Hoạt động

Tổng quan về tình hình kinh tế -xã hội của khu vực châu Âu – châu Mỹ 9 tháng đầu năm 2022 (Phần 1)

05.12.2022

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và khu vực châu Âu – châu Mỹ nói riêng tiếp tục giảm hơn so với các dự báo từ đầu năm và có dấu hiệu tiến tới suy thoái, với lạm phát tăng cao nhất trong mấy thập kỷ trở lại đây.

 

Cụ thể, theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới phát hành tháng 10 năm 2022 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và năm 2023 đạt lần lượt là 3,2% và 2,7%, thấp hơn so với dự báo tháng 7/2022 lần lượt là 0,0% và -0,2% và dự báo tháng 4/2022 là -0,4% và -0,9%. Trong đó, tăng trưởng GDP của một số nước lớn thuộc khu vực châu Âu – châu Mỹ được dự báo thấp hơn so với dự báo trước đó trong các báo cáo tháng 7 năm 2022 của IMF. Ví dụ, dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Hoa Kỳ năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 1,6% 1,0% và thấp hơn mức dự báo của các báo cáo tháng 7 năm 2022 lần lượt là -0,7 và 0,0; Canada là 3,3% và 1,5 thấp hơn lần lượt -0,1% và -0,3%. Các nước châu Âu dự báo tăng trưởng năm 2022 tuy tăng một chút, nhưng năm 2023 dự báo tiếp tục ảm đạm (chi tiết Bảng 1).

Bảng 1: Dự báo tăng trưởng GDP của một số quốc gia châu Âu – châu Mỹ

Đơn vị: %

TT

Khu vực/ Quốc gia

 

Dự báo trong báo cáo T10/2022 của IMF

Thay đổi so với báo cáo T7/2022 của IMF

Thay đổi so với báo cáo T4/2022 của IMF

2021

2022

2023

2022

2023

2022

2023

I

Toàn cầu

6,0

3,2

2,7

0,0

-0,2

-0,4

-0,9

II

Khu vực châu Âu

5,9

2,1

0,6

 

 

 

 

1

EU27

5,4

3,2

0,7

0,4

-0,9

0,3

-1,8

 

- Đức

2,6

1,5

-0,3

0,3

-1,1

-0,6

-3,0

 

- Pháp

6,8

2,5

0,7

0,2

-0,3

-0,4

-0,7

 

- Italia

6,6

3,2

-0,2

0,2

-0,9

0,9

-1,9

2

Anh

7,4

3,6

0,3

0,4

-0,2

-0,1

-0,9

3

Nga

4,7

-3,4

-2,3

2,6

1,2

5,1

0,0

II

Khu vực châu Mỹ

 

 

 

 

 

 

 

1

Bắc Mỹ

5,5

1,8

1,0

 

 

-1,8

-1,3

 

- Hoa kỳ

5,7

1,6

1,0

-0,7

0,0

-2,1

-1,3

 

- Canada

4,6

3,3

1,5

-0,1

-0,3

-0,6

-1,3

 

- Mexico

4,8

2,1

1,2

-0,3

0,0

0,1

-1,3

2

Nam Mỹ

7,3

3,6

1,6

 

 

1,3

-0,5

 

- Braxin

4,6

2,8

1,0

1,1

-0,1

2,0

-0,4

 

- Argentina

10,2

4,0

2,0

 

 

0,0

-1,0

 

- Chile

11,7

2,0

-1,0

 

 

0,5

-0,5

1. Khu vực EU 27

EU đang đứng trước nguy cơ về một cuộc suy thoái kinh tế sâu rộng trên toàn Khối trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị khu vực tiếp tục leo thang và vấn đề khủng hoảng năng lượng vẫn chưa được giải quyết. Lạm phát tăng cao kỷ lục đang kéo tăng trưởng giảm xuống khi các ngân hàng trung ương trong khu vực tăng lãi suất trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát giá cả.

Tăng trưởng GDP:Theo số liệu của Eurostat, quý III/2022 GDP điều chỉnh theo mùa của EU ước tính tăng 0,2% so với quý II/2022 và tăng 2,4% so với quý III/2021. Quý II/2022 GDP điều chỉnh theo mùa của EU tăng 0,6% so với quý I/2022 và tăng 4,0% so với quý II/2021. Đóng góp vào mức tăng trưởng GDP của EU trong quý II/2022 có tăng trưởng việc làm ở EU quý II/2022 tăng 0,3% so với quý I/2022 và tăng 2,3% so với quý I/2021.

