Tham gia luật chơi mới, doanh nghiệp Việt buộc phải 'xanh hóa'

24.07.2023

Một trong những yêu cầu của nhà bán lẻ Walmart cũng như những "ông lớn" khác là sản phẩm của doanh nghiệp Việt phải đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường. Có thể thấy, xanh hóa không phải là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, "tấm vé" vượt qua các rào cản để vào được các chuỗi, hệ thống bán lẻ hàng đầu thế giới.

Được biết, tháng 9 tới đây, Bộ Công Thương sẽ tổ chức chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế (International Sourcing 2023). Walmart là một trong rất nhiều tập đoàn lớn sẽ tham gia Viet Nam International Sourcing 2023, bên cạnh nhiều “gã khổng lồ” như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Amazon, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)…

'Xanh hóa' để tham gia luật chơi mới

Trong đó, Walmart ưu tiên tìm kiếm 6 ngành hàng trước thềm đại sự kiện thu mua tại Việt Nam Sourcing. Theo đó, để có thể gia nhập vào chuỗi giá trị trị giá hàng tỷ USD của Walmart trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp trong nước cần đặc biệt chú trọng 3 vấn đề cốt lõi, đó là: xây dựng chiến lược với mục tiêu dài hạn, giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistics, năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm.

-9011-1690357276.jpg

Nhà bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart sẽ tới Việt Nam để tìm nhà cung cấp dệt may đáp ứng được tiêu chuẩn phát triển bền vững. 

Bên cạnh đó, Walmart cũng chia sẻ những yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá nhà cung cấp tại Việt Nam đó chính là năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường.

Theo thông tin mới nhất, 6 lĩnh vực mà Walmart mong muốn tìm đối tác thông qua chuỗi sự kiện trên bao gồm: Quần áo và phụ kiện, giày dép, hàng dệt may và phụ kiện, điện tử gia dụng, đồ nội thất, thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu chia sẻ, tại thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng, thỏa thuận xanh châu Âu là một chính sách mới, dự kiến sẽ tác động đến hoạt động giao thương với khu vực này, đồng thời mở ra các khả năng mới cho hoạt động kinh doanh cả trong và ngoài EU. Một số chính sách/chiến lược có thể nhìn thấy ngay việc ảnh hưởng đến xuất khẩu sang EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn, hay là Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030.

Có thể nói đây là một kế hoạch toàn diện để đạt được sự trung hoà về khí hậu, đồng thời cũng là một chiến lược để phát triển. Đối với các DN, sẽ có những yêu cầu mới về tính bền vững đòi hỏi sự điều chỉnh trong hoạt động sản xuất.

“Có thể nói ngắn gọn, về cơ bản EU sẽ yêu cầu các sản phẩm lưu thông trên thị trường phải có tính bền vững, có thể tái sử dụng, sửa chữa, tái chế và tiết kiệm năng lượng. Hay, thực phẩm bền vững phải đáp ứng các định nghĩa chung, nguyên tắc chung, yêu cầu, chứng nhận và kế hoạch ghi nhãn. Các sửa đổi đang diễn ra và một khung pháp lý mới sẽ được đề xuất ngay trong năm 2023”, bà Thúy cho biết.

Một trong những ngành có thể bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận này là ngành dệt may và giày dép. EU là thị trường lớn xuất khẩu hàng dệt may và giày dép của Việt Nam. Thỏa thuận xanh EU, cụ thể là kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn, sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt. Các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ cần điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh.

Trong ngành bao bì, bao bì phải được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế hoàn toàn. Điều này sẽ tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì cũng như các doanh nghiệp sử dụng bao bì cho các sản phẩm xuất khẩu.

Một lĩnh vực khác có thể bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận xanh EU là nông sản và thủy sản, điều này sẽ yêu cầu các DN Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới về thực hành canh tác và sản xuất lương thực bền vững, đồng thời đầu tư vào công nghệ mới và thay đổi quy trình sản xuất để giảm thiểu chất thải và giảm sử dụng hóa chất độc hại.

Ngành sắt thép cũng có khả năng bị ảnh hưởng do thỏa thuận Xanh đặt ra mục tiêu giảm sử dụng các vật liệu sử dụng nhiều năng lượng và chuyển sang sử dụng các vật liệu bền vững hơn.

