Hoạt động

Tình hình kinh tế - xã hội một số nước khu vực châu Âu - Châu Mỹ 9 tháng đầu năm 2022 (Phần 2)

07.12.2022

Tình hình kinh tế - xã hội của một số nước châu Âu (ngoài EU 27) và các nước khu vực châu Mỹ.

1. Các nước EAEU

Do tác động của khủng hoảng LB Nga – Ucraina, tình hình kinh tế các nước trong khối EAEU trong 08 tháng đầu năm 2022 diễn biến phức tạp. Sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, tổng khối lượng xây dựng đã hoàn thành, tỷ lệ thất nghiệp của toàn khối ghi nhận thay đổi tích cực; trong khi đó tổng mức bản lẻ hàng hóa và dịch vụ, chỉ số giá tiêu dùng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể:

Sản xuất công nghiệp tăng 0,8%, đạt 1.056 tỷ USD. Trong đó LB Nga đạt mức tăng trưởng 0,9%, Kazakhstan tăng trưởng 2,5%, Belarus giảm 6,6%, Armenia tăng 9,2%, Kyrgyzstan tăng 18,2%.

Sản xuất nông nghiệp tăng 4,4%, đạt 72,2 tỷ USD. Trong đó LB Nga tăng trưởng 4,6%, Kazakhstan tăng trưởng 4,3%, Belarus tăng 1,8%, Armenia giảm 3,4%, Kyrgyzstan tăng 8,5%.

Tổng khối lượng xây dựng đã hoàn thành tăng 4,7%, đạt 110,6 tỷ USD. Trong đó LB Nga tăng 5,1%, Kazakhtan tăng 7,5%, Belarus giảm 12,7%, Armenia tăng 14,4%, Kyrgyzstan tăng 3,4%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 4,2%, đạt 433,8 tỷ USD. Trong đó LB Nga giảm 4,9%, Kazakhstan tăng 2,1%, Belarus giảm 2%, Armenia giảm 3,6%, Kyrgyzstan tăng 10,4%.

Chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng 14,1%. Trong đó LB Nga tăng 14,4%, Kazakhstan tăng 12,8%, Belarus tăng 15,5%, Armenia tăng 8,4%, Kyrgyzstan tăng 13,3%. Các nhóm hàng thực phẩm và phi thực phẩm đều có mức tăng mạnh, lần lượt là 16,4% và 15,2%.

Tỷ lệ thất nghiệp ước tính khoảng hơn 1 triệu người, chiếm 1,1% lực lượng lao động, giảm khoảng 22,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó chủ yếu là từ LB Nga (662 nghìn người) và Kazakhstan (252 nghìn người).

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn khối trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1058,7 tỉ USD, tương đương mức 99,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, GDP của LB Nga giảm 0,4%, Kazakhstan tăng 3,6%, Belarus giảm 4,3%, Armenia tăng 11,1%, Kyrgyzstan tăng 6,3%.

2. Vương quốc Anh

          Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Thống kê quốc gia của Anh, GDP Quý II của Vương quốc Anh tăng 0,2%. Dự báo tăng trưởng GDP của Anh sẽ đạt trung bình từ 2,8% - 3,8% trong năm nay, giảm đáng kể so với mức dự báo trước khi xảy ra xung đột Nga - Ucraina là 4,5%.

Về lạm phát:Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Vương quốc Anh tăng liên tục, từ mức 0,7% trong tháng 01/2021 tăng lên 5,5% vào tháng 01/2022 và đạt đỉnh 10,1% vào tháng 9/2022. Khoảng một nửa đóng góp vào lạm phát chính là do giá nhiên liệu, thực phẩm và điện. Hiện lạm phát đang ở mức cao nhất hơn 40 năm qua.

