Trái cây Việt Nam có cơ hội tìm chỗ đứng tại thị trường Anh

30.06.2023

Với lợi thế ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), nhóm hàng nông sản, trái cây tươi Việt Nam đang có nhiều cơ hội tìm chỗ đứng tại thị trường Anh. Đặc biệt là những tháng gần đây, nhiều nông sản Việt Nam đã có chuyến “xuất ngoại” được người tiêu dùng Anh phản hồi rất tích cực.

Bưởi Diễn bày bán tại siêu thị Londan

Những tín hiệu vui

Hàng năm, các doanh nghiệp Anh nhập khẩu một lượng lớn rau quả, nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Tuy nhiên, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam chiếm thị phần rất nhỏ, chưa đến 1%. Trong khi đó, Hiệp định UKVFTA đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, với hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả xuất khẩu vào Anh được giảm về mức 0%. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu rau, quả Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan mở rộng thị phần tại Anh.

Ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Công sứ Việt Nam tại Anh – cho rằng, chỉ riêng cộng đồng 100.000 người Việt tại Anh ưu tiên mua hàng Việt Nam đã là cơ hội lớn, chưa kể 60 triệu người dân Anh. Trong năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Anh đạt gần 21 triệu USD, tăng hơn 8% so với năm 2021.

Thực tế, sau hơn 2 năm Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, một số loại quả của Việt Nam đã và đang tận dụng lợi thế ưu đãi thuế quan này để xuất khẩu sang Anh.

Vào cuối năm 2022, những quả bưởi đỏ Tân Lạc (Hòa Bình) lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Anh, với số lượng 5.400 quả. Tiếp theo, đầu năm 2023, gần 7 tấn  cam Cao Phong (Hòa Bình); 11 tấn bưởi Diễn Yên Thủy (Hòa Bình) cũng lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Anh, nhận được sự chào đón của người tiêu dùng nước sở tại.

Theo ông Khôi Huỳnh - Giám đốc Tập đoàn Longdan - nhà nhập khẩu hàng Việt lớn nhất tại nước này, với hình thức đẹp, vị ngọt thanh mát, tép bưởi ráo, mọng nước, bưởi Diễn và bưởi đỏ Tân Lạc có chất lượng vượt trội so với các loại bưởi nhập khẩu đang bán tại thị trường Anh.

Cùng với quả bưởi, quả vải u hồng (Bắc Giang) vào tháng 6 vừa qua cũng lần đầu tiên “xuất ngoại” chính ngạch sang Anh. Nhà nhập khẩu là Công ty TT Meridian đã nhập vải u hồng nhằm tận dụng lợi thế của giống vải này là chín sớm hơn vải thiều khoảng 1 tháng để cạnh tranh với vải Mexico và Trung Quốc hiện có bán tại thị trường Anh, tạo cơ hội để vải Việt Nam tiếp cận và chinh phục người tiêu dùng tại Anh.
Đặc biệt, sản phẩm vải u hồng phân phối tại thị trường Anh còn được nhận diện bằng bao bì mang hình ảnh cờ đỏ sao vàng Việt Nam nhằm giúp người tiêu dùng Anh nhận diện thương hiệu quốc gia, tạo ấn tượng trái vải là một đặc sản riêng của Việt Nam.
Tiếp nối thành công của những trái bưởi, trái cam Cao Phong, vải u hồng, vào tháng 6/2023, lô hàng vải không hạt đầu tiên của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm trồng tại Thanh Hóa cũng chính thức lên kệ một số siêu thị tại Anh. Đây là tín hiệu cho thấy nông sản Việt Nam đang ngày càng có chỗ đứng và có nhiều cơ hội để xuất khẩu.

Thành công của những lô nông sản này cũng là cơ sở cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của nước ta xây dựng chiến lược phù hợp. Từ đó, có thể đưa nhiều sản phẩm nông sản tới các thị trường có tính cạnh tranh cao.

Được biết, để có thể tiến vào thị trường Anh, các sản phẩm nông sản này đã phải đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ; bước đầu, đã nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng sở tại.

Cần xây dựng chiến lược dài hạn

Có những lợi thế, cơ hội là vậy, song thách thức lớn đối với xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Anh chính là việc bảo quản sản phẩm. Chẳng hạn như trái vải, do đặc thù trái vải phải tiêu thụ trong vòng 3 ngày kể từ lúc thu hoạch để đảm bảo độ tươi ngon. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần làm chủ công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

Ngoài ra, giá thành sản phẩm cũng là 1 trong những vấn đề được người tiêu dùng nước sở tại quan tâm nhất là trong bối cảnh lạm phát tại Anh tăng cao, giá sản phẩm trở thành mối quan tâm lớn đối với nhà nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng. Đơn cử như quả vải u hồng được bày bán tại siêu thị Anh có giá bán khá cao, 15 bảng/kg, tương đương 435.000 đồng/kg, cao hơn so với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại, cũng như loại trái cây nhập khẩu khác. Hay như quả bưởi Diễn Yên Thủy, mặc dù chất lượng, độ ngọt, mẫu mã không thua kém các sản phẩm đang bán ở thị trường Anh, song giá vẫn đang cao hơn so với một số sản phẩm trái cây nhập khẩu khác.

Theo một số chuyên gia, các nhà sản xuất và xuất khẩu trái cây Việt Nam cần chú trọng cắt giảm tối đa chi phí logistics và chi phí trung gian, tăng hiệu quả hoạt động thông qua cải tiến quy trình, áp dụng các phương pháp sản xuất tiên tiến để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh.

Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt cần chú trọng hình thức, mẫu mã, bao bì sản phẩm, đồng thời cần xây dựng chiến lược tiếp thị dài hạn để thâm nhập và trụ vững tại thị trường Anh.

Thị trường Anh là một thị trường lớn nhưng có yêu cầu khắt khe về chất lượng nông phẩm. Để có thể tiếp cận thị trường cao cấp này, doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải thực hành sản xuất theo Global G.A.P., đáp ứng các tiêu chuẩn HCCP của Viện tiêu chuẩn Anh (British Standard Institution) và áp dụng các quy chuẩn quản trị quốc tế  như ISO, SA,... Tiếp theo, doanh nghiệp Việt Nam phải có khả năng đảm bảo nguồn cung ổn định cả về số lượng và chất lượng mới có thể cạnh tranh được với các nhà cung cấp đến từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nam Phi, Costa Rica và Ấn Độ. 

 

Bá Sơn

In bài Share