Hoạt động

Tình hình kinh tế - xã hội các nước khu vực châu Mỹ trong quý 2 năm 2022

19.09.2022

Tình hình kinh tế - xã hội của Hoa Kỳ, các nước trong khối CPTPP và Mỹ la tinh trong quý 2⁄2022.

Hoa Kỳ

Theo báo cáo mới nhất, ngày 28/7/2022 của Cục Phân tích kinh tế (BEA), Bộ Thương mại Hoa Kỳ, GDP thực tế quý II năm 2022 giảm 0,9% so với quý trước đó. Mức giảm GDP thực tế trong quý I năm 2022 cũng được điều chỉnh từ -1,4% xuống còn -1,6%. Sự sụt giảm trong GDP thực tế tiếp tục phản ánh sự sụt giảm trong đầu tư hàng tồn kho tư nhân, xuất khẩu, chi tiêu của chính phủ liên bang và chi tiêu của chính quyền địa phương và tiểu bang. GDP thực tế quý II (-0,9%) giảm ít hơn so với quý I (-1,6%) nhờ sự gia tăng trong xuất khẩu 18%, trong khi nhập khẩu có mức tăng thấp hơn là 3,1%.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ucraina và Trung Quốc đóng cửa vẫn tiếp tục diễn ra mà chưa có hồi kết. Thêm vào đó, lạm phát tăng cao và gia tăng trên diện rộng là những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, thậm chí có thể dẫn tới suy thoái kinh tế.

Về chỉ số giá tiêu dùng CPI và lạm phát, Báo cáo của Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 13/7/2022 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất của lạm phát ở Hoa Kỳ trong hơn 40 năm qua và cao hơn nhiều so với mức tăng 8,6% ghi nhận trong tháng 5. Ngoài ra, con số lạm phát này cũng cao hơn so với mức dự báo 8,8% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó. Phần lớn lạm phát của tháng 6 là do giá xăng tăng mạnh. So với cùng kỳ năm ngoái, giá xăng ở nước này đã tăng gần 60%. Người Mỹ phải đi bơm xăng trong tháng 6 với mức giá cao chưa từng thấy trong lịch sử, bình quân toàn quốc vượt 5 USD/gallon xăng. Giá điện và giá khí đốt ở nước này cũng tăng, với mức tăng tương ứng 13,7% và 38,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, giá năng lượng ở Hoa Kỳ đã tăng 41,6% so với cùng kỳ năm 2021. Năng lượng không phải là nhóm mặt hàng duy nhất tăng giá, mà sự leo thang của giá cả được ghi nhận ở tất cả các nhóm mặt hàng trong chỉ số CPI. Giá lương thực, thực phẩm tăng 12,2%, trong đó giá ngũ cốc tăng 12,2%; sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 13,5%; thịt tăng 13,8%.

Động thái chính sách của Cục dự trữ Liên bang FED

Lạm phát ngày càng “nóng” được cho sẽ là căn cứ để Fed tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt quyết liệt để “hạ nhiệt” nền kinh tế và giá cả. Nỗi lo của thị trường tài chính hiện nay là nếu Fed tăng lãi suất quá nhanh và quá mạnh, kinh tế Hoa Kỳ sẽ rơi vào suy thoái. Đây là nguyên nhân khiến chứng khoán Hoa Kỳ liên tục giảm mạnh gần đây.

Ngày 15/6/2022, sau cuộc họp chính sách định kỳ tháng 6, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm %, lên mức 1,5%-1,75%. Đây là mức tăng lãi suất lớn trong vòng 28 năm nhằm kiềm chế lạm phát, vốn là ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ của Fed hiện nay. Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) dự báo lãi suất sẽ tăng lên mức 3,4% vào cuối năm 2022 (cao hơn 1,5 điểm % so với dự báo hồi tháng 3/2022) và tăng lên mức 3,8% vào năm 2023 (cao hơn 1 điểm % so với dự báo hồi tháng 3/2022). Đây là lần thứ 3 trong năm nay Fed tăng lãi suất nhằm mục đích kiềm chế lạm phát. Ngày 27/7, FED tiếp tục công bố tăng lãi suất mạnh nhằm nỗ lực hạ thấp tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức Fed chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm lên phạm vi từ 2,25% đến 2,5%.

