Doanh nghiệp 360

Phân tích tình hình XK mặt hàng dệt may - da giày

19.09.2022

Phân tích tình hình XK hàng dệt may - da giày sang khu vực Âu- Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2022

Xuất khẩu mặt hàng Dệt may

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may và các sản phẩm liên quan của Việt Nam vào các thị trường khu vực Âu-Mỹ tính đến hết tháng 6 năm 2022 đạt 13,5 tỷ USD, tăng 25,9 % so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may đạt 12,8 tỷ USD, tăng 25,8%; Xuât khẩu nguyên phụ liệu dệt, may và da, giày đạt khoảng 232 triệu USD, tăng 15,3 %; Xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi dệt các loại đạt 258 triệu USD, tăng 34,3 %; xuất khẩu mặt hàng vải mành, vải kỹ thuật khác đạt 196 triệu USD, tăng 36,7%.

Xuất khẩu hàng dệt may và các sản phẩm liên quan sang khu vực châu Âu – châu Mỹ hiện đang chiếm khoảng 59% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam ra thế giới. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 42%, EU chiếm 10%.


Khu vực châu Mỹ, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đối với các mặt hàng thuộc ngành hàng dệt may với kim ngạch khoảng 9,6 tỷ USD, tăng trưởng 23,3 % so với cùng kỳ bên cạnh đó phải kể đến là Canada với kim ngạch khoảng 671 triệu, tăng trưởng 49,2 % và Chile với kim ngạch 85,3 triệu USD tăng trưởng 47,5 %. Các thị trường Mỹ La tinh ngoại trừ Brazil, Chile và Mexico, Colombia có kim ngạch xuất khẩu khoảng từ 46 đến hơn 83 triệu triệu USD còn lại đa số có kim ngạch thấp và tăng trưởng không cao.

Khu vực châu Âu, thị trường EU27 sau 6 tháng năm 2022 đạt khoảng 2,26 tỷ USD, tăng 37,3 % so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường tại châu Âu có kim ngạch không cao (dưới 50 triệu USD) tuy nhiên lại có tăng trưởng ấn tượng là Đan Mạch (hơn 73%), Rumani (gần 91,6%), Tây Ban Nha (gần 58.9%) so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó vẫn là các thị trường có tăng trưởng tốt và kim ngạch cao thời gian gần đây như: Đức (567,25 triệu USD, tăng 40,2%), Hà Lan (497,73 triệu USD, tăng 49,3%), Pháp (322,67 triệu USD, tăng 26,6%), Bỉ (243,6 triệu USD, tăng 24%), Italia (218 triệu USD, tăng 27,4 %), Nga (116,7 triệu USD, giảm 40%).

2.2. Đánh giá và dự báo

Có thể nhận thấy rõ việc các doanh nghiệp (DN) dệt may từng bước phục hồi sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khi giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt khoảng 22,9 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc, vải, xơ sợi, phụ liệu dệt may, vải không dệt. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu dệt may 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 13,4 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả trên, toàn ngành dệt may xuất siêu khoảng 9 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng khoảng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, đây là nỗ lực lớn của các DN dệt may Việt Nam.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trước tháng 6 tình hình xuất khẩu dệt may tương đối tốt, nhưng tới tháng 6 bắt đầu xuất hiện khó khăn khi nhu cầu tiêu thụ dệt may trên toàn cầu sụt giảm. Kinh tế Hoa Kỳ suy giảm, lượng tồn kho lớn; sức mua của thị trường EU cũng giảm, dự đoán gây ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu dệt may Việt Nam trong giai đoạn 6 tháng còn lại. Khảo sát, đánh giá của các nhà bán hàng, tổ chức quốc tế cho thấy, tại thị trường Hoa Kỳ, lạm phát cao khiến người dân hạn chế chi tiêu đáng kể, trong đó may mặc là mặt hàng được cắt giảm chi tiêu nhiều nhất. Đặc biệt, việc đồng euro mất giá sẽ làm giá thành hàng hóa lên cao. Trong bối cảnh người dân EU đang thắt chặt chi tiêu đã gây khó khăn cho các nước xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này, chứ không riêng với ngành dệt may Việt Nam.

