Doanh nghiệp 360

Phân tích tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Âu

25.09.2022

XNK giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2022

Khu vực châu Âu

Theo số liệu Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch XNK hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 giữa Việt Nam và các nước châu Âu đạt khoảng 38 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 28 tỷ USD tăng 15%; nhập khẩu đạt 10 tỷ USD giảm 1,7%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường châu Âu trong 06 tháng đầu năm 2022 đạt 18 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2021.


Các nước EU 27

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, quý II/2022, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU tiếp tục tăng so với quý I/2022 và quý II/2021. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, quý II/2022, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 16,37 tỷ USD, tăng 6,7% so với quý I/2022 và tăng 16,7% so với quý II/2021. Quý II/2022, Việt Nam xuất siêu sang EU 8,37 tỷ USD, cao hơn 52,3% so với mức xuất siêu cùng kỳ năm ngoái.  Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 31,71 tỷ USD, tăng 14,5% so với 6 tháng năm 2021. Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU 15,95 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 42,9% so với 6 tháng đầu năm 2021.

Về xuất khẩu: Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU quý II/2022 đạt mức kỷ lục theo quý trong 5 năm trở lại đây. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý II/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU đạt 12,37 tỷ USD, tăng 8% so với quý I/2022 và tăng 26,5% so với quý II/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU đạt 23,83 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Quý II/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn trong khối EU tiếp tục tăng so với quý I/2022. So với quý II/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Slovakia, Hungary, Slovenia và Phần Lan trong quý II/2022 giảm, trong khi xuất khẩu sang các thị trường còn lại trong Khối tăng so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Manta tăng rất mạnh, tăng 1.031,1%, đạt 35,7 triệu USD.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, trừ xuất khẩu sang Áo, Slovakia, Hungary, Phần Lan giảm (chi tiết tại Phụ lục 01).

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, điển hình như: dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê…

So với quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng sang thị trường EU trong quý II/2022 tăng mạnh, trong khi xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm mây tre cói thảm, cao su, sản phẩm gốm sứ, chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ… giảm. Đây hầu hết là các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như giày dép các loại, hàng dệt may, hàng thủy sản… vẫn tăng mạnh.

So với quý II/2021, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng sang thị trường EU trong quý II/2022 tăng mạnh. Đáng lưu ý, các mặt hàng có mức tăng trưởng 3 con số về kim ngạch gồm: hóa chất, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện. 

Quý 2/2022, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU cao nhất, đạt 1,7 tỷ USD, tăng 2,1% so với quý 1/2022 và tăng 15,1% so với quý 2/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang thị trường EU đạt 3,36 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2, đạt 1,44 tỷ USD, giảm 12,7% so với quý I/2022, nhưng tăng 3,4% so với quý II/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện sang thị trường EU đạt 3,1 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn khác gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, giày dép các loại và hàng dệt may… tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan (chi tiết Phụ lục 02).

Về nhập khẩu: Quý II/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU đạt 3,99 tỷ USD, tăng 3% so với quý I/2022, nhưng giảm 6,2% so với quý II/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU đạt 7,88 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Quý II và 6 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ nhiều thị trường lớn trong Khối vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong khi nhập khẩu từ thị trường Đức, Bỉ, Hungary, v.v... tăng (chi tiết Phụ lục 03).

Quý II/2022, kim ngạch nhập khẩu dược phẩm; thức ăn gia súc và nguyên liệu; hóa chất… tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong khi nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; nguyên phụ liệu dệt may, da giày… giảm (chi tiết Phụ lục 04).

Đánh giá và dự báo

Quý II/2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng khả quan. Với sự hỗ trợ tích cực của Hiệp định EVFTA, hàng hóa của Việt Nam ngày càng có lợi thế cạnh tranh, cải thiện được chỗ đứng tại thị trường EU. Dự báo, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt là với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như giày dép các loại, hàng dệt may, nông thủy sản, v.v…

Tuy nhiên, thị trường thương mại hàng hóa đã và đang có những diễn biến phức tạp về nguồn cung và giá cả do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ucraina. Hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang khu vực thị trường EU tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều hạn chế như: giá cả các mặt hàng lương thực trên thị trường thế giới chịu biến động; hoạt động vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn về thời gian và chi phí; lo ngại rủi ro thanh toán; giá cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao.

