Hàng Việt trầy trật vào siêu thị, vào rồi lại... muốn ra
Không chỉ khó đưa hàng vào siêu thị, nhiều trường hợp vào được nhưng chỉ thời gian ngắn lại muốn ra do "khó sống". Khó khăn này khiến nhiều nhà cung cấp lo hàng Việt mất vị thế so với hàng ngoại.
Dù là đặc sản nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn khó đưa hàng vào siêu thị - Ảnh: N.TRÍ
Trong khi đó, các siêu thị cho rằng luôn tạo mọi điều kiện cho nhà cung cấp, đặc biệt hàng OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và hàng Việt.
Nhiều nhà cung cấp "ngại" siêu thị
Đại diện Công ty Hoàng Phú (Bình Phước) cho biết hoạt động nhiều năm với nhiều sản phẩm chế biến từ hạt điều, nhưng đơn vị quyết định không vào kênh siêu thị do không chịu được mức chiết khấu cao (thường 15 - 25%) và nhiều thủ tục pháp lý. Do đó, đơn vị chọn các cửa hàng nhỏ, điểm bán đặc sản, nông sản sạch...
Trong khi đó, với mặt hàng trái cây, ông Dụng Quý Đông - chủ trang trại Quý Đông (Bình Phước) - cho hay dù trầy trật mới vào được siêu thị nhưng vào được thời gian thì đơn vị đã chọn "nghỉ chơi" vì không hiệu quả và chịu sự cạnh tranh không lành mạnh giữa nhiều nhóm hàng, trong đó có hàng của chính siêu thị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đình Dũng - đại diện Công ty Dasa Thảo Mộc (TP.HCM) - cho biết với sản phẩm tỏi Lý Sơn, đơn vị thuận lợi đưa hàng vào bán tại hai hệ thống cửa hàng tiện lợi, nhưng chỉ được thời gian lại chủ động ngưng.
Trong khi cần đưa hàng vào hệ thống siêu thị lớn để làm thương hiệu sản phẩm thì nhiều đơn vị không cho với lý do "đã có hàng cùng loại rồi" hoặc đòi hỏi nhiều điều kiện.
Theo ông Dũng, việc tạm ngưng bỏ hàng vào kênh cửa hàng tiện lợi chủ yếu do vận chuyển xa, công nợ để lâu (45 - 60 ngày) và phải chiết khấu cho đơn vị bán lẻ 15 - 20%, thậm chí 25% với sản phẩm chế biến sâu như tỏi đen, trong khi doanh số bán lại không hiệu quả.
"Là doanh nghiệp quy mô nhỏ, công nợ lại để lâu rất khó sản xuất, mua hàng. Nên tôi chỉ bán qua mạng, cửa hàng nhỏ hoặc đi các chương trình hội chợ", ông Dũng nói.
Nhiều doanh nghiệp cho biết việc đưa hàng vào hệ thống siêu thị là cần thiết, ngoài gia tăng doanh số còn có thể giúp nâng cao và quảng bá thương hiệu tốt hơn, tuy nhiên gắn bó lâu dài hay không phụ thuộc nhiều yếu tố.
Do nhà cung cấp chưa có được sản phẩm tốt?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một hệ thống siêu thị tại TP.HCM cho biết không phân biệt đối xử với bất cứ thương hiệu nào nhưng sẽ ưu tiên chọn những doanh nghiệp có thương hiệu, xây dựng tốt giá trị nội tại sản phẩm như về bao bì, chất lượng...
Hoặc chí ít phải có "câu chuyện" riêng, sự khác biệt. Sản phẩm nước ngoài vào siêu thị dễ cho lên kệ vì đáp ứng được các tiêu chí.
"Xây dựng tốt giá trị nội tại, bán lẻ sẽ ưu tiên ngay, thậm chí phải nhập hàng cho bằng được để kéo khách đến siêu thị. Còn nếu siêu thị đang bán 1.000 loại nước mắm, nhập thêm một loại tương tự thành 1.001 thì chúng tôi không mặn mà vì đưa vào thêm chỉ làm chật không gian chứ không hiệu quả", vị này chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quách Nhi - giám đốc ngành hàng thực phẩm tiêu dùng Tiki - cho biết nhờ không giới hạn không gian, sàn không quy định giá cả, ngon dở... nên cứ đầy đủ pháp lý theo yêu cầu là nhà cung cấp được đưa hàng lên bán, phát sinh đơn hàng thì mới chia chiết khấu cho sàn.