Tỷ lệ lạm phát: Tình trạng lạm phát tiếp tục diễn ra rộng khắp EU. Giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng lạm phát leo thang. Lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại EU giảm, kéo lùi hoạt động kinh tế của các nước trong Khối. Theo Eurostat, tháng 9/2022, tỷ lệ lạm phát của EU tăng lên mức 10,9%, cao hơn mức 10,1% vào tháng 8/2022 và mức 3,6% tháng 9/2021. Tỷ lệ lạm phát thấp nhất là tại Pháp (6,2%), Malta (7,4%) và Phần Lan (8,4%). Tỷ lệ lạm phát cao nhất là tại Estonia (24,1%), Latvia (22,5%) và Litva (22,0%). So với tháng 8/2022, tỷ lệ lạm phát ghi nhận giảm tại 6 quốc gia thành viên, tăng tại 20 quốc gia thành viên và ổn định tại 1 quốc gia thành viên. Tháng 9/2022, đóng góp cao nhất vào tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng Euro đến từ năng lượng (+4.19 pp), tiếp theo là thực phẩm, rượu & thuốc lá (+2,47 pp), dịch vụ (+1,80 pp) và hàng hóa phi năng lượng (+1,47 pp).

Sản xuất công nghiệp:Theo Eurostat, sản xuất công nghiệp tháng 8/2022 của EU tăng 3,5% so với tháng 8 năm 2021 và tăng 1,1% so với tháng 7/2022.

Thương mại bán lẻ:Theo Eurostat, tháng 8/2022, tổng thương mại bán lẻ tại khu vực EU giảm 0,3% so với tháng 7/2022 và giảm 1,3% so với tháng 8/2021. So với tháng 7/2022 thương mại bán lẻ giảm 0,6% đối với thực phẩm, đồ uống và thuốc lá nhưng tăng 0,1% với hàng hóa phi thực phẩm và tăng 2,9% với nhiên liệu ô tô. So với tháng 8/2021, thương mại bán lẻ giảm 2,6% với hàng hóa phi thực phẩm và giảm 1,3% với thực phẩm, đồ uống & thuốc lá; tăng 5,5% với nhiên liệu ô tô.

Thương mại của EU và thị phần của Việt Nam: Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa nội và ngoại khối của EU trong 8 tháng năm 2022 đạt 9.010,1 tỷ EUR, tăng 27,87% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường ngoại khối đạt 3.622,8 tỷ EUR, tăng 33,42% so với cùng kỳ năm 2021.

+ Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá nội và ngoại khối của EU trong 8 tháng năm 2022 đạt 4.390,6 tỷ EUR, tăng 22,15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường ngoại khối đạt 1.656,7 tỷ EUR, tăng 18,04% so với cùng kỳ năm 2021. Các thị trường xuất khẩu ngoại khối chính của EU trong 8 tháng năm 2022 và thị phần tương đương gồm: Hoa Kỳ (19,9%), Anh (12,9%), Trung Quốc (9,1%), Thụy Sỹ (7,3%) và Thổ Nhĩ Kỳ (3,8%).

Xuất khẩu hàng hoá của EU sang Việt Nam trong 8 tháng năm 2022 đạt 7,78 tỷ EUR, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng xuất khẩu của EU sang Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ngoại khối trong 8 tháng đầu năm 2022 chiếm 0,5%; trong khi các quốc gia ASEAN khác là: Singapore (1,3%), Thái Lan (0,6%), Malaysia (0,6%), Indonesia (0,4%), v.v.

+ Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá nội và ngoại khối của EU trong 8 tháng năm 2022 đạt 4.619,5 tỷ EUR, tăng 33,82% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó nhập khẩu từ các thị trường ngoại khối đạt 1.966,1 tỷ EUR, tăng 49,88% so với cùng kỳ năm 2021. EU nhập khẩu hàng hoá chủ yếu từ các thị trường: Trung Quốc (20,9%), Hoa Kỳ (11,6%), Nga (7,8%), Anh (7,5%), Thuỵ Sỹ (4,9%).