Về thương mại

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ 5 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 2,88 nghìn tỷ USD tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch XNK hàng hóa đạt gần 2,24 nghìn tỷ USD, tăng 21,7%; XK hàng hóa đạt 842,5 tỷ USD, tăng 20,4%; NK hàng hóa đạt 1,4 nghìn tỷ USD, tăng 22,5%. Tính đến hết tháng 5, mức thâm hụt thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ là 555 tỷ USD, cùng kỳ năm ngoái con số này là 441 tỷ USD.

Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là những đối tác thương mại hàng hóa lớn hàng đầu với Hoa Kỳ với tổng kim ngạch XNK hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022 lần lượt là: 364,4 tỷ USD (tăng 20,5%), 330 tỷ USD (tăng 25,9%), 321 tỷ USD (tăng 20,2%), 311,6 tỷ USD (tăng 14%) và 97,2 tỷ USD tăng 11,4%.

Những con số trên cho ta thấy trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đã nhập khẩu một lượng hàng khá lớn để dự trữ, để đề phòng dịch bệnh Covid-19 và giảm thiểu rủi ro do đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, do tình hình lạm phát tại Hoa Kỳ gia tăng, sức mua yếu, dự báo từ giờ đến cuối năm các doanh nghiệp nước này sẽ tập trung vào giải phóng hàng tồn kho nên các đơn hàng cho nhiều ngành hàng sẽ có nguy cơ bị cắt giảm trong những tháng tiếp theo.

Các nước CPTPP

Mặc dù không chịu tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng Ucraina, nhưng nền kinh tế các nước thành viên CPTPP ở khu vực châu Mỹ cũng không nằm ngoài vòng xoáy của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới do giá năng lượng tăng mạnh, gián đoạn chuỗi cung ứng, nguồn cung nguyên vật liệu, sụt giảm thị trường chứng khoán và đặc biệt là lạm phát gia tăng.

Một số nước đã đạt mức tăng trưởng kinh tế khả quan trong quý I/2022 do đã tình hình dịch bệnh Covid-19 đã dần được kiểm soát, dù vẫn thấp hơn so với kỳ vọng, nhưng sang đến quý II/2022, tăng trưởng kinh tế lại rơi vào suy thoái, thể hiện ở các chỉ số lạm phát, tiêu dùng, năng suất lao động, lòng tin kinh doanh v.v…

Canada: Nền kinh tế Canada trong nửa đầu năm 2022 đã có sự tăng trưởng chậm hơn dự báo. Quý 1 năm 2022 chỉ ghi nhận mức tăng trưởng đạt 0,8% so với Quý 4 trước đó (và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2021), là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 6/2021. Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế, dự báo tăng trưởng Quý 2/2022 của Canada chỉ đạt từ 3,7-4,2%. Tỷ lệ thất nghiệp của Canada giảm nhẹ từ 5,1% trong tháng 5 xuống 4,9% trong tháng 6/2022. Tuy nhiên, năng suất lao động tiếp tục sụt giảm 0,5% trong Quý 1/2022, đây là mức thấp nhất về năng suất của Canada trong 2 năm qua.

Bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số lòng tin kinh doanh tăng đều và đến cuối tháng 5/2022 đạt 72 điểm, tuy nhiên chỉ số này lại sụt giảm mạnh trong tháng 6/2022 còn 62 điểm.

Mức độ lạm phát của Canada cũng tăng rất nhanh, lên tới 8,1% trong tháng 6/2022, là mức cao nhất kể từ năm 1983 (trong đó lạm phát cơ bản là 6,2%). Đóng góp chính vào việc đẩy nhanh lạm phát là nhóm thực phẩm (tăng 8.8%), nhà ở (tăng 7,4%), giao thông vận tải (tăng 16,8%) do giá xăng dầu và năng lượng tăng. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 dự đoán sẽ ở mức 153 điểm, là mức cao nhất kể từ năm 1950 đến nay; và tăng từ mức 140 điểm cùng kỳ năm 2021.

