Hàng Việt vẫn khó vào siêu thị ngoại
Nhiều hệ thống siêu thị của nước ngoài như Walmart, Aeon, Lotte, Central... đang có nhu cầu rất lớn hàng VN, nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp (DN) Việt tận dụng được cơ hội này.
Hàng Việt Nam được giới thiệu tại tuần lễ hàng Việt ở Aeon - Nhật Bản - Ảnh: MINH ĐỨC
Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp VN tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020", do Bộ Công thương tổ chức ngày 17-12.
Đại diện siêu thị Aeon tại VN cho hay hệ thống này nhập hơn 250 triệu USD hàng dệt may mỗi năm, trong đó dệt may chiếm tới 60% các sản phẩm được nhập vào hệ thống. Tuy vậy, điểm đáng tiếc là hơn 60% nguyên liệu vải may phải nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
"Ở Malaysia hay Nhật Bản, sản phẩm may mặc của VN rất được yêu thích. Nếu hình thành hệ thống sản xuất ngay từ đầu, hoàn thiện các khâu và quy trình sản xuất, VN sẽ là quốc gia mạnh trong lĩnh vực này", vị này nói.
Ông Vince Trần - trưởng phòng cấp cao II, bộ phận phát triển ngành Công ty TNHH dịch vụ WMGS VN (đại diện Walmart ở VN) - cho biết đã ký kết với nhiều nhà cung ứng may mặc từ VN vào hệ thống Walmart, nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào có "quốc tịch VN" ký hợp đồng trực tiếp, mà chỉ có vài ba DN là nhà cung ứng qua trung gian, do DN mới chỉ biết bán cái mình có chứ chưa bán sản phẩm mà khách hàng cần.
"Rất ít DN VN có sản xuất chuyên nghiệp, thường giới thiệu nhiều sản phẩm cùng lúc, nhưng sản lượng lại không nhiều, nên độ chuyên nghiệp không cao" - ông Vince Trần nói. Theo bà Hoàng Ngọc Ánh - tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN, các DN gặp khó khi xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống siêu thị nước ngoài do chưa chủ động kết nối, chưa kể chưa đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ về nguyên liệu, thiết kế... do nhà phân phối đưa ra.
Sức cạnh tranh kém do phí vận chuyển
Theo ông Ma Jung Uk - giám đốc Lotte Mart tại Hà Nội, nhiều mặt hàng mà VN có thế mạnh như hàng tươi sống, hoa quả, thủy sản... được người tiêu dùng Hàn Quốc đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.
Do đó, hệ thống này đang lên kế hoạch tăng sản lượng xuất khẩu sang Hàn Quốc vào năm sau. Tuy nhiên, khó khăn là năng lực sản xuất liên tục, lâu dài của nhà cung cấp, nhất là với hàng phi thực phẩm. Hơn nữa, chi phí vận chuyển hàng hóa VN đang cao hơn Thái Lan 1 USD/kg nên kém sức cạnh tranh hơn.
Thái Sơn