng mạnh tại thị trường này gồm: Máy tính, điện tử và linh kiện đạt 102,1 triệu USD, tăng mạnh ở mức 143,8% so với cùng kỳ năm 2021; nhóm hàng giày dép đạt 89,3 triệu USD tăng 18,2%, dệt may đạt 75,2 triệu USD, tăng 46,2%; Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 57 triệu USD, tăng 86,4%.
Xuất khẩu nhóm hàng các sản phẩm công nghệ (điện thoại, ti vi, trò chơi), quần áo, giày dép tăng cao do các chính sách rút quỹ lương hưu tới 10% và các chính sách hỗ trợ của chính phủ, chính sách nới lỏng cách ly làm cho người dân có tiền và kích cầu tiêu dùng nội địa, bệnh dịch khiến người dân làm việc tại nhà và ở nhà nhiều hơn, nhu cầu về các sản phẩm công nghệ và giải trí tại nhà tăng. Quần áo và phụ kiện, giày dép, sản phẩm công nghệ tăng do nhu cầu tăng sau khi mở cửa trở lại sau đại dịch từ đầu năm 2022. Phương tiện vận tải và phụ tùng giảm do Chile hiện giờ đang chuyển hướng sang nhập khẩu các loại xe điện thay thế cho các xe truyền thống.
Theo thống kê của Hải quan Chile, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 990,06 triệu USD, tăng 31,46% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 750,69 triệu USD, tăng 25,4%; nhập khẩu đạt 239,37 triệu USD, tăng 54,97% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Chile trong khối ASEAN và là nước xuất khẩu vào Chile lớn nhất ASEAN, chiếm tỷ trọng 1,5% kim ngạch nhập khẩu của nước này. Việt Nam đã vượt Ấn Độ để trở thành nước nước xuất khẩu lớn thứ 4 tại Châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) vào Chile và là nước xuất khẩu lớn 8 trên thế giới vào Chile.
Peru
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 06 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Peru đạt hơn 316,6 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Peru đạt triệu 289 triệu USD, tăng 2,5%. Các mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu tăng, như mặt hàng thủy sản (tăng 115%), xơ sợi dệt các loại tăng 141%, cao su (tăng 33%), giày dép các loại (tăng 8,2%), điện thoại di động và linh kiện (tăng 11,2%), túi xách (tăng 17%), nội thất từ chất liệu khác gỗ (tăng 61%). Một số mặt hàng giảm như clanke và xi măng (-64%), chất dẻo nguyên liệu (-72%), máy vi tính, sản phẩm điện tử (-27%), v.v… Chiều nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu từ Peru đạt 20,8 triệu USD, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2021.
Trên thực tế, trao đổi thương mại của Việt Nam có thể đạt tăng trưởng lớn hơn nhiều do Peru mới thông qua Hiệp định CPTPP với nhiều mức thuế hấp dẫn dành cho hàng xuất khẩu Việt Nam như đồ gỗ, dệt may và một số hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế như điều, chè, cà phê... Hiện tại, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Peru vẫn còn ở mức khiêm tốn, nên việc tăng hay giảm đột biến trong ngắn hạn không phải là điều đặc biệt.
Các nước Mỹ la tinh khác
Theo số liệArgentinau của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2,49 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 508 triệu USD, tăng 5,5%; nhập khẩu đạt 1,98 tỷ USD, tăng 16,2%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Argentina gồm có: điện thoại và linh kiện điện thoại, giày dép và phụ kiện giày dép; cao su và các sản phẩm cao su; hàng điện tử; hàng dệt may, quần áo, sợi tổng hợp; máy móc dụng cụ cơ khí, máy nông nghiệp,... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Argentina gồm có: thức ăn gia súc và nguyên liệu chế biến; dầu, mỡ động, thực vật, ngũ cốc, bột mỳ; linh kiện, phụ tùng ô tô, máy nông nghiệp và phụ tùng; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; hải sản...
Brazil
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương 6 tháng đầu năm 2022 đạt 3,64 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,11 tỷ USD, tăng 3,4%; nhập khẩu đạt 2,25 tỷ USD, tăng 16,2%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Brazil gồm có: điện thoại và linh kiện điện thoại, Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; Phương tiện vận tải và phụ tùng; Giày dép các loại… Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Brazil gồm có: Bông các loại; Thức ăn gia súc và nguyên liệu; Đậu tương; Quặng và khoáng sản khác; Ngô…
Nguồn: Vụ TT châu Âu- châu Mỹ