Hoạt động
Phân tích hoạt động XNK giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Mỹ
Hoạt động XNK giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Mỹ: Hoa Kỳ, Mỹ la tinh, các nước khối CPTPP và Mecosur.
Hoa Kỳ
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam tính đến hết tháng 9/2022: Tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 96,3 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 85,2 tỷ USD, tăng 23,7% và chiếm tỷ trọng 30,2% tổng XK của Việt Nam; nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 11,1 tỷ USD, giảm 4,4%, chiếm tỷ trọng 4,02% tổng NK của Việt Nam. Thặng dự thương mại của Việt Nam đạt 74,01 tỷ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ 2021.
Theo số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ (US Census of Bureau), tính đến hết tháng 8 năm 2022: iệt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ;
- Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2022 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 94,9 tỷ USD, tăng 30,0% so với cùng kỳ 2021 và chiếm tỷ trọng 2,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 87,0 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 4,0% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, tăng 32,9%; nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 7,9 tỷ USD, tăng 3,9%.
- Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ 79,1 tỷ USD và xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (sau Trung Quốc với 271,9 tỷ USD và Mexico với 84,2 tỷ USD).
Đánh giá: Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như hiện tại, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh những khó khăn, thách thức được đề cập trong báo cáo quý II năm 2022 đối với thương mại song phương hai nước, thời gian gần đây xuất hiện một số tín hiệu tích cực. Cụ thể, các Tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Boeing, Intel, Walmart, v.v… gần đây hiện đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam, bao gồm cả lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nhằm đảm bảo tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi. Điều này vừa mở ra cơ hội, đồng thời đặt ra yêu cầu đối với Việt Nam. Đó là cần có chính sách tổng thể để từng bước giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Các nước CPTPP
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang các quốc gia thành viên CPTPP khu vực Châu Mỹ vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng rất tích cực, với tổng kim ngạch đạt 11,94 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021, thặng dư thương mại đạt gần 8,7 tỷ USD. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp đã tận dụng tốt lợi thế mà Hiệp định CPTPP mang lại, bất chấp những khó khăn về chuỗi cung ứng và của những xung đột, suy thoái kinh tế toàn cầu.
Canada: Theo số liệu Canada của Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5,51 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng Việt Nam sang Canada đạt 4,95 tỷ USD, tăng mạnh ở mức 29,8%, tuy nhiên nhập khẩu hàng Canada vào Việt Nam chỉ đạt 566 triệu USD, giảm nhẹ ở mức 0,9% so với cùng kỳ năm 2021. Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Canada vẫn giữ mức thặng dư cao nghiêng về Việt Nam đạt 4,38 tỷ USD do chiều xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tiếp tục tăng trưởng tốt.
Xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 sẽ dễ dàng vượt mốc 6 tỷ USD vào Canada, và đạt mức tăng trưởng tối thiểu 20% so với 2021. Trong khi đó, trong kịch bản khả quan nhất, xuất khẩu của Canada vào Việt Nam cũng chỉ đạt tương đương năm 2021, đẩy biên độ thặng dư thương mại của Việt Nam năm 2022 dự kiến lên đến trên 5 tỷ USD.
Mexico: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại song phương 9 tháng đầu năm 2022 giữa Việt Nam và Mexico đạt 4,22 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,55 tỷ USD, tăng 4,2%; nhập khẩu đạt 674,4 triệu USD, tăng 86,3%.
Chile: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại song phương 9 tháng đầu năm 2022 giữa Việt Nam và Chile đạt 1,73 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,38 tỷ USD, tăng 11,2%; nhập khẩu đạt 343,7 triệu USD, tăng 48,9%.
Peru: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 09 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Peru đạt hơn 475 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Peru đạt 422 triệu USD, tăng 3,7%. Các mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu tăng, như mặt hàng thủy sản (tăng 154%), xơ sợi dệt các loại tăng 128%, cao su (tăng 24%), giày dép các loại (tăng 66%), sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (tăng 20%).
Một số mặt hàng giảm như clanke và xi măng (-67%), chất dẻo nguyên liệu (-77%), máy vi tính, sản phẩm điện tử (-23%), điện thoại di động và linh kiện (giảm 10%)... Chiều nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu từ Peru đạt 53,3 triệu USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Các nước Mỹ la tinh khác
Argentina: Theo số liệu của TCHQ Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt Nam – Argentina trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 687 triệu USD, tăng 5,9%, nhập khẩu đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,3%.
Brazil: Trong 3 quý đầu năm 2022, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 5,1 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của ta đạt 1,7 tỷ USD, tăng 0,7%, nhập khẩu đạt 3,4 tỷ USD, tăng 7,9%.
Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