UKVFTA - “cầu nối” đưa nhiều mặt hàng thế mạnh lên kệ siêu thị Anh
Hơn 2 năm thực thi, Hiệp định UKVFTA đang trở thành “cầu nối” đưa nhiều mặt hàng thế mạnh và giúp trao đổi thương mại hai chiều của 5 thành phố trung ương với Vương quốc Anh tăng trưởng ấn tượng.
Tác động tích cực đến tăng trưởng thương mại của 5 thành phố trung ương
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021 được xem là “đường cao tốc” hai chiều thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt Nam – Vương quốc Anh phát triển. Theo cam kết, 65% thuế quan đã được xóa bỏ đối với thương mại Việt Nam-Anh. Trong 6 năm đầu tiên sau khi UKVFTA có hiệu lực, Vương quốc Anh sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,2% số dòng thuế liên quan đến hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam.
Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng theo Bộ Công Thương trao đổi thương mại hai chiều đã tăng trưởng rất tích cực. Riêng trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 6,1 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ Vương quốc Anh đạt 771 triệu USD, giảm 9,8% so với năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu sang Vương quốc Anh theo mẫu C/O EUR.1 đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 23,5% xuất khẩu chung sang Vương quốc Anh, tăng 2021. Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh ..... so với năm tiếp tục có tỷ lệ tận dụng tích cực, ví dụ thủy sản đạt 82,9% (tăng 29,5% so với năm 2021), rau quả đạt 72,6% (tăng 34,2%), giày dép đạt 99,5% (tăng 49,7%), dệt may đạt 15,7% (tăng 43,4%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,2% (tăng 85,2%)...
Trong bức tranh trao đổi thương mại chung của cả nước, 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh) hiện đi đầu trong khai thác, tận dụng hiệu quả Hiệp định UKVFTA. 5 thành phố trực thuộc là đầu tàu của kinh tế vùng, cũng là những địa phương trọng điểm triển khai công tác hội nhập quốc tế và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và các FTA thế hệ mới nói riêng là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định UKVFTA.
Hơn 2 năm qua, việc thực thi các FTA thế hệ mới, trong đó có Hiệp định UKVFTA của 5 thành phố diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, nền kinh tế thế giới gặp khó khăn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Công Thương, các Bộ ngành liên quan và các cấp chính quyền 5 thành phố, công tác thực thi các FTA thế hệ mới, trong đó có UKVFTA cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 5 thành phố với Vương quốc Anh đạt 2.633 triệu USD. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.591 triệu USD (kim ngạch xuất khẩu năm 2021 giảm 14,1%, năm 2022 tăng 3,5%); kim ngạch nhập khẩu đạt 1.042 triệu USD (kim ngạch nhập khẩu năm 2022 giảm 1,3%). Đáng chú ý, địa phương có trao đổi thương mại lớn nhất với Vương quốc Anh là TP. Hồ Chí Minh, tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Hiện, các mặt hàng xuất khẩu từ 5 thành phố sang thị trường Vương quốc Anh là: Dệt may; giày dép, cặp túi các loại; cơ kim khí; khoáng sản; thủ công mỹ nghệ.; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của 5 thành phố từ Vương quốc Anh là: Cơ kim khí; thức ăn gia súc và nguyên liệu; linh kiện điện tử-vi tính; hóa chất; dược phẩm. Tỷ lệ tận dụng Giấy chứng nhận xuất xứ sang Vương quốc Anh theo số liệu của Bộ Công Thương cho thấy cả nước nói chung và 05 Thành phố nói riêng tiếp tục tăng trưởng tích cực. Năm 2022, kim ngạch tận dụng C/O ưu đãi sang Vương quốc Anh đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 23,5% xuất khẩu chung sang Vương quốc Anh. Các mặt hàng có tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi cao sang Vương quốc Anh là: thủy sản, rau quả, giày dép, dệt may, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Đánh giá về kết quả thực thi các FTA và UKVFTA, 5 thành phố khẳng định đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại hai chiều giữa 5 thành phố và các nước trong FTA, kim ngạch xuất khẩu gia tăng, đóng góp một phần quan trọng vào sự tăng trưởng GDP của các thành phố. Đáng kể nhất chính là việc thực thi các FTA thế hệ mới giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế; nâng cao tính minh bạch trong chính sách, tạo ra môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng và thông thoáng. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Như vậy, so với các các Hiệp định FTA khác, với một thời gian ngắn thực thi, Hiệp định UKFTA đã thể hiện những tác động rõ nét đến tăng trưởng thương mại hai chiều của 5 thành phố với Vương quốc Anh. Theo Sở Công Thương 5 thành phố, “trái ngọt” có được là nhờ sự chủ động và vào cuộc sớm của chính quyền, ban ngành của các địa phương, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về hiệp định tới cộng đồng doanh nghiệp đã được tích cực triển khai với hình thức đa dạng và đạt hiệu quả. Đặc biệt, Sở Công Thương 5 thành phố đã thiết lập và đăng tải các mục thông tin về Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA trên các trang thông tin điện tử của Sở. Nhờ vậy mà nhận thức và hiểu biết của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn về hội nhập quốc tế nói chung và các FTA cũng như UKVFTA nói riêng đã được nâng cao.