Đề xuất ưu đãi lãi suất vay cho DN làm 'xanh hóa'

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết, sản phẩm tôm không có chứng nhận thì khó bán hàng. Hiện nay, với ngành tôm “bực mình nhất” là không có đủ sản lượng đạt chứng nhận để xuất cho khách hàng, nhất là tôm sú thiếu chứng nhận hoàn toàn.

“Chúng tôi mong làm sao bà con nuôi tôm làm được chứng nhận, bán hàng tốt hơn, với giá cao hơn. Minh Phú đang mua nguyên liệu tôm chứng nhận cao hơn so với tôm thường từ 9.000 – 25.000/kg”, ông Quang cho biết.

Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt nam (Vitas), xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng.

Hiện nay, các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), nhà cung cấp nào có lợi thế này sẽ có sức cạnh tranh và có nhiều đơn hàng. Do vậy, các doanh nghiệp dệt may sẽ phải quyết liệt với lộ trình xanh hóa hơn trong giai đoạn 2030 – 2050.

Tuy nhiên, ông Giang cũng chỉ ra 3 khó khăn và rào cản khi doanh nghiệp dệt may thực hiện xanh hóa đó là nhận thức, tài chính và nguồn lực về con người.

Trong đó, với vấn đề về tài chính, nhu cầu vốn để xanh hóa rất lớn mà không phải DN nào cũng có tiềm lực đủ mạnh về tài chính để thực hiện, nhất là 80% DN dệt may là DN vừa và nhỏ. Không chỉ vậy, khi đầu tư cho xanh hóa, chi phí sản xuất của DN sẽ tăng đáng kể. 

Theo tính toán, chỉ riêng việc sử dụng nguyên liệu xanh giá đầu vào cao hơn 300% so với sản phẩm truyền thống, hay sử dụng nồi hơi điện chi phí sản xuất tăng lên 15-18%. Đây cũng là lực cản đáng kể cho DN dệt may bước tiếp trên con đường xanh hóa.

Trước khó khăn trên, ông Giang đề xuất Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho DN dệt may, từ lãi suất cho vay đến cơ chế tiếp cận vốn vay. Chính phủ có thể xây dựng quỹ tài nguyên môi trường cho DN vay với lãi suất 0% hoặc 1-2%/năm để đầu tư cho xanh hóa. “Chính sách này triển khai càng nhanh càng tốt bởi luật chơi toàn cầu không chờ đợi bất cứ ai”, Chủ tịch Vitas nhắn nhủ.

Trong khi đó, bà Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu Nguyễn Thị Hoàng Thúy khuyến nghị: Các DN cần nhận thức rõ những thay đổi mà thỏa thuận xanh sẽ mang lại và sẵn sàng thích ứng với những thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường EU, đồng thời đón đầu các xu hướng mới để tạo ra các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường hơn để được hưởng lợi trong dài hạn.

-1522-1690357276.png

Ông Nguyễn Hữu Nam

Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh TP.HCM

Nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề liên quan tới phát triển bền vững. Không phải chỉ là yếu tố giá cả hay chất lượng sản phẩm. Hiện, sản phẩm đã qua sử dụng, thải ra môi trường vẫn có thể tái chế được. Các quốc gia nhập khẩu hàng đầu trên thế giới dần yêu cầu sản phẩm Việt Nam đáp ứng trách nhiệm xã hội, sản xuất thân thiện môi trường, sử dụng nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên thấp cấp.

-2613-1690357276.png

Ông Thân Đức Việt

Tổng giám đốc Tổng công ty May 10

Hiện, các hãng thời trang của châu Âu đã tiên phong lựa chọn những nhà sản xuất có nhà máy xanh, sản phẩm xanh, bền vững. Sau châu Âu, thị trường Mỹ và Nhật Bản sẽ có những yêu cầu tương tự. Do vậy dù muốn hay không, các DN dệt may đều phải hướng đến xanh hóa, đây là điều bắt buộc trong tương lai.

-7954-1690357276.png

Ông Đinh Quốc Thái

Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam

Sắt thép là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp từ cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới của EU (CBAM). Đây là công cụ chính sách mới của EU cho phép đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu có mức phát thải cao. Nếu các DN thép không ứng phó tốt với CBAM của EU thì lượng hàng xuất khẩu sang EU, quan hệ thương mại hai chiều về thép với EU bị ảnh hưởng. Từ 1/10 năm nay, các DN thép sẽ phải trực tiếp báo cáo với phía EU, do vậy phải chuẩn bị tài liệu tốt nhất để đáp ứng yêu cầu của EU.


 Bá Sơn

In bài Share