Tin tức

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài

30.08.2022

Ngày 30/8/2022, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2022”. Đây là sự kiện thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước” được thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Tham gia “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2022” gồm hơn 300 đại biểu là các cơ quan, doanh nghiệp, trong đó có hơn 50 Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Mục tiêu của chuỗi Hội nghị là giúp hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật kịp thời yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và ngược lại; đồng thời tạo diễn đàn phổ biến thông tin, chính sách mới, cơ hội thị trường từ hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam trên toàn cầu.


Phát biểu tại Hội nghị của ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong 8 tháng đầu năm các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng trong Bộ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp trong nước và tại địa bàn phụ trách.

Chương trình Hội nghị kỳ tháng 8/2022 bao gồm 2 phiên chính. Phiên 1 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, Ấn Độ, Pakistan, Chile thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây. Phiên 2 dành cho đại diện các địa phương, hiệp hội thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.

Tại hội nghị là các tham tán thương mại đã cập nhật tình hình thị trường sở tại, chính sách mới, và dự báo tình hình, kiến nghị nhằm đưa sản phẩm hàng hoá Việt Nam đi xa và hiện diện vững chắc tại các thị trường.

Ông Vũ Chiến Thắng – Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho biết, hiện tại Việt Nam đã vươn lên là một trong những thị trường có thị phần và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất khu vực Châu Á sang Tây Ban Nha, chỉ xếp sau Trung Quốc, đứng ngang hàng với Hồng Kông, và xếp trên cả Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, hàng Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn tại thị trường Tây Ban Nha do sự gia tăng cao chi phí logistics, vận tải và kho vận, nhất là trước các nước đối thủ khu vực châu Mỹ La tin và Bắc Phi (nơi có ưu thế về địa lý, chi phí/thời gian vận chuyển hàng hóa và quan hệ truyền thống đặc biệt với cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha đông đảo).

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết: Nhiều yếu tố bất lợi làm gia tăng áp lực lạm phát và suy thoái kinh tế, buộc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ phải tăng lãi suất đồng USD, đồng thời, ban hành nhiều chính sách hạn chế nhập khẩu nhằm giảm thâm hụt thương mại, khuyến khích sản xuất nội địa tác động trực tiếp và gián tiếp đến hàng hoá Việt Nam; việc gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa của Việt Nam cũng như chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường dẫn đến bất lợi lớn trong các vụ việc điều tra PVTM.

Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đấu tranh bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về các vụ kiện PVTM.

Ông Đỗ Ngọc Hưng cũng đề nghị các hiệp hội, ngành hàng cần đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thể thay thế trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung từ chuỗi cung ứng toàn cầu như mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng, sắt thép; tiếp tục làm việc và đề nghị phía Mỹ mở cửa thị trường thêm cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam, ngoài 6 loại hoa quả tươi hiện nay là vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa, xoài, thì còn có các mặt hàng có thế mạnh như sầu riêng, chanh leo, bơ, dừa, măng tây...

Về phía các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cũng đã đưa ra những kiến nghị đề xuất các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị các Thương vụ cập nhật thông tin và tư vấn về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp gỗ, đặc biệt là thị trường Mỹ. Vận động để các phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ không gây thiệt hại quá lớn cho doanh nghiệp Việt. Bên cạnh đó, tăng cường kết nối doanh nghiệp gỗ Việt – Nga và tư vấn và trợ giúp doanh nghiệp hai bên ký kết hợp đồng, thanh toán và vận chuyển sản phẩm gỗ.

8 tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều biến động phức tạp, khó lường từ dịch bệnh đến những bất ổn địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát gia tăng ở hầu hết các quốc gia, đối tác kinh tế lớn… Nền kinh tế của nước ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, cùng với những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế – xã hội 8 tháng đầu năm 2022 của nước ta hồi phục nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, và giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).

Có thể khẳng định, trong thành tích xuất nhập khẩu có sự đóng góp của hoạt động xúc tiến thương mại với sự tích cực, nỗ lực của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc chủ động nghiên cứu, đánh giá thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.


Tuy nhiên, hiện nay các nền kinh tế lớn, đặc biệt là kinh tế Mỹ, suy giảm tăng trưởng có thể ảnh hưởng sự tăng trưởng của kinh tế thế giới. Ở góc độ nhiệm vụ xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương, thực trạng này đang đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất để các bên có thể cập nhật nhanh nhất thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Chuỗi giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài là một trong những giải pháp để phát huy và khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tế trên.

Theo ông Vũ Bá Phú, trong hội nghị hôm nay cũng như trong các hội nghị định kỳ hàng tháng tiếp theo, các địa phương, Hiệp hội ngành hàng tiếp tục nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xúc tiến xuất, nhập khẩu đối với các mặt hàng, ở các thị trường cụ thể, đồng thời đề xuất nhu cầu cần sự hỗ trợ, hướng dẫn tới đích danh từng cơ quan Thương vụ liên quan trong thời gian trước mắt.

 

Nguồn:Cục Xúc tiến thương mại

 


 

In bài Share