Tin tức

Đặc điểm tiêu dùng và cách tiếp cận các nhóm khách hàng mục tiêu tại Nhật Bản

30.10.2020

Người tiêu dùng Nhật Bản từ lâu đã có xu hướng thích tiêu dùng hàng hóa có chất lượng hơn là các sản phẩm đại trà. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế đã khiến nhiều người tiêu dùng tìm đến các sản phẩm giá rẻ hơn, chỉ cần có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ.

Đặc điểm các nhóm người tiêu dùng của Nhật Bản

Dân số Nhật Bản là dân số già nhất trên thế giới, với độ tuổi trung bình là 48,4 tuổi vào năm 2020. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, khoảng 12,6% dân số dưới 14 tuổi, 59,4% từ 15 đến 64 tuổi. và 28% trên 65 tuổi.

Dân số đang giảm (giảm 0,3% vào năm 2019). Số nhân khẩu trên một hộ gia đình cũng giảm liên tục và đạt trung bình 2,3 nhân khẩu/gia đình vào năm 2019,  số lượng hộ gia đình sẽ tiếp tục tăng mặc dù dân số giảm bởi số hộ gia đình chỉ có một người đang tăng lên và chiếm gần 35%.  Khoảng 60% hộ gia đình là các cặp vợ chồng (có hoặc không có con). Cơ cấu dân số theo giới của Nhật Bản là 51,2% phụ nữ và 48,8% nam giới.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất và 91,8% dân số là thành thị. Tokyo, tiếp theo là Kanagawa, Osaka, Aichi và Saitama, chiếm 36,4% dân số.

Trình độ dân trí cao, hầu hết dân số đều có trình độ trung học cơ sở. Năm 2019, 62% thanh niên 25-34 tuổi có bằng đại học ở Nhật Bản so với mức trung bình 45% ở các nước OECD.

Khoảng 1/5 lực lượng lao động bao gồm nhân viên văn phòng, 17%  là chuyên gia và kỹ sư, 13% làm việc trong các nhà máy sản xuất, 12% là người bán hàng, 12% làm dịch vụ, 7% làm việc trong linhx vực vận chuyển, làm sạch, đóng gói và các hoạt động liên quan trong khi 4% là công nhân xây dựng và khai thác mỏ. Lao động hành chính, an ninh, giao thông và nông, lâm, ngư nghiệp mỗi ngành chỉ chiếm dưới 3%.

Nhật Bản là một xã hội có thu nhập cao nhưng theo ngang giá sức mua chỉ xếp thứ 19 trên thế giới

Tại Nhật Bản, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 43.235,718 USD tính theo ngang giá sức mua (PPP) vào năm 2019. Nhật Bản là một xã hội có thu nhập cao, nhưng nhìn vào thu nhập bình quân của các nước thành viên năm 2019 do OECD công bố, Nhật Bản xếp thứ 19, với 40.573 đô la Mỹ (tương đương 4.479.259 yên), thấp hơn mức trung bình của tất cả các nước OECD, là 46.686 đô la Mỹ (tương đương 5.154.134 yên).

Tại Nhật Bản, thu nhập khả dụng ròng bình quân theo đầu người đã điều chỉnh của hộ gia đình là 29798 USD một năm, thấp hơn mức trung bình của OECD là 33604 USD một năm.

Có một khoảng cách đáng kể giữa những người giàu nhất và nghèo nhất - 20% dân số có thu nhập cao nhất kiếm được nhiều hơn sáu lần so với 20% dân số có thu nhập thấp nhất.

Đất nước này phải chịu đựng sự bất bình đẳng, đặc biệt là giữa hai giới. Mặc dù chênh lệch tiền lương theo giới ở nước này đã giảm trong 15 năm qua nhưng vẫn còn lớn (24,5%) và Nhật Bản đứng thứ ba trong bảng xếp hạng do OECD tổng hợp. Những người dưới 20 tuổi được trả tiền công thấp nhất trong các nhóm tuổi.

 Một nửa số người tiêu dùng tin rằng họ có ý thức về môi trường hơn trong việc mua sắm, nhưng rất ít người sẵn sàng trả nhiều hơn cho việc mua sắm đó.

Văn hóa tiêu dùng

Người tiêu dùng Nhật Bản rất cởi mở trong việc mua hàng hóa có thương hiệu quốc tế, thậm chí là cho các nhu cầu hàng ngày và thường bị thu hút bởi các sản phẩm nhập khẩu có thương hiệu như đồng hồ Thụy Sĩ và rượu vang Pháp.