Tăng tốc khai thác dư địa của thị trường
Hiện, nhiều mặt hàng Việt Nam đang hưởng lợi từ UKVFTA và dần chiếm lĩnh thị trường Anh, điển hình như dệt may, giày dép, nông thủy sản, gỗ… Tuy nhiên, thị phần hàng Việt tại thị trường Vương quốc Anh vẫn còn ở mức rất khiêm tốn.
Đối với xuất khẩu hàng hóa 5 thành phố trung ương cũng trong tình trạng tương tự. 5 thành phố trung ương thừa nhận là tuy có tăng trưởng tích cực trong thời gian qua, nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các FTA còn chưa đạt kỳ vọng, tỷ lệ tận dụng ưu đãi (CO ưu đãi) còn chưa cao. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường FTA còn khiêm tốn. Các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm; chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang thị trường Anh.
Nguyên nhân được cho là các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp còn chưa thực sự hiệu quả như mong muốn, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng các FTA chủ yếu được lồng ghép vào các chương trình hỗ trợ của các Sở, ban, ngành của Thành phố, chưa mang tính riêng biệt. Đặc biệt, sự chủ động của doanh nghiệp còn chưa cao trong việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu về các cam kết tại để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, góp phần tận dụng những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức do UKVFTA mang lại; Doanh nghiệp chưa thực sự chủ động, tích cực đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại, nhất là tham gia các hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.
Vương quốc Anh hiện là một trong các thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, nhưng đây cũng là thị trường khó tính bậc nhất thế giới với các tiêu chuẩn cao của thị trường với từng ngành hàng cụ thể. Thách thức lớn hơn khi chính sách, quy định về thương mại, kinh tế của Vương quốc Anh có một số thay đổi dự báo có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam. Đặc biệt, việc anh gia nhập Hiệp định CPTPP một mặt nới rộng không gian xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam nhưng đồng nghĩa hàng hóa Việt Nam phát cạnh tranh gay gắt hơn với hàng hóa các nước tại thị trường Anh.
Bên cạnh đó, theo dự báo hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gia tăng với hình thái đa dạng. Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu… đang đặt ra các thách thức mới đối với xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng như 5 thành phố trung ương sang thị trường Anh.
Trước bối cảnh đó, 5 thành phố trung ương cho biế, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các thông tin về các FTA và thông tin thị trường xuất khẩu các nước trong các FTA hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu: tập trung xây dựng các nội dung mang tính chuyên đề, hướng vào các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm. Đặc biệt chú trọng đến những nội dung về phát triển bền vững, lao động để doanh nghiệp chủ động đáp ứng các điều kiện hạn chế các rào cản phi thuế quan từ các nước.
Tăng cường cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; Đồng thời xem xét hình thành những vùng nguyên liệu lớn đáp ứng được nhu cầu sản xuất, hạn chế nhập khẩu, và đáp ứng các điều kiện về xuất xứ hàng hóa tại các FTA cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tận dụng ưu đãi. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu.
Tích cực phối hợp các đơn vị của Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình xuất khẩu nhất là thông tin về diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là các chính sách về thương mại, đầu tư, tiền tệ… để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nắm bắt thông tin mới về thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu, các cơ hội hợp tác, tiếp cận thị trường. Cũng như phối hợp việc xây dựng chính sách, các biện pháp hỗ trợ cụ thể để xây dựng hệ sinh thái tận dụng cơ hội từ các FTA cho ngành hàng chủ lực của địa phương.
Về phía các doanh nghiệp, chính quyền 5 thành phố tiếp tục đẩy mạnh khuyến nghị cần nắm bắt thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan theo các hiệp định đem lại để biết được rằng cơ hội cho doanh nghiệp ở đâu, ở thị trường nào và nhóm hàng nào. Quan tâm hơn đến những quy định về quy tắc xuất xứ, tìm hiểu xem làm thế nào để đáp ứng được quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan, trên cơ sở đó để xây dựng những cái chiến lược cũng như là kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Huu Hung