Về đầu tư, trong những tháng đầu năm 2022, luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Canada thông qua mua chứng khoán và trái phiếu tiếp tục tăng mạnh. Tháng 5/2020-3/3021 là giai đoạn thị trường chứng khoán Canada chứng kiến sự thoái vốn mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Canada trong Quý 1/2022 cũng ghi nhận mức tăng nhẹ, đạt 20,1 tỷ CAD so với mức 19,4 tỷ trong Quý trước đó và tăng tới 528% so với cùng kỳ năm 2021.

Về thương mại, tuy bối cảnh kinh tế Canada tăng trưởng chậm lại, nhưng hoạt động thương mại không bị tác động nhiều về giá trị do mức tăng giá hàng xuất khẩu và nhập khẩu ở cả hai chiều. Do giá nhiên liệu tăng, giá thành sản xuất của Canada cũng tăng mạnh khiến cho giá xuất khẩu của Canada đội lên tới 142 điểm trong năm 2022 (đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 1986 đến nay); trong khi mức đầu dịch Covid 2020 là khoảng 100 điểm. Thực tế, lượng xuất khẩu của Canada giảm 2,1% so với cùng kỳ nhưng do giá tăng 2,7% nên xét về giá trị xuất khẩu vẫn tăng; nói cách khác, giá trị xuất nhập khẩu của Canada được bù đắp bởi yếu tố giá tăng là chủ yếu thay vì do tăng lượng xuất nhập khẩu.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê Canada công bố ngày 25/7, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Canada trong 5 tháng đầu năm đạt 245 tỷ đô la Mỹ, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý là cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Canada có sự thay đổi quan trọng, trong đó nhóm xăng dầu và các mặt hàng từ dầu mỏ có mức tăng trưởng xuất khẩu lên đến 79,9%, đạt 74 tỷ đô la Mỹ. Các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Canada như ô tô, xe máy tăng 9.9%; lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ tăng 14,2%; nhựa và các sản phẩm tăng 16.8%; nhôm và các sản phẩm tăng 38,7%; điện và thiết biệ tăng 15,2%, sắt thép tăng 45.1%, đặc biệt là phân bón tăng 126.7%, dược phẩm tăng 50.5%. Trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Canada, đáng lưu ý, một số mặt hàng lại có sự sụt giảm như: gỗ (-2,1%); quặng xỉ và tro (-3,5%); máy bay và phụ tùng (-24%); ngũ cốc (-19,8%), hạt dầu và dược liệu (-26,7%), hải sản (-2,2%). Mười đối tác xuất khẩu chủ yếu của Canada là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Mexico, Đức, Hà Lan, Ấn Độ và Na uy.

Nhập khẩu của Canada trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 228 tỷ đô la Mỹ, tăng so với cùng kỳ năm ngoái 18,1%. Canada nhập khẩu mạnh nhất trong 5 tháng đầu năm, lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ tiếp tục đứng đầu về giá trị nhập khẩu (32,2 tỷ đô Mỹ, với tốc độ tăng 12,1% so với cùng kỳ 2021); phương tiện ô tô xe máy nhập tăng, đạt 31,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,3%; điện và thiết bị điện cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 20,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 18,4%; dầu khí và các sản phẩm liên quan tăng 52,6%, đạt mức 16,4 tỷ đô la Mỹ, nhựa và các các sản phẩm liên quan đứng thứ 6 về giá trị nhập khẩu, đạt 9,6 tỷ với tốc độ 20,4%. Ngoài ra, Canada tiếp tục nhập tăng các mặt hàng: dược phẩm (15,5%); máy quang học, dụng cụ đo lường, máy y tế (8,1%); sắt thép (40,8%), sản phẩm từ sắt thép (29,5%), hoá chất hữu cơ (61,2%); hoá phẩm khác (39,1%), máy bay và phụ tùng bay (18,7%), giấy và sản phẩm từ giấy (18,8%), nhôm và sản phẩm từ nhôm (36,7%).

Mexico: Tình hình kinh tế xã hội nửa đầu năm 2022 của Mexico có chiều hướng phục hồi châm, tuy nhiên, vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng dương trong quý II/2022 do ảnh hưởng kinh tế từ xung đột ở Ukraine và chính sách phong tỏa kiểm soát dịch Covid-19 ở Trung Quốc.

