Vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong EVFTA

26.07.2023

Thời gian gần đây, vấn đề phát triển bền vững ngày càng được quan tâm trên thế giới đặc biệt đối tác thương mại lớn với Việt Nam như EU, Hoa Kỳ.

Hiện nay, không chỉ các cơ quan quản lý tại các quốc gia trong khối EU hay Hoa Kỳ đặt ra các quy định cũng như tiêu chuẩn về lao động và môi trường đối với hàng nhập khẩu mà ngay cả người tiêu dùng ở các quốc gia này cũng nghiêng sự lựa chọn dành cho các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững. Dù vậy, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa biết, chưa hiểu và chưa nắm rõ các vấn đề này và vì vậy chưa chuẩn bị sẵn sàng hoặc chưa có đủ nguồn lực triển khai. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sang các thị trường lớn như EU hay Hoa Kỳ.

Amsterdam, Top of the World | Alex Sievers Photography

Một số thách thức trong thực hiện cam kết bảo vệ môi trường theo EVFTA

Cả EU và Việt Nam đều coi trọng, đặt mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội, bảo vệ môi trường. Do vậy, các cam kết và nghĩa vụ về môi trường được thiết lập trong EVFTA đặt ra yêu cầu đòi hỏi trách nhiệm của Chính phủ, doanh nghiệp, tất cả mọi công dân trong việc thực thi nghiêm túc, hiệu quả các cam kết và nghĩa vụ môi trường.

Đối với doanh nghiệp, EVFTA là một Hiệp định thế hệ mới có các tiêu chuẩn rất cao. Như vậy, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn về thương mại hàng hóa, dịch vụ, Việt Nam cũng cần tuân thủ, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn cao về môi trường. EU là nhóm các quốc gia châu Âu phát triển, có yêu cầu rất cao, nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn về môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Do vậy, đối với hàng hóa và về môi trường, EU đưa ra các quy định chặt chẽ về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan.

Ví dụ, sản phẩm phải được gắn nhãn CE (nhãn hiệu bắt buộc đối với hàng hóa (theo quy định) và được coi như hộ chiếu thương mại vào thị trường EU) mới được coi là đáp ứng các quy định về an toàn và môi trường, được lưu hành trên thị trường EU.

Thời gian qua, EU ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố thể hiện mức độ thân thiện với môi trường của sản phẩm và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong các hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ.

Trong tình hình hiện nay, cùng với tác động của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp khó có thể đáp ứng ngay các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn cao liên quan đến môi trường, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có công nghệ sản xuất, kinh doanh lạc hậu.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin, hoặc không nắm được thông tin chính xác và kịp thời về các tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu và điều kiện liên quan đến môi trường của EU, do vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Thời gian qua, mặc dù nhiều doanh nghiệp đã có chuyển biến về nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường, tuy nhiên xuất phát từ lý do phát triển hoặc khó khăn về kinh tế mà ý thức bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế. Đối với cơ quan quản lý ở các cấp, khó khăn trong việc thực thi cam kết và nghĩa vụ liên quan đến môi trường, xuất phát từ một số nguyên nhân như hệ thống chính sách, pháp luật về môi trường vẫn đang trong quá trình tiếp tục được hoàn thiện.

Thời gian qua, nhiều chính sách, pháp luật về môi trường được xây dựng và ban hành, tuy nhiên, ở một số lĩnh vực liên quan đến môi trường còn thiếu những quy định cụ thể, còn tồn tại sự chồng chéo trong quản lý dẫn đến khó khăn và bất cập trong công tác quản lý và thực thi các cam kết và nghĩa vụ quốc tế. Việc thực thi, tuân thủ pháp luật về môi trường nói chung chưa thực sự hiệu quả như mong muốn.

Mặc dù đã có nhiều quy định về bảo vệ môi trường, cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt các vi phạm pháp luật về môi trường, nhưng hiện vẫn còn nhiều vi phạm pháp luật về môi trường được phát hiện. Năng lực của đội ngũ cán bộ trong việc xử lý các vấn đề thương mại quốc tế có liên quan đến môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguồn lực về tài chính dành cho hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn chế. Khó khăn về tài chính sẽ dẫn đến việc khó khăn trong đầu tư một cách thỏa đáng cho các công nghệ hiện đại phục vụ công tác quản lý bảo vệ môi trường. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong việc đáp ứng và tuân thủ các nghĩa vụ và tiêu chuẩn cao đã cam kết trong các Hiệp định.

Cùng với ưu đãi về thuế quan và việc xóa bỏ dần các rào cản thương mại, việc nhập khẩu hàng hóa, vật tư, công nghệ trong điều kiện tiêu chuẩn về môi trường còn thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế nói chung, đặc biệt là của các nhóm nước phát triển dẫn đến nguy cơ Việt Nam trở thành nơi chứa, sử dụng các thiết bị, dây chuyền lạc hậu và tiêu thụ các loại hàng hóa kém chất lượng. Vẫn còn tồn tại tình trạng địa phương đang áp dụng các biện pháp ưu đãi khác nhau để thu hút đầu tư FDI, trong khi chưa thực sự chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

 

Bá Sơn

In bài Share