Thách thức trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA và sự vào cuộc kịp thời của Bộ Công Thương
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) là hiệp định thương mại toàn diện và mở cửa thị trường đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) với một quốc gia đang phát triển tại châu Á. Thực hiện EVFTA mang đến các cơ hội song hành cùng những thách thức đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam luôn ở tâm thế sẵn sàng để tham gia một sân chơi rộng lớn, cạnh tranh và khắt khe.
Theo giới chuyên gia, sau khoảng 3 năm thực thi Hiệp định EVFTA, những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải ngày càng được thể hiện rõ. Điều này được thể hiện dưới các góc độ khác nhau, có thể kể đến như: Doanh nghiệp Việt Nam đã và đang gặp áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước do hàng hóa chất lượng cao từ Âu được mở rộng vào thị trường Việt Nam. Về chất lượng sản phẩm, sản phẩm của EU tuân thủ những nguyên tắc xuất khẩu khắt khe và hơn nữa, nên chất lượng sẽ đảm bảo tới tay người tiêu dùng nội địa. Với những ấn tượng tốt về thị trường đã phát triển, người Việt Nam sẽ dễ dàng bị thu hút về sản phẩm từ EU hơn sản phẩm của nội địa. Bên cạnh đó, nhiều nhóm hàng hóa của Việt Nam khi tham gia sân chơi lớn cũng gặp khó khăn hơn về tiêu chuẩn chất lượng...
Về tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giới chuyên gia nhấn mạnh rằng: EVFTA là cơ hội, nhưng cũng là thách thức cho rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, không đủ sức để thay đổi công nghệ trong một sớm một chiều. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI từ châu Âu có công nghệ sản xuất tiên tiến từ lâu đời, nguồn vốn lớn, tập trung đầu tư cho công nghệ, đổi mới, sáng tạo trong sản xuất và quy trình.
Một thách thức khác mà các doanh nghiệp Việt Nam đã đang và sẽ gặp phải đó là vấn đề quy tắc xuất xứ, nguyên liệu. EU có thu nhập đầu người cao, mức sống cao, nên thị trường này hết sức khó tính, đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn của các quốc gia EU, thì mới tận dụng được các thời cơ của EVFTA. Các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi về thuế quan, thì nguyên liệu phải đáp ứng một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, các nguy cơ khác có thể tính đến như: Nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, điều này cũng khiến cho Việt Nam sẽ có thể lúng túng về mặt pháp lý; Nguy cơ về nhận diện thương hiệu: Các mặt hàng của Việt Nam có sức quảng bá kém, độ nhận diện thương hiệu không cao, hiệu quả của công tác quảng bá, xúc tiến thương mại chưa cao nên đây cũng là một thách thức không hề nhỏ; Vấn đề về sở hữu trí tuệ: Đây là yêu cầu đặt lên hàng đầu từ phía EU. Việt Nam cần đặc biệt chú ý tới những quy tắc về sở hữu trí tuệ trong EVFTA để có thể khai thác được lợi ích từ hiệp định này.
Bên cạnh đó, một số vấn đề khác như: Về sử dụng lao động: Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại vướng mắc khi áp dụng các tiêu chuẩn lao động. Những vướng mắc phổ biến: người lao động làm thêm quá số giờ quy định, quy định về nghỉ tuần, nghỉ lễ, môi trường làm việc, vệ sinh an toàn lao động, quyền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ...; Về bảo vệ môi trường: Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong vấn đề thực hiện các nghĩa vụ về môi trường trong khuôn khổ các ràng buộc và điều chỉnh thương mại. Thực trạng này đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam; Những quy định về xuất xứ, lao động và môi trường, thâm nhập vào thị trường EU vẫn còn khó khăn từ các hàng rào phi thuế quan về kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường EU.
Tuy vậy, giới chuyên gia cũng nhận định rằng cơ cấu kinh tế của EU và của Việt Nam mang tính bổ sung cho nhau, không đối đầu trực tiếp và cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam có lộ trình, do đó, sức ép cạnh tranh này là cạnh tranh lành mạnh, hợp lý, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Cạnh tranh sẽ mang tính hai mặt. Một mặt, cạnh tranh sẽ là tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, có công nghệ sản xuất kinh doanh lạc hậu, dựa vào sự bao cấp của Nhà nước. Mặt khác, cạnh tranh chính là yếu tố thúc đẩy để doanh nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Để khắc phục những khó khăn thách thức này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đồng hành cùng doanh nghiệp tăng cường những giải pháp cần thiết để có thể tận dụng cơ hội hiện có, biến những thác thức thành cơ hội. Điều này đặc biệt được thể hiện trong bối cảnh trước, trong và hậu đại dịch Covid-19.
Bên cạnh các giải pháp về chuyên môn, cơ chế, chính sách, hàng rào kỹ thuật..., thời gian qua, Bộ Công Thương đã không ngừng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các thông tin về EVFTA và thị trường các nước EU với các kênh thông tin đa dạng, hướng tới nhiều đối tượng người dân và doanh nghiệp, như: trang thông tin điện tử, báo đài, in ấn các ấn phẩm, tài liệu, triển khai các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết và các công việc để thực thi hiệu quả EVFTA. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có những cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển như tập trung xây dựng các chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ các ngành hàng, các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ những ngành hàng chịu sức ép cạnh tranh lớn khi thực thi Hiệp định là điều rất cần thiết. Ngoài ra, Bộ cũng đã có những đánh giá và xác định những ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn để đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp về các phương diện...
Theo MOIT