Sở hữu trí tuệ trong EVFTA - tiền đề để bảo vệ thương hiệu

14.05.2023

EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới rất toàn diện, rất nhiều lĩnh vực phi truyền thống đã được đề cập, đàm phán, ký kết ở mức độ rất cao. Đáng lưu ý, EVFTA cũng có những những quy định mới, rất khắt khe về bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng, góp phần giải quyết những lo ngại về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam từ phía các doanh nghiệp châu Âu.

Vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, được đánh giá là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA và Chương 12 - Sở hữu trí tuệ của Hiệp định này quy định về sở hữu trí tuệ với nhiều cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong toàn bộ nội dung của Hiệp định. Lý do bởi EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, do đó có nhu cầu tăng cường bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. EU cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ này.

Còn về phía Việt Nam, thông qua Hiệp định này, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận các sản phẩm sở hữu trí tuệ phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể.

Chương 12 của EVFTA bao gồm 63 điều và 2 phụ lục (Danh mục các chỉ dẫn địa lý và Danh mục nhóm sản phẩm). Nội dung chính của chương này bao gồm các cam kết về các nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phạm vi quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thông tin bí mật, giống cây trồng, vấn đề bản quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, phần nhiều trong số các cam kết này cơ bản nhắc lại các nội dung tương ứng của Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hoặc chỉ có bổ sung nhỏ.

Nhìn chung, về quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ EVFTA, Việt Nam đã cam kết bảo hộ ở mức độ cao. Pháp luật Việt Nam cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về nội dung này, thậm chí có quy định ở mức cao hơn so với quy định của TRIPS. Tuy nhiên, EU đòi hỏi cao hơn cả Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt liên quan tới các sản phẩm nhạy cảm như dược phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Nội dung chính của EVFTA về quyền sở hữu trí tuệ

Chương 12 - Sở hữu trí tuệ tập trung vào 3 nhóm: 1) Các vấn đề chung, 2) Các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cụ thể, 3) Các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Đối với nhóm các cam kết về vấn đề chung, nội dung này trong EVFTA tương đối ngắn gọn, tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau: (i) Nguyên tắc phù hợp WTO (nhấn mạnh việc tiếp tục các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TRIPS; (ii) Nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) (Việt Nam và EU cam kết dành cho công dân của nhau mức bảo hộ sở hữu trí tuệ không kém hơn mức bảo hộ dành cho công dân của bất kỳ một nước thứ ba nào khác ngoài trừ các trường hợp ngoại lệ theo Điều 4, 5 TRIPS); (iii) Nguyên tắc cạn quyền (Việt Nam và EU được quyền tự do quy định về cạn quyền sở hữu trí tuệ, miễn là phù hợp với TRIPS). Trên cơ bản thì các nguyên tắc này không tạo ra thay đổi gì lớn trong nghĩa vụ của Việt Nam về vấn đề này ngoài nguyên tắc về MFN.

Theo EVFTA, các chính sách, quy định liên quan tới sở hữu trí tuệ phải được minh bạch hóa hơn nữa, như phải công bố trên internet các quy định của pháp luật, các thủ tục, quy trình, quyết định liên quan đến xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ…

Đối với nhóm các cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cụ thể, EVFTA có cam kết về các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng loại trong số 8 đối tượng quyền sở hữu trí tuệ (quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế mạch tích hợp, bí mật kinh doanh và giống cây trồng). Tuy nhiên, phần nhiều trong số các cam kết này cơ bản nhắc lại các nội dung tương ứng của TRIPS hoặc chỉ có bổ sung nhỏ.

Đáng chú ý, EVFTA là hiệp định lần đầu tiên có quy định về cơ chế đền bù bằng cách gia hạn thời hạn bảo hộ cho chủ sở hữu độc quyền sáng chế nếu bị chậm trễ một cách bất hợp lý trong thủ tục cấp phép lưu hành dược phẩm (chẳng hạn quá 2 năm kể từ ngày nộp đơn xin cấp phép mà cơ quan quản lý dược phẩm không có phản hồi nào - Điều 12.40); quy định về việc công nhận và bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý (rượu vang, rượu mạnh và các mặt hàng nông sản khác) của EU với mức bảo hộ cao - vốn chỉ dành riêng cho rượu vang, rượu mạnh và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam cho các sản phẩm khác nhau (Điều 12.25).

Đối với nhãn hiệu, độc quyền có thể bị chấm dứt  hiệu lực nếu sau ngày đăng ký, nhãn hiệu trở thành tên gọi chung của hàng hóa hoặc dịch vụ được đăng ký (Điều 12.22). Đối với kiểu dáng công nghiệp, hình dáng của toàn bộ sản phẩm hoặc của một phần sản phẩm có thể tách rời và/hoặc không thể tách rời của bộ phận sản phẩm đều có khả năng được bảo hộ nếu pháp luật quốc gia cho phép (Điều 12.35), miễn là nhìn thấy được trong quá trình sử dụng thông thường (sử dụng bởi người sử dụng cuối cùng, không bao gồm việc bảo trì, cung cấp dịch vụ hoặc sửa chữa).

Đối với nhóm các cam kết về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đây là chủ đề được phía EU chú trọng đàm phán trong EVFTA do trên thực tế, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề khúc mắc trong thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ. Về cơ bản, EVFTA đòi hỏi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải được xử lý nghiêm khắc hơn bằng các biện pháp dân sự, hành chính và hình sự đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời, trao quyền cao hơn cho chủ thể thực thi (đặc biệt tại biên giới) và chủ sở hữu quyền.

Trong đó, đối với kiểm soát biên giới, Hiệp định này yêu cầu cơ quan hải quan chủ động kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT trên cơ sở kỹ thuật phân tích rủi ro mà không cần phải có yêu cầu của chủ thể quyền SHTT (Điều 12.59), giúp các cơ quan hải quan chủ động hơn trong hoạt động kiểm tra, giám sát chứ không chỉ phát hiện, xác định hàng hóa xâm phạm và phối hợp với chủ thể quyền như quy định hiện nay. EVFTA cũng quy định rằng cơ quan tư pháp có quyền yêu cầu bên thua kiện phải trả cho bên thắng kiện các chi phí tòa án và phí thuê luật sư hợp lý, hoặc các chi phí khác theo quy định của pháp luật (Điều 12.52).

Đáng chú ý, các cam kết của Hiệp định EVFTA cao hơn các yêu cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở khía cạnh tăng quyền của Tòa án trong quyết định các biện pháp tạm thời đối với không chỉ các chủ thể vi phạm, mà còn cả các chủ thể đang lưu giữ hàng hóa vi phạm, không chỉ bằng các biện pháp hiện tại mà có thể áp dụng các biện pháp khác như đóng băng tài khoản, thu giữ chứng cứ liên quan... Đối với nhóm các doanh nghiệp và chủ sở hữu quyền, các cam kết này không chỉ giúp gia tăng lợi ích kinh tế, tăng động lực sáng tạo mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, tự tin trong đăng ký bảo vệ quyền.

Theo MOIT

In bài Share