Một điều đặc biệt là Mexico là một trong những số ít quốc gia hưởng lợi do dịch chuyển chuỗi cung ứng và thay đổi đối tác thương mại do tác động xung đột Nga-Ukraine và chính sách phòng ngừa Covid-19 mạnh mẽ của Trung Quốc. Trao đổi thương mại, đầu tư của Mexico với nước láng giềng Hoa Kỳ trong thời gian qua đã tăng mạnh đặc biệt trong lĩnh vực, khoáng sản, xây dựng và dược phẩm, sẽ có những tác động cải thiện đáng kể tới nền kinh tế Mexico.

Việc làm trong 5 tháng đầu năm 2022 đã tăng 6,3% sau khi tăng 6,1% trong tháng 4. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4 là 3,1%, cũng giảm nhẹ so với tỷ lệ 3,4% trong tháng 3, trên cơ sở việc làm ở Mexico đã phục hồi xuống mức trước đại dịch vào tháng 9 năm 2021, mặc dù GDP vẫn thấp hơn 1,1% so với mức trước đại dịch.

Đồng tiền Mexico trong tháng 5 đầu năm 2022 tăng nhẹ so với tháng trước đó. Tuy nhiên, đồng peso vẫn giảm 5,9% so với mức trước đại dịch (tháng 2 năm 2020). Đồng peso đã phải chịu áp lực do lạm phát cao và sự gia tăng bất ổn liên quan đến tăng trưởng trong nước và toàn cầu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mexico đã tăng 7,6% vào tháng 5 so với suốt 12 tháng trước đó.

Chile: Theo Báo cáo chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Chile tháng 6 năm 2022, dự báo mức tăng trưởng kinh tế từ 1,5% - 2,25% trong năm 2022 và năm 2023 từ -0,1% đến 0%, đồng thời cảnh báo Chile có thể đang đứng trên bờ vực suy thoái.

Ngay khi nhậm chức Tổng thống vào tháng 3/2022, Tổng thống G.Boric đã công bố Kế hoạch Phục hồi kinh tế “Chile Hỗ trợ” gồm 21 chính sách kinh tế-xã hội với tổng giá trị 3,7 tỷ USD, trong đó dành 1,3 tỷ USD cho các chính sách tạo việc làm, theo đó dự kiến sẽ tạo hơn 500.000 việc làm mới; 1,4 tỷ USD cho các gói hỗ trợ trực tiếp các gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và 1 tỷ USD để bình ổn giá dầu khí, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đến hiện tại, các chính sách trên vẫn chưa cho thấy sự hiệu quả. Mức lạm phát tiếp tục tăng mạnh, ghi nhận mức 12,5% trong tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Trung ương Chile Ngân hàng Trung ương Chile cho rằng do tác động của chiến tranh Nga-Ukarine khiến cho giá hàng hóa, thực phẩm và nhiên liệu tăng cao trên thị trường quốc tế, cùng với những khó khăn trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu là những nguyên nhân chính dẫn tình trạng lạm phát hiện nay, đồng thời dự báo lạm phát tại Chile sẽ tiếp tục tăng trong quý III, có thể lên tới 13%. Trước tình hình trên, nhằm kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Trung ương Chile đã liên tiếp tăng lãi suất liên ngân hàng từ 6% lên 8,25% trong tháng 4/2022, và tiếp tục nâng lên 9,0% trong tháng 5/2022, nâng lên mức 9,75% trong tháng 7 năm 2022. Đây là mức tăng cao nhất trong suốt 20 năm qua.

Peru: Lạm phát tháng 6/2022 ở mức 8,81%, cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong một phần tư thế kỷ qua, trong bối cảnh chi phí lương thực và năng lượng gia tăng, trở nên tồi tệ hơn do tác động của cuộc xung đột Nga - Ucraina. Tỷ lệ lạm phát của Peru cao hơn nhiều so với phạm vi mục tiêu của ngân hàng trung ương là từ 1% đến 3%. Tuy nhiên, Ngân hàng Peru kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại phạm vi mục tiêu trong khoảng thời gian từ quý 2 đến quý 3 năm sau.

