Hàng Việt Nam rộn ràng xuất khẩu ra thế giới qua kênh phân phối
Thời gian vừa qua, hàng Việt Nam đã được đẩy mạnh xuất khẩu thông qua nhiều hệ thống phân phối như Saigon Coop, AEON, Central Retail… và mang lại hiệu quả tốt.
Hàng Việt tăng xuất khẩu qua kênh phân phối
Tại Gala 15 năm ngành Công Thương triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, song song với việc phân phối sản phẩm, hàng hoá Việt tại thị trường trong nước, hiện, Saigon Co.op còn thực hiện xuất khẩu hàng hoá Việt qua kênh phân phối.
Theo đó, trong năm 2023, thông qua hợp tác với NUTC Fair Price - đơn vị bán lẻ hiện đại chuyên nghiệp có trên 260 siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi,… đóng góp 57% thị phần tại Singapore, Saigon Co.op xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy hải sản của Việt Nam sang thị trường Singapore với tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 90 tỉ đồng.
Gần đây nhất, Saigon Co.op đã phối hợp cùng Công ty STC Natural Vina xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ. Nhóm hàng hóa được lựa chọn xuất khẩu đợt này gồm nước chấm, bún, phở, gia vị, trà, cà phê… với giá trị đơn hàng gần 70.000 USD. Toàn bộ các sản phẩm sẽ được bày bán tại hệ thống siêu thị H-mart thuộc Tập đoàn Hee Chang.
Cùng với sự vào cuộc của Saigon Co.op, thời gian qua, triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài tới năm 2030” của Bộ Công Thương, hàng hóa Việt Nam đã được đẩy mạnh xuất khẩu vào hệ thống AEON. Thông qua đề án, nhiều loại sản phẩm Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn cao của Nhật Bản đã được AEON nhập khẩu và được đưa vào tiêu thụ tại hàng trăm siêu thị trong hệ thống của AEON tại Nhật Bản và tại các nước khác.
Hàng Việt Nam được bày bán tại siêu thị AEON (Ảnh: AEON) |
Theo thống kê từ AEON, hiện sản lượng thu mua hàng hóa tại Việt Nam vào hệ thống của chúng tôi có sự tăng trưởng mạnh qua các năm, năm sau gấp đôi năm trước và dự kiến đạt 1 tỷ USD vào năm 2025 – đúng theo cam kết của AEON với Bộ Công Thương. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như: chuối, xoài tươi… đã được AEON thu mua 100% từ Việt Nam. Sản phẩm của Việt Nam được đánh giá là có chất lượng vượt trội so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Philippines…
Cũng theo AEON, sự ổn định trong chuỗi cung ứng của AEON trên toàn cầu những năm qua có sự góp sức của các nhà cung ứng tại Việt Nam. Tới đây, tập đoàn này sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có năng lực và đáp
ứng các tiêu chí, quy chuẩn của AEON để trở thành đối tác cung ứng bền vững không chỉ tại Việt Nam, mà còn trong hệ thống Aeon TopValu toàn cầu. Với nhóm hàng dệt may, AEON chú trọng những sản phẩm may mặc có tính năng tích hợp, như chống tia UV, chống thấm nước...
Bên cạnh những kênh phân phối này, nhiều năm qua, hàng Việt Nam đã xuất khẩu sang nước ngoài thông qua nhiều kênh phân phối khác như các siêu thị của Tập đoàn Central Retail, Lotte… Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Central Retail cho biết, thông qua nhiều Tuần hàng Việt Nam được tổ chức tại hệ thống siêu thị tại Thái Lan, người tiêu dùng Thái Lan rất yêu thích các sản phẩm của Việt Nam như nhãn, thanh long, phở, cà phê… Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá qua hệ thống siêu thị của Thái Lan đã và đang không ngừng tăng cao và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Chú trọng yếu tố “xanh”
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, hiện Việt Nam đã hội nhập sâu rộng nên không thể “1 mình 1 chợ” mà cần tăng cường giao lưu để tìm kiếm thêm bạn hàng và thị trường cho mình. Trong đó, xuất khẩu qua các kênh phân phối của nước ngoài là một trong những lựa chọn đúng đắn.
Theo đó, việc xuất khẩu qua hệ thống phân phối nước ngoài có nhiều lợi ích.
Thứ nhất, xuất khẩu qua kênh phân phối nước ngoài cho thấy các sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt tiêu chuẩn và có chất lượng tốt. Bởi lẽ, vào được hệ thống phân phối tại thị trường nội địa đã khó khăn, xuất khẩu hàng hoá qua kênh phân phối còn khó khăn gấp bội.
Thứ hai, hiện nay, doanh nghiệp vẫn xuất khẩu hàng hoá cho các nhà nhập khẩu và sau đó mới bán cho các nhà bán lẻ nên đôi khi sản phẩm sẽ được bán với thương hiệu của nhà nhập khẩu. Nếu đưa hàng hoá được vào thẳng các kênh phân phối của nước ngoài thì sẽ tăng cơ hội để hàng Việt Nam được bán với thương hiệu Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng để đưa được hàng hoá thẳng vào các chuỗi phân phối lớn là điều không dễ dàng. Minh chứng là hiện nay, kim ngạch xuất khẩu qua các hệ thống siêu thị vẫn còn khiêm tốn và tập trung vào các mặt hàng ta có thế mạnh như cà phê, trái cây, thực phẩm chế biến sẵn… Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chí của thị trường để đưa hàng hoá vào các kênh phân phối.
Về phía Bộ Công Thương, hiện nay, Bộ vẫn đang đẩy mạnh triển khai Đề án án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài tới năm 2030”. Trong đó, Bộ Công Thương cũng hướng doanh nghiệp tập trung chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững. Bởi theo khảo sát, nhu cầu của các nhà mua hàng quốc tế đến Việt Nam năm nay là lựa chọn sản phẩm xanh, sản xuất ít phát thải.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đẩy mạnh thực hiện sự kiện xúc tiến thương mại lớn là Hội chợ nguồn hàng Vietnam International Sourcing hàng năm. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng từ các khách hàng là các kênh phân phối nước ngoài lớn như Walmart, Amazon, Carrefour, Central Group; Coppel…
Việt Thành