Về thương mại quốc tế, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê quốc gia của Anh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm 2022 của Anh tăng mạnh đạt 681,1 tỷ Bảng, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 257 tỷ Bảng tăng 23,4%, nhập khẩu đạt khoảng 424 tỷ Bảng tăng 37,6%. Thâm hụt thương mại hàng hóa khá cáo đạt 167 tỷ USD, tăng 67,4% so với 8 tháng đầu năm 2021.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Vương quốc Anh 8 tháng đầu năm 2022 đạt 1.069,1 tỷ Bảng, tăng 29,4%. Trong đó xuất khẩu đạt 499,1 tỷ Bảng, tăng 22,5%, nhập khẩu đạt 570 tỷ Bảng, tăng 36,1%. Thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ là 71 tỷ USD, tăng 515,9% so với 8 tháng năm 2021.

3. Các nước CPTPP

Tại Canada

Mặc dù lạm phát ở Canada trong Quý III có giảm nhẹ so với mốc đỉnh ghi nhận cuối tháng 6/2022 (8,1%), lần lượt là 7,6%, 7,0% và 6,9% trong tháng 7, tháng 8 và tháng 9. Nhưng đây vẫn là một trong những mức lạm phát cao nhất kể từ gần 40 năm qua. Mức lạm phát giảm nhẹ trong Quý III chủ yếu là do giá nhiên liệu và vận chuyển giảm; giá nhà ở, giáo dục và giải trí cũng giảm nhẹ; nhưng giá lương thực tiếp tục tăng cao, từ 9,2% trong tháng 7 lên 9,8% trong tháng 8/2022. Dù lạm phát có dấu hiệu giảm nhẹ, 6/8 nhà kinh tế của các ngân hàng hàng đầu của Canada đều thống nhất cho rằng, lạm phát sẽ tiếp tục dai dẳng ở mức cao và khó đạt được mục tiêu về 3% vào cuối 2023 và 2% vào cuối 2024 của Ngân hàng trung ương Canada. Theo Ngân hàng trung ương Canada, việc tăng lãi suất là do kinh tế Canada đang tăng trưởng quá nóng, cung không đáp ứng đủ cầu (thiếu lao động và thiếu hàng hoá đẩy giá lên). Cũng theo cơ quan này, lạm phát ở Canada là do các yếu tố: chiến tranh Ucraina, đứt gãy nguồn cung, giá nhiên liệu tăng và giá hàng hoá tăng.

Trong Quý III/2022, chỉ số bán lẻ của Canada cũng sụt giảm nhẹ, khoảng 2%. Bán lẻ giảm trong 9/11 ngành hàng, trong đó, mức chi tiêu giảm mạnh nhất cho việc mua xe ô tô, xăng dầu, quần áo và điện tử điện máy. Đây cũng là lần giảm đầu tiên ghi nhận kể từ tháng 12/2021.

Theo số liệu công bố ngày 30/8/2022, trong Quý II/2022, Canada đã thu hút được 21,9 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Canada, tăng hơn 2 tỷ so với Quý I/2022 và tăng gần gấp đôi so với Quý II/2021 (thu hút được 12 tỷ USD). Ở chiều ngược lại, Canada đã đầu tư ra nước ngoài 34.5 tỷ USD trong Quý II/2022, tăng so với Quý I/2022 (19,2 tỷ).

Về thương mại: Theo số liệu của Cơ quan thống kê Canada công bố ngày 26/9, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Canada trong 7 tháng đầu năm đạt 352  tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoại trừ Trung Quốc, xuất khẩu của Canada vào các địa bàn đều tăng, cá biệt, vào Brazil tăng 114% so với cùng kỳ năm 2021. Đối tác xuất khẩu chủ yếu của Canada vẫn là Hoa Kỳ, chiếm trên 77% tổng giá trị xuất khẩu của Canada. Top 10 đối tác xuất khẩu chủ yếu của Canada lần lượt là Trung Quốc, Anh, Nhật, Hàn Quốc, Mexico, Đức, Hà Lan, Ấn Độ và Brazil, chiếm trên 91% tổng giá trị xuất khẩu của Canada.

Tại Mexico: Tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2022 của Mexico có chiều hướng phục hồi chậm với tốc độ tăng trưởng 2 quý đầu năm đều là 1,9%. Tỷ lệ lạm phát cao cũng là một thách thức cho phát triển kinh tế Mexico trong năm 2022. Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Mexico trong 8 tháng đầu năm đã đạt 780 tỷ USD, tăng 21,55%. Trong đó xuất khẩu đạt 378 tỷ USD, nhập khẩu đạt 402 tỷ USD.