Người tiêu dùng Nhật Bản từ lâu đã có xu hướng thích tiêu dùng hàng hóa có chất lượng hơn là các sản phẩm đại trà. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế đã khiến nhiều người tiêu dùng tìm đến các sản phẩm giá rẻ hơn, chỉ cần có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ. Điều này đặc biệt đúng với thế hệ Yutori (Millennial) trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 khiến họ mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập. 43,8% người dưới 25 tuổi làm việc bán thời gian và chỉ kiếm được khoảng 100–500 USD một tháng. Nhìn chung, họ sẵn sàng ghé thăm các trung tâm mua sắm và cửa hàng đặc sản nếu chúng mang lại trải nghiệm mua sắm thú vị.

Các cửa hàng giảm giá (discount store) và các sản phẩm có nhãn hiệu riêng, từng chật vật để thâm nhập vào thị trường Nhật Bản nay đã có thị phần cao hơn.

Các tiêu chuẩn chất lượng và kỳ vọng về dịch vụ (quy trình bán hàng, giao hàng, đóng gói, dịch vụ sau bán hàng, v.v.) ở Nhật Bản thuộc nhóm cao nhất trên thế giới.

Rổ hàng hóa trung bình ở Nhật Bản, để tính sức mua, có giá trị tương đối cao so với các nước phương Tây, nhưng đang giảm xuống do thay đổi ưu tiên tiêu dùng (đặc biệt là các sản phẩm rẻ hơn). Thực tế là do tình hình kinh tế không thuận lợi ở Nhật Bản trong năm 2020, niềm tin của người tiêu dùng đang bị xói mòn và tỷ lệ sẵn sàng chi tiêu hàng hóa đắt tiền đang giảm xuống.

Nhật Bản vẫn là thị trường tiêu dùng hàng xa xỉ lớn nhất trên thế giới. Bvlgari, Salvatore Ferragamo và Gucci kiếm được 27% doanh thu toàn cầu chỉ tính riêng thị trường này. Trong khi đó, một nửa lợi nhuận của Louis Vuitton đến từ 60 cửa hàng của họ tại Nhật Bản.

Người tiêu dùng ở Nhật Bản nhìn chung rất trung thành với thương hiệu, tuy nhiên điều này phổ biến ở nhóm dân số già hơn là ở thế hệ trẻ. Các nghiên cứu thị trường cho thấy mong muốn mạnh mẽ đối với các sản phẩm mới và nói chung người tiêu dùng chấp nhận các đổi mới thương hiệu mặc dù lòng trung thành đang giảm.

Mua sắm trực tuyến đang thu hút ngày càng nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên các nghiên cứu thị trường cho thấy thương mại điện tử ít phổ biến hơn so với ở châu Âu hoặc Hoa Kỳ mặc dù mạng internet đã phủ sóng hầu hết lãnh thổ Nhật Bản.

Một nửa dân số Nhật Bản sử dụng mạng xã hội thường xuyên. Người Nhật chủ yếu xem video và theo dõi những người có ảnh hưởng để biết ý kiến ​​về sản phẩm. Ngoài ra, gần 3/4 người tiêu dùng tìm hiểu mạng xã hội trước khi mua một số sản phẩm nhất định, đặc biệt là mỹ phẩm và thời trang.

Nhìn chung, người Nhật không lo lắng về việc bị lộ dữ liệu cá nhân vì đã có quy định pháp luật về vấn đề này. Nhiều người tin rằng việc tích lũy dữ liệu cá nhân là do họ thường xuyên nhận được các ưu đãi khuyến mại và phù hợp.

Năm 2020, một nhóm người tiều dùng có thu nhập trung bình của Nhật Bản đã chuyển sang các sản phẩm giá thấp hơn và thay đổi thói quen tiêu dùng để giảm chi tiêu.

Theo một nghiên cứu của hãng nghiên cứu và tư vấn McKinsey, trong khi nhiều người tiêu dùng trẻ sẵn sàng chi tiêu nhiều nếu tiết kiệm được thời gian, thì lại có một bộ phận người tiêu dùng Nhật Bản, những người thích dành thời gian tự phục vụ nhu cầu của mình để giảm chi tiêu. Điều này không hoàn toàn chỉ do chế độ ăn kiêng. Một bộ phận người dân hiện nay thích nấu ăn tại nhà hơn là ăn ở nhà hàng. Ngoài ra, trong khi người dân bận rộn dành phần lớn thời gian bên ngoài gia đình, ngay cả những người có ngôi nhà nhỏ và thời gian làm việc kéo dài, thì thời gian ở nhà của người dân Nhật Bản cũng tăng lên, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh và điều này thậm chí có thể kéo dài đến hết năm 2021.

 Về môi trường, hơn một nửa dân số quan tâm hơn đến môi trường. Tuy nhiên không nhiều người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để tiêu thụ các sản phẩm có trách nhiệm với môi trường.

Các mô hình kinh tế chia sẻ, chẳng hạn như Airbnb cũng liên tục phải tìm cách để thu hút nhiều khách hàng hơn.

In bài Share