Xuất khẩu nông sản sang thị trường EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo EVFTA khắt khe cỡ nào

27.06.2023

Các quy định nhập khẩu của EU đối với nông sản, rau quả rất khắt khe nên cơ quan chức năng khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu phải liên tục cập nhật thông tin và kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu.

Mỗi năm Việt Nam thu hàng tỷ USD từ việc xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản, song với tiêu chuẩn ngày càng cao từ các thị trường nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư bài bản từ công nghệ đến quy trình sản xuất, từ đó giúp xuất khẩu bền vững.

Nhiều quy định khắt khe hơn

Mới đây, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã thông qua dự luật ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng. Dự luật có tên chính thức là Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR - EU Deforestation-free Regulation) nhằm cấm nhập khẩu những mặt hàng nông lâm sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020.

Với quy định này, một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là càphê, khi nhập khẩu vào thị trường EU cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn… Như vậy, quy định khi có hiệu lực (dự kiến từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025) sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong các chuỗi cung ứng ngành hàng trên.

Theo Hiệp hội Càphê-Ca cao Việt Nam, thông tin việc truy xuất nguồn gốc khó khăn nhất là đối với các nông hộ. Thực tế, nhiều nông hộ có diện tích manh mún, phần lớn chỉ từ 0,5 ha trở xuống. Số diện tích này thực tế là hợp pháp nhưng việc chứng minh nguồn gốc không phải dễ, hơn nữa là vấn đề chi phí để thực hiện truy xuất nguồn gốc. Song, với các doanh nghiệp đã đầu tư bài bản thì việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và bền vững cũng là cơ hội rất lớn để nâng cao giá trị và thương hiệu.

Hiện Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ càphê lớn nhất của Việt Nam, với thị phần khoảng trên 40% khối lượng xuất khẩu. Xuất khẩu càphê của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2022 đạt 689.049 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so với năm 2021.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA) được thực thi trong gần 3 năm qua (1/8/2020) đã tạo đà cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và mặt hàng nông lâm sản nói riêng. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA giúp rau quả Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế khi vào EU, tạo lợi thế cạnh tranh so với hàng từ một số quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn đối với mặt hàng này.

Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy Việt Nam là thị trường cung cấp hàng rau quả lớn thứ 59 cho EU trong 11 tháng năm 2022, đạt 74.000 tấn, trị giá 215 triệu USD. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang EU vào khoảng 235 triệu USD.

Xuất khẩu rau quả Việt Nam đang gặp một số thuận lợi khi nhu cầu rau quả thế giới gia tăng và Việt Nam có thể sản xuất quanh năm. Ngoài ra, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng giúp hầu hết các dòng thuế xuất khẩu rau quả và sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.

Đánh giá từ Bộ Công Thương cho thấy cơ hội cho trái cây và rau Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) là rất lớn vì quy mô thị trường lên đến 62 tỷ Euro, tương đương với 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu. Tuy nhiên, để thích ứng với yêu cầu từ thị trường xuất khẩu, sản xuất và thương mại nông sản phải được định hướng phát triển bền vững theo chuỗi giá trị.

Xuất khẩu trái cây của Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các thị trường khó tính. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về phía Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp khi xuất khẩu các sản phẩm rau quả sang EU cần chú ý đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu khác, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, ghi nhãn…Các quy định nhập khẩu của EU đối với rau quả rất khắt khe và thay đổi thường xuyên nên doanh nghiệp xuất khẩu phải liên tục cập nhật và kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu để đáp ứng các quy định đưa ra.

Theo MOIT

In bài Share