Tuy nhiên, những sản phẩm xây dựng được thương hiệu tốt từ bao bì, chất lượng đến giá cả... sẽ rất dễ bán được hàng.
"Doanh nghiệp cần định hướng về sản phẩm, thị trường như khách hàng là ai, bán ở đâu, giá như thế nào, có khác biệt gì so với sản phẩm cùng loại..." - ông Nhi nói và cho hay có một thương hiệu nước mắm tại Phan Thiết nhờ xây dựng được các yếu tố nội tại nên khi đưa lên sàn Tiki bán doanh số tăng nhanh, đạt hơn 10 tỉ đồng/năm.
Khắc nghiệt
Trong khi đó, với hàng trăm điểm bán trên cả nước, đại diện một hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam cho biết nếu đạt doanh số đề ra của đơn vị, thương hiệu sẽ được ở lại trên kệ, còn không trong ba tháng phải đưa hàng rời kệ. Và khi rời kệ dễ khiến nhà cung cấp chịu thua lỗ do tốn nhiều chi phí đưa vào và dọn ra.
"Diện tích có giới hạn, lại phải chia nhỏ xuống cho hàng trăm ngành hàng nên mỗi ngành hàng chỉ được một khoảng không gian nhỏ.
Do đó, chúng tôi không thể ôm hết hàng vào bán mà phải có điều kiện đặt ra, có tỉ lệ chọi" - vị này lý giải và cho biết thêm một mặt bằng, vị trí trưng bày đồng nghĩa là tiền, các doanh nghiệp muốn hiện diện ở vị trí tốt phải trả thêm tiền cho siêu thị.
Ông Nguyễn Hoàng Bình (chủ một cửa hàng đặc sản tại TP.HCM):
Hàng Việt lo mất vị thế trước hàng ngoại
Hiện nhiều hệ thống siêu thị như GO!, MM Mega Market, thậm chí là siêu thị thương hiệu Việt Nam như Co.opmart... trưng bán ngày càng nhiều sản phẩm thực phẩm, trái cây, đồ gia dụng nhập ngoại.
Nếu doanh nghiệp Việt khó đưa hàng vào siêu thị, thêm việc nhiều hệ thống bán lẻ đã được nước ngoài mua lại và phát triển mạnh mẽ, nhiều phân khúc hàng Việt có nguy cơ thua trên sân nhà.
Cần có gian hàng riêng cho sản phẩm OCOP
Bà Nguyễn Ngọc Hương - phó giám đốc Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt (TP.HCM) - cho biết với sản phẩm bột rau sấy lạnh được cấp tiêu chuẩn OCOP bốn sao và được TP hỗ trợ nhiều trong việc kết nối nhưng đơn vị cũng trầy vi tróc vảy trong nhiều tháng mới đưa hàng vào được một hệ thống siêu thị.
Còn hai hệ thống khác chỉ đang xúc tiến, nhưng mỗi lần đi xúc tiến phải làm lại bộ hồ sơ khác mất nhiều thời gian do tiêu chí mỗi siêu thị mỗi khác.
Theo bà Hương, ngoài áp lực phải đồng hành với chính sách khuyến mãi nhiều thời điểm tới 40% của siêu thị và mức chiết khấu 10 - 15%, đơn vị chịu nhiều chi phí khác như phải trả siêu thị 1,5 triệu đồng/ngày/người khi nhân viên bưng mâm giới thiệu sản phẩm...
"Quy mô sản xuất hàng OCOP thường nhỏ, thương hiệu chưa có. Do đó, các đơn vị bán lẻ cần đồng hành dài hơn hoặc xem xét có gian hàng riêng trưng bán hàng OCOP với các ưu đãi", bà Hương kiến nghị.