Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh là đáng tự hào
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, kết quả về tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh là đáng tự hào.
Xuất khẩu tăng trưởng
Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định UKVFTA cũng là một FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
Theo Bộ Công Thương, Hiệp định UKVFTA có ý nghĩa to lớn về kinh tế thương mại giữa hai nước, giúp duy trì không gián đoạn trao đổi thương mại giữa Việt Nam và UK, mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam vào UK và ngược lại. Hiệp định đang và sẽ thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, khi so sánh tương quan với nhiều đối thủ cạnh tranh chính.
Nông sản Việt Nam đang được thị trường Anh đón nhận |
Báo cáo kết quả triển khai Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA của các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2022 cho thấy, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 6,1 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ Vương quốc Anh đạt 771 triệu USD, giảm 9,8% so với năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu sang Vương quốc Anh theo mẫu C/O EUR.1 đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 23,5% xuất khẩu chung sang Vương quốc Anh, tăng 2021. Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh... so với năm tiếp tục có tỷ lệ tận dụng tích cực, ví dụ thủy sản đạt 82,9% (tăng 29,5% so với năm 2021), rau quả đạt 72,6% (tăng 34,2%), giày dép đạt 99,5% (tăng 49,7%), dệt may đạt 15,7% (tăng 43,4%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,2% (tăng 85,2%)...
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Vương quốc Anh ghi nhận mức sụt giảm so với năm 2021. Nhiều mặt hàng nhập khẩu quan trọng từ EU như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 8,6%, máy móc, thiết bị giảm 15,9%, dược phẩm giảm 4,5%, sản phẩm hóa chất giảm 1,7%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày giảm 21,4%... Các thị trường nhập khẩu chính trong khối EU là Đức (chiếm 23,5%), Ai- len (chiếm 21,7%), Italia (chiếm 11,6%), Pháp (chiếm 10,6%)...
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Vương quốc Anh trong năm 2022 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2021. Tuy nhiên, tỷ trọng thị trường Vương quốc Anh trong tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam còn chưa cao, tương ứng là 1,6% và 0,2%.
Về phía địa phương, trong số các tỉnh thành có báo cáo số liệu xuất nhập khẩu, có 44/63 tỉnh đã phát sinh hoạt động xuất khẩu với Vương quốc Anh, tăng 13 tỉnh so với năm 2021. Địa phương có trao đổi thương mại với Vương quốc Anh là Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp theo là Ninh Bình, Thái Nguyên, và Lâm Đồng. Các mặt hàng xuất khẩu từ các địa phương sang Vương quốc Anh bao gồm nhiều điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; hàng dệt may, giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho hay, nếu so sánh với các đối tác khác trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhất là ảnh hưởng từ các trở ngại sau Bretxit thì kết quả về tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường Anh là đáng tự hào.
Đặc biệt, ông Cường cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng sang Anh đã thể hiện rõ nét năng lực cạnh tranh và tính chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dựng các ưu đãi từ Hiệp định UKVFTA. “Chúng ta có thể thấy, hiện nhiều mặt hàng Việt Nam đang dần chiếm lĩnh thị trường Anh điển hình như dệt may, giày dép, điện tử dân dụng, thiết bị phụ tùng và có nhiều sản phẩm đang có triển vọng tăng trưởng là sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, sắt thép. Tới đây, còn có nhiều mặt hàng sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định UKVFTA như nông thủy sản, gỗ" - ông Cường nhấn mạnh.
Chủ động vượt thách thức
Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, gần đây các thay đổi chính sách vĩ mô và chính sách, quy định về kinh tế, thương mại của Anh có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam. Cụ thể, ngày 31/3/2023, khi Vương quốc Anh hoàn thành đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP đưa Vương quốc Anh thành quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập CPTPP.
Với những chính sách thương mại mới của Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường cho hay, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, dệt may, giày da, thiết bị linh kiện điện tử, đồ gỗ… sang Anh quốc trên cơ sở ưu đãi thuế quan theo Hiệp định UKVFTA. "Hiện Anh có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng này trong khi hệ thống cung ứng có một số khoảng trống do ảnh hưởng của Brexit và xung đột quân sự tại Ucraina"- ông Cường nói.
Tuy nhiên, ngoài thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam phải nhận thức được rằng có rất nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường Anh. Ông Nguyễn Cảnh Cường chỉ rõ, dù UKVFTA đã chính thức có hiệu lực đầy đủ, các cam kết trong hiệp định về giảm thuế quan, mở cửa thị trường, hàng hoá, dịch vụ được mong đợi sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại song phương nhưng cũng không thể quá lạc quan kỳ vọng trong thời điểm bất ổn kinh tế chính trị của nước Anh hiện nay. Đặc biệt, thị trường Anh có hàng rào kỹ thuật khắt khe trong khi nguồn lực của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thương mại quốc tế có xu hướng suy giảm khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và xung đột địa chính trị leo thang; nhu cầu thị trường giảm do lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu; đồng Bảng mất giá so với USD khiến rủi ro tài chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng. Ngoài ra, yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, quy định sử dụng nhãn UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp; Dự luật về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương... sẽ là những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức rõ để có giải pháp thích ứng, từng bước xâm nhập thị trường Vương quốc Anh.
Song, theo ông Nguyễn Cảnh Cường chúng ta vẫn có thể tin tưởng rằng doanh nghiệp Việt Nam đủ khả năng để vượt qua các rào cản, nhất là hàng rào kỹ thuật của thị trường, bởi ngoài số doanh nghiệp nhỏ và vừa thì hiện đã có khá nhiều doanh nghiệp có quy mô, tiềm lực, năng lực sản xuất đạt tiêu chuẩn châu Âu. “Đồng thời, tin rằng, khi doanh nghiệp có phương pháp, chiến lược xâm nhập thị trường đúng thì những hàng rào kỹ thuật sẽ không còn là điều đáng lo ngại”- ông Cường chia sẻ.
Theo Kinh tế Việt Nam