Nhập khẩu hàng hoá của EU từ Việt Nam trong 8 tháng năm 2022 đạt 32,9 tỷ EUR, tăng 31,24% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hàng hóa của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối 8 tháng năm 2022 chiếm 1,8%, cao hơn các nước ASEAN như Malaysia chiếm 1,2%, Thái Lan chiếm 0,9%, Indonesia chiếm 0,7%, Singapore chiếm 0,7%. Tính chung 8 tháng năm 2022, Việt Nam đang đứng ở vị trí nhà cung ứng hàng hóa ngoại khối lớn thứ 12 cho EU.

2. Hoa Kỳ

Tăng trưởng GDP: Theo báo cáo mới nhất ngày 27/10/2022 của Cục Phân tích kinh tế (BEA), Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nền kinh tế Hoa Kỳ tăng 2,6% trong quý III của năm 2022

          Sự gia tăng GDP thực tế phản ánh sự gia tăng trong xuất khẩu, chi tiêu tiêu dùng, đầu tư cố định, chi tiêu của chính phủ liên bang và chi tiêu của chính quyền địa phương và tiểu bang.

Vấn đề lạm phát: Lạm phát tháng 9 năm 2022 của Hoa Kỳ tăng cao hơn dự báo bất chấp việc tăng lãi suất quyết liệt của FED. Theo báo cáo của Bộ Lao động Hoa Kỳ, giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ đã tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 9 và tạo thêm áp lực lên nền kinh tế Hoa Kỳ. Chỉ số lạm phát vượt dự báo đã làm chao đảo các thị trường tài chính. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước (cao hơn mức dự báo của của Dow Jones là 0,3%). Tính trên cơ sở 12 tháng, lạm phát tổng thể tăng 8,2% trong tháng 9, vẫn xấp xỉ mức cao nhất kể từ năm 1980. Ngoại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động, trong tháng 9 CPI cốt lõi tăng 0,6% và tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ tháng 8 năm 1982.

Trong tháng 9, chỉ số giá lương thực tăng 0,8%, bằng với tháng 8 và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó giá năng lượng giảm 2,1%, bao gồm cả giá xăng giảm 4,9%. Chi phí nhà ở, chiếm khoảng 1/3 CPI, tăng 0,7% và tăng 6,6% so với một năm trước. Dịch vụ vận tải cũng tăng 1,9% so với tháng 8 và 14,6% cùng kỳ. Đà tăng của giá cả hàng hóa là một tin xấu cho người lao động vì thu nhập trung bình mỗi giờ giảm 0,1% so với tháng trước (nếu điều chỉnh lạm phát) và giảm 3% so với cùng kỳ.

Lạm phát vẫn đang gia tăng bất chấp những nỗ lực tích cực của Fed nhằm kiểm soát việc tăng giá. Dữ liệu lạm phát tháng 9 càng củng cố thêm cho khả năng Fed sẽ tăng 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp trong phiên họp ngày 1-2/11/2022.

Lao động: Thị trường lao động Hoa Kỳ diễn biến khá tích cực. Theo báo cáo mới nhất công bố ngày 7 tháng 10 của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, tổng số việc làm trong biên chế phi nông nghiệp tăng 263.000 trong tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5% (bằng với mức của tháng 7) và số người thất nghiệp giảm xuống 5,8 triệu. Số lượng công việc tăng chủ yếu trong các lĩnh vực giải trí, khách sạn và trong chăm sóc sức khỏe.

Thâm hụt ngân sách: Thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ trong năm tài khóa 2022 giảm xuống mức 1.4 nghìn tỷ USD. Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Hạ viện (CBO), thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ trong năm tài khóa 2022 (kết thúc vào ngày 30/9/2022) là khoảng 1,4 nghìn tỷ USD, chỉ bằng một nửa so với mức thâm hụt gần 2,8 nghìn tỷ USD năm 2021. Theo CBO, tổng thu ngân sách trong năm tài khóa 2022 là 4,9 nghìn tỷ USD, tăng 21% so với năm ngoái; trong khi tổng chi ngân sách là 6,3 nghìn tỷ USD, giảm 8% so với năm trước.

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ

In bài Share