Xây dựng pháp luật, thể chế để tận dụng hiệu quả các lợi thế từ EVFTA

21.07.2023

Việt Nam và EU đã tiến hành nhiều phiên làm việc cấp Lãnh đạo Bộ và cấp kỹ thuật viên trong năm 2022. Nhiều nội dung quan tâm và vướng mắc của EU đã được phía Việt Nam giải thích và làm rõ để bảo đảm hiệu quả cao nhất trong quá trình thực thi và tận dụng những cam kết tiêu chuẩn cao trong Hiệp định EVFTA.

Cho đến nay, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành và đơn vị có liên quan đã sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các FTA, trong đó có EVFTA. Cụ thể, Hiệp định CPTPP có 23 văn bản, Hiệp định EVFTA có 11 văn bản, Hiệp định UKVFTA có 6 văn bản.

Về cơ bản, Việt Nam đã sửa đổi, ban hành mới khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật (cả ở cấp độ luật và dưới luật)  để kịp thời thực thi các quy định có hiệu lực ngay đối với CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Một số văn bản được ban hành muộn hơn nhưng đều được áp dụng hồi tố kể từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực để bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan trong quá trình thực thi cam kết, ví dụ nhưng trong lĩnh vực thuế và mua sắm của Chính phủ.

Tổng quan ngành Công nghệ thông tin

Bên cạnh đó, các cơ quan Chính phủ, Bộ, ngành phải thường xuyên theo dõi, rà soát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các cam kết trong các FTA và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các tỉnh thành, địa phương cũng cần chủ động rà soát, sửa đổi, xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách do địa phương, tỉnh, thành phố ban hành, qua đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật Nhà nước và các cam kết trong hộp nhập kinh tế quốc tế.

Đối với Hiệp định EVFTA, thời gian qua, Việt Nam và EU đã tiến hành nhiều phiên làm việc cấp Lãnh đạo Bộ và cấp kỹ thuật, nhất là trong năm 2022, như Phiên họp của Ủy ban Thương mại (cấp Bộ trưởng), Phiên họp của Ủy ban Thương mại Hàng hóa, Ủy ban SPS, Ủy ban thương mại và Phát triển bền vững và nhiều phiên họp cấp kỹ thuật khác để rà soát tình hình thực thi cũng như giải đáp thức mắc của cả hai bên trong quá trình triển khai các cam kết của Hiệp định. Nhiều nội dung quan tâm và vương mắc của EU đã được phía Việt Nam chia sẻ, giải thích và làm rõ để bảo đảm hiệu quả cao nhất trong quá trình thực thi và tận dụng những cam kết tiêu chuẩn cao trong Hiệp định EVFTA.

Về tình hình thành lập nhóm tư vấn trong nước Việt Nam (DAG Việt Nam), tính đến thời điểm hiện tại, nhóm DAG Việt Nam có tổng cộng 7 tổ chức thành viên. Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục tiếp nhận và xử lý đơn xin tham gia của một số tổ chức có quan tâm theo quy định.

Về vấn đề xây dựng danh sách ứng viên Hội đồng chuyên gia thực thi Chương trình 13 (Thương mại và Phát triển bền vững), Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương đã phối hợp với ác bộ, ngành xây dựng danh sách sơ bộ các ứng của viên của Hội đồng chuyên gia. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo văn bản để trình Chính phủ xem xét thông qua.

Theo giới chuyên gia, để Hiệp định EVFTA tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Chính phủ cần xây dựng lộ trình chiến lược tổng thể để đưa ra những định hướng, kế hoạch, lộ trình cho các bộ, ngành, và địa phương nhằm triển khai đầy đủ, kịp thời các cam kết của EVFTA, giúp hiện thực hóa lợi ích của Hiệp định này cho người dân và doanh nghiệp.

Chính phủ cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các thông tin về EVFTA và thị trường các nước EU với các kênh thông tin đa dạng, hướng tới nhiều đối tượng người dân và doanh nghiệp, như: trang thông tin điện tử, báo đài, in ấn các ấn phẩm, tài liệu, triển khai các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết và các công việc để thực thi hiệu quả EVFTA.

Chính phủ cần rà soát pháp luật trong thực thi Hiệp định, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đúng với lộ trình đã quy định của EVFTA, đồng thời xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ sở pháp lý, hình thức xử phạt để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch hơn, thuận lợi hơn với thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, công tác xây dựng những cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển cũng cần được Nhà nước quan tâm chú trọng. Việc tập trung xây dựng các chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ các ngành hàng, các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ những ngành hàng chịu sức ép cạnh tranh lớn khi thực thi Hiệp định là điều rất cần thiết. Ngoài ra, Chính phủ cần có những đánh giá và xác định những ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn để đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp về các phương diện.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng những chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từ EU vào Việt Nam, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nước nhà.

 

Bá Sơn

In bài Share