Doanh nghiệp 360

Xuất khẩu vào chặng "nước rút"

26.10.2019

Đến nay, đã có 28 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD như dệt may, da giày, điện thoại, đồ gỗ.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng qua đạt hơn 194 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái (mục tiêu cả năm là tăng 7-8%). Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp trong nước đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 16,4%, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tăng 5%, điều đó chứng tỏ doanh nghiệp trong nước đang vươn lên mạnh mẽ, tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mang lại.


Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Viết Thành

Đến nay, đã có 28 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD như dệt may, da giày, điện thoại, đồ gỗ... Xét về thị trường, cũng có 27 thị trường có mức nhập khẩu hàng Việt đạt hơn 1 tỷ USD, trong đó có những thị trường lớn, nhiều tiềm năng như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... Riêng Mỹ vẫn duy trì vị trí là nhà nhập khẩu hàng Việt lớn nhất, với kim ngạch gần 45 tỷ USD.

Do xuất khẩu đạt kết quả tốt, cao hơn so với nhập khẩu, nên đã tạo ra vị thế xuất siêu của Việt Nam. Cụ thể, nền kinh tế đã xuất siêu trên 5,8 tỷ USD giá trị hàng hóa; dự kiến mức xuất siêu cả năm có thể đạt trên 6 tỷ USD. Như vậy, rất có thể năm 2019 sẽ là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam chiếm vị thế xuất siêu. Nhận xét về diễn biến và kết quả trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, đó là thực tế đáng ghi nhận, vì kết quả đạt được trong bối cảnh thương mại quốc tế từ đầu năm đến nay vẫn trong tình trạng trầm lắng. Một số đối tác thương mại lớn của ta rơi vào tình thế khó khăn, chưa có dấu hiệu cải thiện.

Dù khả quan, nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn bộc lộ một số vấn đề cần sớm khắc phục. Trong đó, hoạt động xuất khẩu nông - thủy sản đang đối diện một số bất lợi, do chưa đáp ứng tốt yêu cầu của nhà nhập khẩu. Chia sẻ về vấn đề này, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc cho rằng, xuất khẩu gạo gặp khó, nhất là với thị trường Trung Quốc do đối tác siết chặt về kiểm dịch, cũng như yêu cầu về an toàn thực phẩm. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khuyến cáo, doanh nghiệp không nên giữ tâm lý cho rằng Trung Quốc là thị trường “dễ tính” như trước. Ngược lại, nhà sản xuất nông sản Việt Nam phải nâng cao chất lượng, bảo đảm các quy định về xuất xứ, an toàn thực phẩm, chất lượng, cũng như cạnh tranh được bằng giá bán. Làm tốt các yêu cầu đó, nông sản Việt vẫn tìm được chỗ đứng vững chắc tại thị trường có dư địa nhập khẩu rất lớn này...

Hiện, các doanh nghiệp đang bước vào chặng "nước rút", dồn sức gia tăng xuất khẩu. Ông Đỗ Đức Đôn, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Hòa Phát cho biết, dù thị trường thế giới ảm đạm, nhưng đơn vị vẫn duy trì tốt hoạt động kinh doanh. Nếu có phương án căn cơ, tận dụng tốt cơ hội, doanh nghiệp có thể tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm, kể cả với những thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Nhật Bản...

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Bộ Công Thương đang triển khai một số giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu như tăng cường xúc tiến thương mại, kết hợp với các ngành liên quan trong việc cải thiện chất lượng nông - thủy sản xuất khẩu, tìm thị trường mới, tái cơ cấu sản phẩm xuất khẩu... Bộ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ mới, tiết giảm chi phí quản lý, thực hành tiết kiệm, chủ động ứng dụng mô hình sản xuất thông minh để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, giảm giá thành hàng xuất khẩu.

Các bộ, ngành khác cũng tập trung đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021. 

Liên quan đến yêu cầu này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện giải pháp cải thiện chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới; trong đó, phấn đấu đến năm 2021 nâng chỉ số này tăng 10-15 bậc.

Tổng hợp

In bài Share