Doanh nghiệp 360
Xuất khẩu đã tiệm cận mục tiêu tăng trưởng năm 2019
Với mức tăng trưởng 7,4%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của nước ta sau 10 tháng năm 2019 đã tiệm cận với mục tiêu tăng trưởng 7 - 8% trong năm 2019.
Thông tin từ Báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại 10 tháng của Bộ Công Thương, với mức tăng trưởng lên tới 7,4%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của nước ta sau 10 tháng năm 2019 đã tiệm cận với mục tiêu tăng trưởng 7-8% trong năm 2019.
Tính đến thời điểm hiện tại kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã hoàn thành 82,5% mục tiêu xuất khẩu của năm 2019.
Đây là thông tin từ Báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại 10 tháng của Bộ Công Thương.
Theo báo cáo này, 10 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. Dẫu vậy, mức tăng này vẫn thấp hơn mức tăng 21,8% của 10 tháng năm 2017 và 15,3% của 10 tháng năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 66,63 tỷ USD, tăng 16,2%, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 150,42 tỷ USD, tăng 3,9%, chiếm 69,3%.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, trong bối cảnh giảm sút trong tổng cầu của kinh tế thế giới, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 10 tháng qua vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan.
Sau khi đạt mức tăng trưởng 5,3% và 7,2% trong quý I/2019 và quý II/2019, sang quý III tình hình xuất khẩu đã có sự cải thiện hơn qua đó đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2019 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.
"Mức tăng trưởng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 và 2017 (tăng tương ứng 15,3% và 21,8%) nhưng cơ bản đã bám sát chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội là đưa tăng trưởng xuất khẩu tăng 7%- 8% trong năm 2019, cho thấy nỗ lực rất lớn của chúng ta trong việc khai thác thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm", Báo cáo phân tích.
2 tháng còn lại của năm 2019 được cho là những tháng cao điểm với khối sản xuất, xuất khẩu. Thông thường kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng cuối năm thường đạt khá cao so với đầu năm do đây là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp mua sắm lớn nhất trên toàn cầu trong cả năm như Lễ Giáng sinh, tết Dương lịch, tết Âm lịch ở Việt Nam và một số nước châu Á…
Do đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Theo chu kỳ, xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, nông, thủy sản… thường ở mức cao trong giai đoạn cuối năm do nhu cầu hàng hóa phục vụ các ngày lễ tết tăng cao.
Đặc biệt, xuất khẩu cá tra, basa sang thị trường Mỹ được dự báo sẽ phục hồi khi mới đây, theo quyết định sơ bộ đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 đối với sản phẩm cá tra Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo mức thuế sơ bộ cho bị đơn bắt buộc và bị đơn tự nguyện là 0 USD/kg; thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó ở mức 1,37 - 2,39 USD/kg - đây là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ.
Thêm đó, Việt Nam đang tận dụng tốt các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng xuất khẩu. Cùng với việc tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA, xuất khẩu cũng nhận được nhiều thuận lợi từ các nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trong nước.