Ngoài ra, nguy cơ tái bùng phát dịch vẫn hiện hữu. Nhiều thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam. Cùng với đó là tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà DN dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.

Một vấn đề đáng lưu ý là thị trường EU đã đưa ra chính sách sử dụng sản phẩm tái chế đối với sản phẩm dệt may. Ngoài ra, giá nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu liên tục tăng cao làm cho chi phí của DN dệt may tăng khoảng 20-25% cũng gây khó khăn không nhỏ cho ngành trong thời gian tới.

Xuất khẩu mặt hàng Da giày, Túi xách

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng da giày và túi xách của Việt Nam vào các thị trường khu vực Âu - Mỹ tính đến hết tháng 6 năm 2022 đạt 10,7 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Mặt hàng da giày tăng trưởng tích cực với kim ngạch đạt khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 20%; ngành hàng túi xách tăng trưởng khá tốt với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD tăng 26%.

Da giày 

Ngoại trừ Nga (nước nhập khẩu giày da chính trong khối EAEU) có kim ngạch nhập khẩu giảm 54,4 %, đạt khoảng 39 triệu USD, nhìn chung kim ngạch xuất khẩu da giầy sang thị trường chủ lực khu vực châu Âu và châu Mỹ đều tăng trưởng tốt. Trong 6 tháng năm 2022, các thị trường chủ lực ở châu Âu, châu Mỹ có kim ngạch xuất khẩu cao trên 100 triệu USD và tăng trưởng so với cùng kỳ 2022 ở mức hai con số như:

- Khu vực châu Mỹ : Hoa Kỳ (với kim ngạch chiếm vẫn chiếm gần một nửa khu vực Âu Mỹ đạt 5 tỷ USD và tăng trưởng 23,2 %), Canada (293,8 triệu tăng trưởng 37,8 %), Mexico (182,4 triệu USD tăng trưởng 7%). Các nước Mỹ la-tinh khác, ngoại trừ Chi lê và Brazil giá trị xuất khẩu trong khoảng 100 triệu USD (tăng trưởng cao nhất là 18,2%), còn lại các nước khác trong khu vực này giá trị xuất khẩu ở mức khiêm tốn hơn, dưới 100 triệu USD với tăng trưởng từ 7% đến hơn 59%.

- Khu vực châu Âu: Bỉ (810 triệu USD, tăng 22 %), Đức (649 triệu USD, tăng 22 %), Hà Lan (510 triệu USD, tăng 17,8 %), Anh (357,3 triệu USD, tăng 11,1 %), Pháp (311 triệu USD tăng 11,2%), Italia (199,9 triệu USD, tăng 21,7 %), Tây Ban Nha (142 triệu USD, tăng 18,4 %).

Về tỷ trọng thị trường xuất khẩu, trong 6 tháng năm 2022, khu vực Âu – Mỹ với các thị trường trọng điểm là Hoa Kỳ và EU vẫn chiếm đa số trong tổng kim ngạch xuất khẩu của da giày Việt Nam ra thế giới, ở mức 78%. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 43 %, tăng 3% tỷ trọng, trong khi thị trường EU27 chiếm 24 %, tăng trưởng gần như không đổi với cùng kỳ năm trước.

Túi xách

Đối với ngành túi xách, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng sang thị trường chủ lực đến hết tháng 6 năm 2022 có tăng rất tốt ở thị trường Hoa Kỳ (đạt gần 1 tỷ USD, tăng 27,7 %); tăng nhẹ ở thị trường các nước EU27 (đạt 452 triệu USD, tăng 4 %). Bên cạnh đó, Anh là thị trường có FTA với Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương, nhưng kim ngạch xuất khẩu không quá cao (đạt 53,8 triệu USD, tăng 10,5 %).