Khả năng kinh tế EU tăng trưởng chậm lại do bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột khu vực và lạm phát cao sẽ có tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt nhu cầu tiêu thụ hàng hóa không thiết yếu của EU nhiều khả năng sẽ giảm, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, đồng EUR giảm xuống mức gần ngang giá với đồng USD về lâu dài có khả năng tác động đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của EU. Đồng EUR giảm giá so với đồng USD khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn tại EU, cùng với những khó khăn của nền kinh tế, có khả năng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của EU chậm lại trong các tháng cuối năm. Trong ngắn hạn, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU chưa chịu tác động bởi những biến động của tỷ giá giữa EUR và USD do Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu hàng hóa sang EU bằng đồng USD. Tuy nhiên, nếu xu hướng này kéo dài, giá hàng hóa tại EU tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng đến sức mua của thị trường và tác động đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Các nước EAEU

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – EAEU đạt gần 2,2 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang các nước EAEU 927,8 triệu USD, giảm 44%; nhập khẩu từ các nước EAEU đạt 1,23 tỷ USD, tăng 27%.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang khu vực EAEU (chủ yếu sang LB Nga) gồm: Điện thoại và linh kiện, hàng nông sản, máy vi tính, da giày, thiết bị máy móc phụ tùng, cà phê.

Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ khu vực này (chủ yếu từ LB Nga) như sau: hải sản đông lạnh, các mặt hàng từ thép và hợp kim, máy móc, thiết bị, phụ tùng.

Nhiều mặt hàng của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong nhập khẩu của Nga: Thủy sản 151 triệu USD chiếm 7,2% kim ngạch nhập khẩu , đứng thứ 6 (trong đó, cá phi lê 74,3 triệu USD, 28,3%, thứ 1; cá khô 19,8 triệu USD, 69,3%, thứ 1; tôm 30,2 triệu USD, 6,6%, thứ 5); Cà phê 163 triệu USD, 20,8% đứng thứ 2; Hạt tiêu đứng, thứ 1; chè 5,1% đứng thứ 6; hạt điều 88,2%, thứ 1; Xoài sấy 91,3%, đứng thứ 1; dệt may 590 triệu USD, 4,5%, thứ 7 (13 tỷ USD); giày da 388 triệu USD, 10,6%, đứng thứ 2; thiết bị điện, điện tử 2,5 tỷ USD, 6,8%, đứng thứ 2 (36,8 tỷ USD)…

Đánh giá

Hiện nay, thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực EAEU đang bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga – Ucraina. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp Mỹ, EU và đồng minh rút khỏi thị Nga sẽ tạo ra khoảng trống lớn trên thị trường. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp châu Á, trong đó có Việt Nam có thế mạnh về hàng may mặc, giày dép, nông sản chế biến, hàng tiêu dùng, điện tử gia dụng tăng xuất khẩu, đầu tư sang Nga. Các doanh nghiệp có hợp tác với Nga có thể nghiên cứu kỹ, xem xét tăng cường, đầu tư, thành lập doanh nghiệp tại Nga để tổ chức sản xuất - tiêu thụ các mặt hàng may mặc, giày dép, nông sản chế biến, hàng tiêu dùng tại LB Nga.

Anh

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, Kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam – Vương quốc Anh đạt gần 3,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,9 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ Anh đạt 372,5 triệu USD, giảm 9,9%.

Đối với Việt Nam, Vương quốc Anh hiện đang là đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 13 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và đứng thứ 5 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Âu, Châu Mỹ.

Các sản phẩm xuất khẩu có mức tăng trưởng tốt tại thị trường Anh 6 tháng đầu năm 2022 gồm có: Cà phê (190%); Dây điện và dây cáp điện (131%); Đá quý, kim loại quý và sản phẩm (113%); Hàng dệt may (84%); Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc (80%); Hạt tiêu (68%); Kim loại thường và thành phẩm (53%). Chỉ có 10 mặt hàng bị giảm kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm gồm: Sản phẩm từ cao su (43%); Sắt thép các loại (14%); Điện thoại và các linh kiện (11%); Sản phẩm gốm sứ (3%); v.v…

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu cũng chứng kiến tăng trưởng đột biến ở một số nhóm hàng bao gồm: Phế liệu sắt thép (9.163%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (466%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (386%); Nguyên phụ liệu dược phẩm (177,3%); Ô tô nguyên chiếc các loại (174%); Thuốc trừ sâu và nguyên liệu (94%); v.v…

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ

 

In bài Share