Tin tức

Chính phủ Thụy Sỹ xem xét các phương án đối phó nguy cơ thiếu hụt khí đốt

30.08.2022

Để chuẩn bị đối phó với nguy cơ thiếu hụt khí đốt mùa đông tới, tại phiên họp thường kỳ ngày 24/8/2022, Chính phủ Thụy Sỹ đã xem xét các phương án khác nhau nhằm hạn chế việc tiêu thụ khí đốt.

Vì Thụy Sỹ không có các cơ sở sản xuất hoặc lưu trữ khí đốt, nên cách duy nhất để đối phó thiếu hụt khí đốt là giảm cầu. Tuy nhiên các biện pháp mang tính bắt buộc này chỉ được áp dụng khi nguy cơ thiếu hụt thật sự xảy ra. Mục đích của các biện pháp này nhằm tránh cho tình hình cung ứng khí đốt trở nên tồi tệ hơn và tác động tiêu cực hơn đến nền kinh tế. Đây chỉ là những biện pháp tạm thời và có thể được dỡ bỏ ngay khi tình hình cho phép.

Chính phủ Thụy Sỹ dự tính áp dụng các biện pháp theo 4 cấp độ sau :

Cấp độ 1 : Ngay khi tình trạng thiếu hụt xảy ra, tất cả các đối tượng tiêu thụ khí đốt sẽ được kêu gọi giảm mức tiêu thụ khí đốt (chẳng hạn thông qua việc chủ động hạn chế thời gian, nhiệt độ sưởi ấm…).

Cơ quan quyết định các biện pháp này là Cục Cung ứng kinh tế liên bang, trực thuộc Bộ Kinh tế liên bang.

Cấp độ 2 : Nếu việc kêu gọi thực hiện các biện pháp tự nguyện trên không hiệu quả, Chính phủ có thể quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho tất cả các cơ sở có khả năng chuyển đổi sang sử dụng nguồn nhiên liệu khác (chủ yếu là dầu mazut). Theo ước tính, việc chuyển đổi sử dụng khí đốt sang nhiên liệu khác tại các cơ sở này có thể nhanh chóng giảm mức tiêu thụ khí đốt từ 15% đến 20%.

Bộ Kinh tế liên bang là cơ quan quyết định các biện pháp này.

Cấp độ 3 : Các biện pháp hạn chế, hoặc thậm chí cấm sử dụng khí đốt trong một số trường hợp, được coi là bước bổ sung tiếp theo. Ở Thụy Sỹ, phần lớn lượng khí đốt được sử dụng để sưởi ấm. Do đó, giảm mức nhiệt độ sưởi ấm trong phòng được coi là một giải pháp quan trọng. Vì các hộ gia đình tiêu thụ 40% lượng khí đốt ở Thụy Sỹ, nên việc người dân tham gia vào các biện pháp này là rất cần thiết. Sử dụng khí đốt sẽ được ưu tiên dành cho những hàng hóa và dịch vụ quan trọng. Các lĩnh vực ít cấp thiết hơn như thể thao, giải trí… hoặc các địa điểm như sân thượng… có thể bị hạn chế hoặc cấm sử dụng khí đốt để sưởi ấm.

Việc áp dụng các biện pháp này sẽ do Chính phủ quyết định.

Cấp độ 4 : Nếu các biện pháp nói trên vẫn không đủ, sẽ áp dụng biện pháp hạn ngạch khí đốt. Biện pháp này sẽ liên quan đến tất cả các đối tượng ngoài những đối tượng ưu tiên (các hộ gia đình và các dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế hoặc dịch vụ khẩn cấp). Việc áp dụng biện pháp này được cho là sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế. Tuy nhiên, các đơn vị bị áp hạn ngạch sẽ có khả năng mua lại hạn ngạch chưa sử dụng thông qua một cơ chế nhóm. Cách tiếp cận này sẽ làm giảm thiệt hại cho nền kinh tế.

Việc áp dụng các biện pháp này cũng do Chính phủ quyết định.

Sau khi nhất trí về mặt nguyên tắc đối với các phương án nêu trên tại phiên họp ngày 24/8/2022, Chính phủ Thụy Sỹ đã giao Bộ Kinh tế liên bang đến trước ngày 31/8/2022 phải xây dựng xong dự thảo các văn bản quy định pháp luật về hạn chế, cấm và áp dụng hạn ngạch tiêu thụ trong trường hợp thiếu khí đốt. Sau đó, Bộ Kinh tế liên bang sẽ gửi các dự thảo này cùng các báo cáo đánh giá đến các bên liên quan để tham khảo ý kiến. Nguyên tắc chung là các biện pháp này sẽ chỉ có hiệu lực trong trường hợp xảy ra thiếu hụt thật sự và các biện pháp sẽ được điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế.

 

Nguồn:Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ

 


 

In bài Share