Tại Chile: Ngân hàng Trung ương Chile dự báo GDP Chile năm 2022 sẽ tăng trưởng từ 1,75-2,25%, lạm phát sẽ ở mức 11,4%. Dự báo tăng trưởng năm 2023 sẽ tăng trưởng âm với -1,5 đến -0,5 %. Tình hình kinh tế Chile cuối năm 2022 sẽ tiếp tục khó khăn. Ngân hàng Thế giới dự báo rằng tình trạng nghèo đói sẽ gia tăng đáng kể ở Chile và sẽ đạt 10,5% vào năm 2022, với việc hết viện trợ của Nhà nước, tính thanh khoản của nền kinh tế và lạm phát cao đang hoành hành tại Chile. Dự báo đầu tư trong lĩnh vực xây dựng sẽ giảm -4% trong năm 2022 và giảm -5,3% trong năm 2023. Ngân hàng Trung ương Chile cũng vừa tăng mức lãi suất lên 11,25%, mức cao nhất tính từ năm 1998 trở lại đây.

Tại Peru: Tính đến cuối tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Peru đạt 42,46 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Theo Tổng cục Nghiên cứu và Nghiên cứu về Ngoại thương của Mincetur, sự tăng trưởng đáng chú ý trong xuất khẩu ở mức độ lớn là do sự gia tăng các lô hàng khí đốt tự nhiên và cà phê, các sản phẩm truyền thống, cũng như sự gia tăng gần như tổng thể trong các sản phẩm phi truyền thống (+ 19,5%). Ngày 29 tháng 8 năm 2022, Peru đảm nhận vai trò Chủ tịch Pro Tempore (PPT) của Cộng đồng Andean (CAN), một cộng đồng hội nhập khu vực gồm 04 thành viên Peru, Colombia, Bolivia và Ecuador. Tổng thống Pedro Castillo đã chỉ ra rằng Peru, với tư cách là quốc gia sẽ chủ trì PPT của CAN trong giai đoạn 2022-2023, sẽ hoạt động trên bảy trục chính: (i) Tiềm năng của Tiến trình hội nhập, (ii) Phát triển xã hội, (iii) Kinh tế phục hồi, (iv) Môi trường, (v) Tính liên kết, (vi) Đối ngoại và (vii) Các vấn đề thể chế.

4. Các nước Mỹ La tinh khác

Các nước Mercosur: Theo báo cáo mới nhất của Mercosur, nền kinh tế các nước Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay phần lớn tiếp tục ghi nhận tăng trưởng kinh tế tích cực, đà phục hồi tiếp tục được duy trì.

Theo đó, Argentina đạt mức tăng trưởng GDP 11,1% so với Quý II, là quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất trong Khối và vượt nhiều so với kỳ vọng, nông nghiệp là ngành duy nhất bị sụt giảm. Brazil đạt tăng trưởng GDP 3,2% so với Quý II, chủ yếu do tăng trưởng mạnh của ngành dịch vụ khi chiếm tỷ trọng 70% của nền kinh tế. Uruguay đạt tăng trưởng 1,1% so với Quý II, trong đó ngành nông nghiệp, thủy sản và khai khoáng tăng cao nhất (17,2%), tăng trưởng xuất khẩu (16,3%) nhờ vào xuất khẩu đậu tương. Paraguay là quốc gia duy  nhất trong Khối không ghi nhận tăng trưởng mà ngược lại GDP sụt giảm 7%. Tình trạng thất nghiệp tại Paraguay trở nên nghiêm trọng hơn, các lĩnh vực chính của nền kinh tế suy thoái nặng nề như nông nghiệp (-35%), sản xuất (-3,4%), xây dựng (-6,9%).

Theo dự báo của các Ngân hàng Trung ương các nước này, tăng trưởng GDP của các nước Argentina, Brazil, Uruguay và Paraguay cho tới hết năm 2022 và cả năm 2023 lần lượt là 3,6% và 1%; 2,4% và 0,5%; 4,7% và 3%; và 0,1% và 4%.

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ

In bài Share