Việt Nam cần làm gì xa hơn CPTPP trong đàm phán thương mại?

21.06.2023

Đây là chủ đề của hội thảo tham vấn chính sách do Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương tổ chức ngày 20/6, tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo có ông Ayumi Konishi, Điều phối viên, Cố vấn cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT), Cố vấn cao cấp cho Giám đốc Điều hành - Trung tâm Hợp tác Đa phương về Tài chính Phát triển (MCDF); Ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương; Ông Trần Hoàn, Chuyên viên chính, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Công Thương; Ông Nguyễn Thức, Trung tâm Tham vấn WTO và FTAs -  VIOIT; Đại diện các Cục, Vụ của Bộ Công Thương; Lãnh đạo Viện, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Viện, các diễn giả và các nhà khoa học của Viện.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14 tháng 1 năm 2019. Cùng với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EV-FTA) có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 năm 2020, CPTPP là một trong những Hiệp định thương mại quan trọng nhất mà Việt Nam tham gia và đến nay đã thực hiện được 4 năm rưỡi. Trong giai đoạn này, chúng ta đã chứng kiến một số diễn biến quan trọng: (i) đại dịch toàn cầu và sự gián đoạn chuỗi cung ứng buộc các doanh nghiệp phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình; (ii) việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào ngày 15 tháng 11 năm 2020 và việc Vương quốc Anh xác nhận sẽ tham gia CPTPP vào ngày 31 tháng 3 năm 2023; (iii) sự quan tâm ngày càng tăng đối với biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với thương mại và (iv) căng thẳng địa chính trị ngày càng trầm trọng, một phần do cuộc chiến ở Ukraine gây ra. 

Kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước thành viên của Hiệp định đã có bước tăng trưởng ấn tượng.

Là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, CPTPP gồm 11 nước thành viên là: Úc, Brunây, Canada, Chi Lê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam. Với quy mô của thị trường, có thể nói, tham gia Hiệp định CPTPP đã mở ra một thị trường xuất khẩu lớn đối với Việt Nam. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chứng tỏ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với các doanh nghiệp Việt Nam kể từ khi được thực thi. Chỉ trong ba năm, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về kim ngạch xuất nhập khẩu, cho thấy sự nhanh nhẹn và đáp ứng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc khai thác vào khu vực thị trường mới này.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đây là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phần quan trọng khác chính là việc giúp Việt Nam đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước để vận hành nền kinh tế thị trường một cách toàn diện và triệt để, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Bởi khi tham gia, Việt Nam sẽ phải đưa ra những cam kết rõ ràng hơn trong việc cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Sau cú sốc dịch Covid-19, với những số liệu về xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên của Hiệp định CPTPP trong năm 2021 và 2022 cho thấy các doanh nghiệp ngành hàng đã nắm bắt được cơ hội mà hiệp định này mang lại để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, có khoảng 50 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào quá trình xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đang tăng trưởng rất tích cực. Điều này cho thấy CPTPP đã hỗ trợ, khuyến khích khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này cũng như tự tin bước vào sân chơi quốc tế rộng lơn. Và quan trọng hơn, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã đủ khả năng vượt qua và đáp ứng tiêu chuẩn cao, khắt khe của thị trường CPTPP khi tham gia vào sân chơi quốc tế này. Bên cạnh những thuận lợi mà Hiệp định CPTPP mang lại, các thách thức là điều không thể tránh trong quá trình thực thi tại Việt Nam.

Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, Hiệp định CPTPP có tác động chuyển hướng thương mại khá lớn và việc tham gia hiệp định này có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng nhiều ngành sản xuất trong nước. Trong đó, dệt may và da giày được cho là những ngành sẽ hưởng lợi nhiều nhất về tăng thêm quy mô sản xuất cũng như giá trị xuất khẩu. Song để CPTPP đem lại hiệu quả cao hơn, chúng ta cần những giải pháp mới và mạnh hơn nữa. Đặc biệt, cần thông tin, truyền thông về CPTPP một cách chuyên sâu, theo ngành, lĩnh vực và thị trường trọng điểm.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đẩy mạnh đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ. Chủ động tìm hiểu các cơ hội ưu đãi, cải thiện năng lực cạnh tranh và quan trọng hơn, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Các diễn giả cũng cho rằng, các chính sách công nghiệp phải khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất công nghiệp theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khuyến khích hình thành và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát huy lợi thế so sánh của các ngành công nghiệp, tạo ra sự phân công chuyên môn hoá và hợp tác hóa trong sản xuất công nghiệp, tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp trên thị trường quốc tế. Kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp.

Thông qua chương trình thảo luận, ban tổ chức Hội thảo đã tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các tham luận, cũng như các ý kiến phát biểu của các đại biểu. Đồng thời, tổng hợp đươc các ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia, các nhà khoa học làm cơ sở để đề xuất các kiến nghị, giải pháp trong chiến lược phát triển công nghiệp và thương mại trong thời gian tới.

Theo MOIT

In bài Share