Trong khối EU27, ngoại trừ Ba Lan kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ (đạt 6.7m giảm 5.6%), kim ngạch tăng trưởng rất tốt ở ngành hàng này ở các nước khác như Pháp (đạt 63,4 triệu USD, tăng 11,3 %), Italia (đạt 49,5 triệu USD tăng 8,2 %); Hà Lan (đạt 137 triệu USD tăng 35,8%), Đức (đạt 98,4 triệu USD tăng 9,6%), Đan Mạch, Séc, Tây Ban Nha, Thụy Điển có kim ngạch tăng trưởng tốt (từ 4,7 % đến 61%) tuy nhiên giá trị xuất khẩu không lớn (dưới 16,5 triệu USD).

Trong khi đó, ngoại trừ Chi-lê kim gạch giảm 1,4% (đạt 2,96 triệu USD), các thị trường CPTPP tại châu Mỹ đều ghi nhận mức tăng trưởng khá, cụ thể : thị trường Mexico tăng 15,9% (đạt 7 triệu USD) thị trường Canada (đạt 88,9 triệu USD, tăng 111,1 %), Peru (2,47 triệu USD tăng 17,6%).

Đánh giá và dự báo: Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách trong 6 tháng của Việt Nam năm 2022 đạt trên 10 tỷ USD, tăng 20,9 % so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam tăng gần như liên tục qua các năm, đây là một tín hiệu tốt. Nước ta đã tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19 ở mức cao (thuộc “top” đầu thế giới) nên hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu giày dép nói riêng có thêm trợ lực để tăng trưởng xuất khẩu. Do đó với mức tăng trưởng như hiện nay cùng các điều kiện thuận lợi, kỳ vọng xuất khẩu toàn ngành năm 2022 đạt 23-25 tỷ USD, tăng 10-15% so với năm 2021 là khả thi.

Kim ngạch xuất khẩu giày dép của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm tới 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành giày dép. Ngành giày dép thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài nhờ lợi thế nguồn lao động đông đảo, giá nhân công rẻ so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, ngành giày dép trong nước đã tận dụng tốt ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu. Điển hình như, giày dép có tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo FTA trong năm 2021 khá cao, chiếm 95,92% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam là 9,25 tỷ USD. Thậm chí, đối với một số thị trường, tỷ lệ này đạt 100%, tức là 100% các lô hàng xuất khẩu đều sử dụng C/O ưu đãi. Tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam.

 Tuy có nhiều thuận lợi như vậy nhưng theo Hiệp hội da giầy Việt Nam, cơ hội gia tăng xuất khẩu, cải thiện tăng trưởng của da giày Việt Nam trong năm 2022 là có nhưng không dễ. Chi phí nguyên liệu đầu vào, logistics tăng quá cao đang là rào cản lớn khiến nhà nhập khẩu có thể dịch chuyển đơn hàng sản xuất về gần thị trường tiêu thụ nhằm giảm chi phí.

Với việc tận dụng tốt thế mạnh từ các Hiệp định FTA trong xuất khẩu, ngành da giày cũng cần được tạo điều kiện để tận dụng những cơ hội trong nhập khẩu nguyên phụ liệu từ quốc gia tham gia Hiệp định. Đặc biệt như thị trường EU có những nguồn nguyên phụ liệu giá trị cao để sản xuất các mặt hàng giày dép ở mức độ cao hơn, cũng như có thể nhập khẩu được những công nghệ thiết bị mới để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trong thời gian tới. Việc ra đời thêm các quy định mới (Đức sẽ ra đạo luật về thẩm định nghĩa vụ doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2023 hay EU cũng sắp ra đạo luật áp dụng đánh thuế carbon đối với các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường EU).Với những đạo luật này sẽ tác động rất lớn đến chuỗi sản xuất của ngành da giày khi xuất khẩu vào thị trường EU. Do đó dự đoán cũng sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc sản xuất mặt hàng này của các doanh nghiệp sản xuất nói riêng và kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nói chung tới khu vực này.

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ
 

In bài Share