Kinh tế tuần hoàn khi thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường trong EVFTA
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực từng bước phục hồi sau đại dịch Covid 19, đẩy nhanh việc thực hiện các cam kết về môi trường theo EVFTA trong xu thế bảo đảm phát triển bền vững, thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn là một chính sách kinh tế quan trọng và cần thiết nhằm tiến tới bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường.
Khái niệm kinh tế tuần hoàn được xây dựng dựa trên nguyên lí cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”. Theo đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Trên thế giới, kinh tế tuần hoàn được coi là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Trong số các cam kết về môi trường được quy định tại Chương 13 Hiệp định EVFTA, Điều 13.6 Hiệp định đã quy định các Bên phải bảo đảm thực hiện điều ước đa phương liên quan đến biến đổi khí hậu bao gồm: Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1992 (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto liên quan đến Công ước UNFCCC năm 1997, Hiệp định Paris năm 2015 và tích cực hợp tác để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải, thích ứng với khí hậu, phù hợp với Hiệp định Paris. Đồng thời, các Bên cam kết thúc đẩy thị trường các-bon trong nước và quốc tế, bao gồm qua các cơ chế như Chương trình mua bán khí thải và Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng; tăng cường tiết kiệm năng lượng, công nghệ khí thải thấp và năng lượng tái tạo.
Để đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững theo EVFTA, việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính (mô hình kinh tế khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên làm yếu tố nguyên liệu sản xuất đầu vào cho hệ thống kinh tế, tiếp đó là sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ) sang nền kinh tế tuần hoàn bởi nguy cơ cạn kiệt, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang diễn biến ngày càng trầm trọng hơn. Định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần trợ giúp các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiết kiệm nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu phát thải ra ngoài môi trường đi cùng với thay đổi bền vững và thân thiện với môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là điều kiện cơ bản và quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tiến tới đạt được những cam kết về môi trường theo EVFTA, gia tăng giá trị và lợi ích cho doanh nghiệp trong việc thụ hưởng các lợi ích kinh tế do EVFTA mang lại.
Sau khi Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc được thông qua từ năm 2015 thì việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia – trong đó có Việt Nam thực hiện và dần trở thành xu hướng phổ biến ở phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, việc kí kết Hiệp định EVFTA đi cùng với những cam kết môi trường về ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp đã và đang ngày càng đặt ra những nhiệm vụ trọng yếu cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong việc nỗ lực chuyển đổi từ nền “kinh tế nâu” – nền kinh tế truyền thống tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên và phát thải lớn ra ngoài môi trường sang nền “kinh tế xanh” thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Từ lý thuyết đến thực tiễn chuyển đổi mô hình kinh tế ở các nước cho thấy, thể chế, trọng tâm là pháp luật có vai trò, ảnh hưởng lớn và bao trùm tới tiến trình và kết quả thực hiện kinh tế tuần hoàn ở phạm vi quốc gia. Do đó, để tạo cơ sở thực hiện thống nhất và hiệu quả chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn, các thiết chế - trọng tâm là pháp luật về kinh tế tuần hoàn cần được thể hiện xuyên suốt và nhất quán trong chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo đảm phát triển bền vững; chú trọng bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế, vấn đề bảo đảm an toàn, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính tới nền kinh tế tuần hoàn với nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên sự ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới về chính sách, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực từng bước phục hồi sau đại dịch Covid 19, đẩy nhanh việc thực hiện các cam kết về môi trường theo EVFTA trong xu thế bảo đảm phát triển bền vững, thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn là một chính sách kinh tế quan trọng và cần thiết nhằm tiến tới bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường. Đồng thời, kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần nâng cao các giá trị chất lượng cuộc sống của cộng đồng, bảo đảm ngày càng tốt hơn các điều kiện về an toàn và an sinh xã hội. Đây là sự chuyển đổi mang tính tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghiệp 4.0 như hiện nay cùng với những thách thức ngày càng nghiêm trọng về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường./.
Theo MOIT