Tạo “đòn bẩy” đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài
(HQ Online) - Khi xuất khẩu gặp khó khăn như hiện nay thì điều mà các doanh nghiệp cần làm lúc này là đổi mới cách thức tiếp cận với nhà thu mua quốc tế. Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng ngoài giải pháp từ cơ quan quản lý, cơ quan thương vụ ở nước ngoài thì doanh nghiệp cần liên kết với nhau, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trước yêu cầu về kết nối cung-cầu với thị trường nước ngoài, theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để đáp ứng yêu cầu của các nhà phân phối, các hệ thống bán lẻ quốc tế?
Tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 phê duyệt Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương triển khai chương trình kéo dài 7 năm, đến năm 2030. Chương trình này là kết quả của 5 năm phát triển trước đó đã đạt được nhiều kết quả khá tích cực và có sự hưởng ứng của các doanh nghiệp Việt Nam, của các hiệp hội ngành hàng cũng như các địa phương.
Không chỉ về phía Việt Nam mà cả nước ngoài các nhà bán lẻ nước ngoài, các nhà phân phối nước ngoài đã coi Việt Nam trở thành một địa điểm chiến lược trong chiến lược thu mua trên thị trường toàn cầu. Việc chuyển sang Việt Nam để thay thế một số nước khác trong quá trình dịch chuyển cung ứng tạo nên cơ hội rất lớn cho các cái doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam phải làm như thế nào để đáp ứng được những yêu cầu của các nhà phân phối, các hệ thống bán lẻ quốc tế? Từ thực tiễn đó, chúng tôi sẽ tổ chức sự kiện kết nối vào tháng 9 tại TPHCM, thu hút rất nhiều các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như: Walmart, Amazon; các tập đoàn bán lẻ ở khu vực Mỹ Latin; khu vực châu Á, châu Phi.
Vấn đề doanh nghiệp cần hiện nay chính là thông tin. Vì vậy để chuẩn bị cho sự kiện này rất nhiều hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về thị trường, những cơ hội ngành hàng đã được tổ chức. Hệ thống thương vụ ở tất cả các nước trên thế giới cũng đều vào cuộc để tư vấn cho các cái doanh nghiệp
Hiện nay đã có một số các tập đoàn nước ngoài như: Walmart, Uniqlo đã vào để thu mua các các cái sản phẩm dệt may của Việt Nam và phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng chuỗi cung ứng của họ tại khu vực Đông Nam Á. Vì vậy thông qua các sự kiện kết nối, các thông tin cập nhật của các thương vụ mong sẽ được cập nhật, định hướng cho các doanh nghiệp xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường và chiến lược phát triển sản phẩm.
Đã có những tháo gỡ cụ thể nào từ thương vụ trong doanh nghiệp từ các cuộc tọa đàm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm đầu ra, thưa ông?
Thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, các thương vụ đã hướng dẫn về những chính sách mới tại các nước, khu vực ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp. Chẳng hạn như chính sách mới tại: khu vực EU , Hoa Kỳ sẽ áp dụng trong thời gian tới. Những thay đổi trong chính sách, đặc biệt là liên quan đến chuyển đổi xanh sẽ có những tác động vừa tiêu cực vừa tích cực đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Để tận dụng những cơ hội trong chuyển đổi xanh thì doanh nghiệp cần phải nắm được chính sách, những tiêu chuẩn một cách rõ ràng và đầy đủ nhất. Từ đó có hành động phù hợp, có chiến lược để phát triển trong thời gian tới.
Chính vì vậy, tại sự kiện Viet Nam International Sourcing 2023, một loạt diễn đàn: diễn đàn Việt Nam - Hoa Kỳ, diễn đàn Việt Nam - EU, diễn đàn Việt Nam với khu vực Mỹ Latin sẽ được tổ chức để cập nhật tình hình chính sách, trả lời những cái câu hỏi cụ thể của doanh nghiệp và hướng dẫn doanh nghiệp. Đặc biệt, các nhà thu mua sẽ chỉ ra những vấn đề còn tồn tại đối với các doanh nghiệp.
Hiện tại mức độ tiếp cận của các doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối nước ngoài đang độ nào, thưa ông?
Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng tối đa hệ thống phân phối nước ngoài, bởi có những khó khăn nhất định trong năng lực cung ứng. Nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn cung ứng hiệu quả cho các tập đoàn phân phối bán lẻ lớn thì cần liên kết với nhau. Đó cũng là lời khuyên của các nhà phân phối bán lẻ quốc tế. Liên kết với nhau để cùng sản xuất ra sản phẩm tiếp theo là liên kết với nhau để mỗi một doanh nghiệp là một “mắt xích” trong tổng thể chuỗi cung ứng.
Trong quá trình chuyển đổi để tham gia vào chuỗi cung ứng nước ngoài, việc tiếp cận được nguồn tài chính là một vấn đề rất là quan trọng đối với doanh nghiệp. Vì vậy, sẽ có sự tham gia của các tổ chức tài chính, những ngân hàng lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nâng cấp máy móc thiết bị, máy móc, nhà xưởng và đổi mới về khoa học công nghệ. Từ đó doanh nghiệp có thể tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Thái Sơn