Nhiều chương trình xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao, mở rộng đầu ra cho hàng Việt

06.10.2023

6 tháng đầu năm 2023, công tác xúc tiến thương mại được triển khai linh hoạt, trọng tâm vào những ngành hàng thế mạnh giúp mở rộng đầu ra cho hàng Việt.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm ngành Công Thương, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại đã tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp triển khai các giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Với nỗ lực đó, nhiều hoạt động do Cục Xúc tiến thương mại triển khai đã đạt hiệu quả cao.

Kích cầu tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường ngoài nước

Cụ thể, với nội dung thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu thị trường trong nước: Các hoạt động được tập trung vào nội dung: Tổ chức hội chợ Công Thương, hội chợ thương mại - du lịch, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP cấp vùng đã được triển khai tại các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, Trung, Nam giúp doanh nghiệp tại các địa phương gặp gỡ giao thương, quảng bá hình ảnh, tiềm năng sản xuất, thương mại, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Đồng thời, góp phần thúc đẩy hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch giữa các vùng kinh tế trên cả nước.

Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức thành công chuỗi Chương trình kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp địa phương với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại với quy mô lớn tại 2 khu vực Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam dự kiến tổ chức trong tháng 7.

Xúc tiến thương mại mở rộng đầu ra cho hàng Việt
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương

Theo thống kê sơ bộ, chương trình thu hút 58 địa phương và 550 doanh nghiệp trưng bày, kết nối giao thương trực tiếp với các nhà phân phối, hệ thống siêu thị trong nước và 50 cặp giao thương trực tuyến với khách hàng quốc tế tại Hàn Quốc, Hà Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, UAE…”, ông Vũ Bá Phú thông tin.

Nội dung nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Cục tăng cường truyền thông, quảng bá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam. Xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới. Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, đây là hoạt động quan trọng góp phần hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhập khẩu dây chuyền công nghệ nhất là công nghệ nguồn của các nước phát triển như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Nửa đầu năm 2023 Cục đã tập trung thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ; giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống; thực hiện hiệu quả hiệp định thương mại tự do đã ký kết; tiếp tục mở rộng các thị trường mới, tiềm năng... Các hoạt động này đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh khó khăn.

Trong nội dung này, thông qua Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Cục đã hỗ trợ hơn 1.600 lượt doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại trực tiếp. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp đạt được các thỏa thuận ban đầu với đối tác nhập khẩu, ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, các biên bản ghi nhớ có giá trị thông qua việc tham gia hội chợ quốc tế.

Đặc biệt, các đề án tham gia triển lãm, giao thương tại Trung Quốc đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận "thị trường tỷ dân" bài bản hơn. Từ đó chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch, xây dựng kế hoạch xuất khẩu bền vững.

Cầu nối thông tin giữa doanh nghiệp với Thương vụ

Tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú cũng khẳng định: Nội dung tổ chức các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ hàng tháng đã giúp tạo ra một kênh trực tiếp, hiệu quả trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương tiếp cận thị trường, triển khai xúc tiến xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao vị thế, vai trò của hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp phát triển xuất khẩu.

Trong nửa đầu năm 2023, 6 Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã được thực hiện theo các chuyên đề tổng hợp về thị trường toàn cầu, các chuyên đề chuyên sâu theo nhóm thị trường châu Phi - Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương và theo nhóm ngành hàng xuất khẩu.

Tại các hội nghị, Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài đã cung cấp gần 300 báo cáo và tham gia gần 50 tham luận thông tin cập nhật về tình hình thị trường sở tại, đánh giá các cơ hội cũng như những rủi ro, thách thức đối với hoạt động xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại với Việt Nam, định hướng xu hướng phát triển xuất khẩu mới, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp thiết thực, hữu ích góp phần cải thiện thương mại Việt Nam với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm.

Xúc tiến thương mại mở rộng đầu ra cho hàng Việt
Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

Trong nửa đầu năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã phối hợp thực hiện 30 Chương trình “Nhịp cầu Thương vụ”, phát sóng vào 8h25 sáng thứ 7 hàng tuần trên kênh VTV1.

Các chương trình đã thể hiện vai trò kênh truyền tải thông tin mới hữu hiệu, cung cấp những nội dung thời sự với các số liệu cập nhật, hình ảnh trực quan sinh động về tình hình nguồn cung và hoạt động thương mại của một số mặt hàng xuất khẩu tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, cũng như các nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu, xu hướng và cơ hội mới nổi của các thị trường xuất khẩu.

Cho đến nay, chương trình đã chứng tỏ là nhịp cầu giá trị, có sự kết nối chủ động, thường xuyên giữa các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Giúp các cơ quan và doanh nghiệp nắm bắt nhanh tình hình thị trường ngoài nước từ các nguồn thông tin chính thống, cũng như những khuyến nghị quan trọng từ kinh nghiệm thực tiễn và sự am hiểu sâu rộng thị trường bản địa của các Thương vụ. Thông qua đó, các cơ quan, doanh nghiệp có cơ sở nghiên cứu điều chỉnh chính sách, kế hoạch sản xuất sao cho phù hợp nhằm thích nghi thị trường, đáp ứng các yêu cầu mới nổi của thị trường xuất khẩu, giảm rủi ro trong xuất nhập khẩu.

Đồng hành cùng ngành hoàn thành mục tiêu được giao

Tại Hội nghị, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng cho biết, nhiệm vụ nửa cuối năm 2023 của ngành Công Thương rất nặng nề, Cục tiếp tục “cộng lực” cùng các đơn vị thuộc Bộ để hoàn thành.

Trong đó, Cục sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, khai thác hiệu quả hiệp định thương mại tự do, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước thông qua đoàn giao thương, hội chợ triển lãm, hội nghị quốc tế, tư vấn thị trường, kết nối nhà cung ứng với nhà nhập khẩu, nhà phân phối... bằng các hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.

Trực tiếp triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại có tính lan tỏa rộng và duy trì sự hiện diện của Việt Nam trên các sân chơi lớn phù hợp với tình hình thực tế của thị trường; hội nghị giao ban với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; hội nghị giới thiệu, quảng bá tiềm năng đầu tư, thương mại với các cơ quan ngoại giao, đại diện thương mại và tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài...

Bên cạnh đó, phát triển và quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam thông qua việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng xuất khẩu, các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trên các phương tiện truyền thông, tại các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư và các sự kiện ngoại giao, văn hóa lớn ở trong nước và nước ngoài.

Ngoài ra, Cục cũng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.

Để hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chặt chẽ hơn nữa, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng đề nghị: Các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tích cực, trách nhiệm với các chương trình Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại, Nhịp cầu Thương vụ; tư vấn triển khai hiệu quả các chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thị trường xuất khẩu ở địa bàn sở tại trong 6 tháng cuối năm 2023 cũng như trong trung và dài hạn; tiếp tục làm tốt công tác phối hợp cung cấp thông tin, kết nối đối tác xuất nhập khẩu và đầu tư giữa Việt Nam và nước ngoài.

"Các địa phương, hiệp hội ngành hàng chia sẻ thông tin về tình hình, nhu cầu, yêu cầu xuất nhập khẩu của địa phương ngành hàng, các đề xuất cụ thể cần sự phối hợp, hỗ trợ của từng Thương vụ tại từng thị trường cụ thể thông qua chuỗi chương trình Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam định kỳ hàng tháng; chuyển tải các thông tin hữu ích từ chuỗi chương trình do các Thương vụ cung cấp tới các tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp tại địa phương/hiệp hội", ông Vũ Bá Phú cũng đồng thời đề nghị.

 

 

Hữu Hưng

In bài Share