Theo Bộ Ngoại thương và Du lịch Peru, trong tháng 5 đầu năm 2022, tổng kim ngạch thương mại đạt 9,2 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 4,8 tỷ đô la Mỹ và nhập khẩu 4,4 tỷ USD. Lũy kế từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Peru đạt 26,5 tỷ USD (17,7% so với cùng kỳ năm 2021) và nhập khẩu đạt 21,7 tỷ USD (17,5%). Xuất khẩu hàng hóa của Peru đã tăng trưởng liên tục trong 21 tháng, phần lớn là do giá nguyên liệu quốc tế tăng cao. Lĩnh vực khai khoáng là một trong những lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa phát triển nhanh nhất.

Nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2022 của Peru tăng trưởng khá trên 17,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Ngoại thương và Du lịch Peru, sự gia tăng này chủ yếu do sự tăng giá các mặt hàng do tác động bởi các yếu tố gia tăng giá năng lượng, vận tải, logistics và lạm phát.

Trung Quốc vẫn luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Peru trong nhiều năm trở lại đây. Ngoại thương giữa hai nước này đã tăng 4,7% trong 5 tháng đầu năm 2022. Hoa Kỳ là đối tác thương mại quan trọng thứ hai, với mức tăng lớn tới 45,4% so với cùng kỳ năm 2021, với kim ngạch đạt được 8,469 triệu USD. Tiếp theo đó là nhóm các nước trong khối Mercosur, nhóm đối tác truyền thống của Peru, đạt mức tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước.

Các nước Mỹ La tinh khác

Argentina: Trong tháng 4 chỉ số lạm phát của Argentina đạt mức tăng 5,5% và sau khi chứng kiến mức lạm phát tăng cao nhất trong một tháng từ trước đến nay vào tháng 3 năm 2022 đạt mức 6,7%. Mặc dù chỉ số lạm phát tháng 4 năm 2022 đã có mức giảm so với tháng 3, tuy nhiên mức lạm phát vẫn ở mức cao gây áp lực lên mục tiêu kiềm chế lạm phát mà Chính phủ nước này đã đề và với tình hình hiện tại, dự báo mức lạm phát của Argentina trong năm 2022 sẽ vượt qua 60%. Lạm phát cao, giảm sức mua và các cơ hội việc làm mới sụt giảm là những nguyên nhân chính dẫn đến việc tỷ lệ nghèo đói của nước này đang dần tăng cao hơn. Theo như báo cáo Chính phủ năm 2021, mức nghèo đói của nước này ở mức 37,3% vào nửa cuối năm 2021 thì trong quý I năm 2022 đã có thêm từ 1,2% đến 3,2% dân số sống dưới mức nghèo. Với mức gia tăng kể trên và tình hình lạm phát, việc làm tiếp tục có chiều hướng xấu, theo báo cáo từ đại học Austral đưa ra tỷ lệ đói nghèo vượt mức 50% vào thời điểm bầu cử diễn ra cuối năm 2023.

Để giải quyết thực trạng thất nghiệp tăng cao trong xã hội, đầu tháng 5 năm 2022, Chính phủ Argentina đã khởi động một Chương trình Quốc gia về Phát triển địa phương và Năng suất xã hội nhằm đào tạo việc làm cho những người thất nghiệp và khuyến khích các cơ sở tư nhân đã đăng ký với Chính phủ thuê đối tượng lao động này và Chính phủ sẽ cam kết trả một phần lương cho các đối tượng này. Chương trình này đã được thiết lập theo Nghị quyết 410/2022 của Bộ Phát triển Xã hội. Mức lương bổ sung mà Chính phủ cam kết hỗ trợ trả lương cùng doanh nghiệp sẽ là động lực khuyến khích lao động hòa nhập và môi trường làm việc và cũng là lợi ích cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình. Các lao động sẽ được tuyển chọn và phân loại để đào tạo cho các công việc thích hợp.

Nguồn: Vụ TT châu Âu - châu Mỹ

 

In bài Share