Giải pháp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA

26.11.2023

Việc ký kết và thực thi các Hiệp định Thương mại tự do với các nước và khu vực, đặc biệt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA,… đã giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng rất tích cực. Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành các chính sách tài khóa và triển khai nhiều ưu đãi, giúp đa dạng hóa nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tiếp cận nguồn tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều khó khăn.

Vẫn còn khó khăn

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai rất nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các FTA. Năm 2023 do bối cảnh kinh tế, địa chính trị trên thế giới có rất nhiều khó khăn, sức mua của người tiêu dùng trên thế giới suy giảm. Tuy nhiên chúng ta cũng vẫn ghi nhận được những kết quả tích cực nhất định.

Tại Tọa đàm “Giải pháp tín dụng và nguồn tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA”, Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương – thông tin, 8 tháng năm 2023, với Hiệp định CPTPP kim ngạch thương mại của Việt Nam ở mức 63 tỷ đô và thặng dư 3,3 tỷ đô. Với EU ghi nhận kim ngạch thương mại là 38,5 tỷ đô và thặng dư là 9,5 tỷ đô và với Vương quốc Anh kim ngạch 4,6 tỷ đô và thặng dư là 4,1 tỷ đô. Đây thực sự là sự nỗ lực rất lớn, không những sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng và đặc biệt là của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh có nhiều yếu tố biến động của thị trường thế giới như vậy.

Tuy nhiên, theo bà Lan Phương, quá trình tận dụng FTA vừa qua còn rất nhiều những vấn đề tồn tại. Thứ nhất, quá trình tận dụng FTA, mặc dù đã đạt được một số kết quả và những tín hiệu tích cực nhất định, song tỷ trọng xuất khẩu tại các thị trường FTA còn rất là khiêm tốn. Ví dụ như năm 2022 thì tỷ trọng của xuất khẩu sang EU trong tổng xuất khẩu chung chỉ đạt khoảng 12%.

Thứ hai, tỷ lệ tận dụng FTA tại các thị trường đối tác FTA của Việt Nam cũng còn chưa đạt được kỳ vọng. Ví dụ như với EU là một thị trường mà tỷ lệ tận dụng tương đối cao cũng chỉ đạt ở mức khoảng 26%. Doanh nghiệp cũng chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Những tồn tại như vậy có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến quá trình thực thi có những hạn chế, nhưng chúng tôi đánh giá rằng là một trong những nguyên nhân rất quan trọng và có thể đóng vai trò rất then chốt chính là việc tiếp cận các nguồn vốn và nguồn tài chính của doanh nghiệp” – bà Lan Phương chỉ rõ.

 Báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính gửi đến Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2022 cho thấy, khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, vào những tình thế hết sức cấp bách, khó khăn. Báo cáo nhận định, việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh là thách thức lớn nhất, đặc biệt với khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Đối với một số thị trường khó tính, do những cải tiến về quy mô, cam kết về bảo vệ môi trường và chất lượng sản phẩm, khách hàng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư máy móc, công nghệ mới. Nhưng do thiếu vốn, doanh nghiệp cũng không thể đáp ứng yêu cầu này, dẫn tới nguy cơ không thể duy trì vị trí trong chuỗi.

Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về tình hình thực thi Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA cũng chỉ ra, một trong những hạn chế khi triển khai các FTA là nhiều doanh nghiệp Việt Nam có chuyên môn, kinh nghiệm và khả năng tạo ra các sản phẩm tốt, chất lượng, có mong muốn xây dựng thương hiệu Việt nhưng thiếu nguồn vốn thực hiện. Các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA chưa phát huy được hiệu quả tối đa để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2022, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải đó là tiếp cận tín dụng. Cụ thể trong năm 2022 khi khảo sát doanh nghiệp có đến 55,6% đánh giá rằng họ khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, trong khi con số này ở những năm 2019 chỉ là 34,8%, năm 2020 là 40,7% và đến năm 2021 là 46,9%.

Trong khi đó, Tổ chức quốc tế IFC cũng đánh giá rằng 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó và không thể tiếp cận được vấn đề tài chính.

“Ở Việt Nam chúng tôi đánh giá rằng tỷ trọng cho vay không dựa trên bất động sản còn rất khiêm tốn so với các thị trường thế giới. Nó chỉ dao động ở mức từ 25 – 30%, trong khi hơn 70% các khoản vay còn lại của chúng ta phải dựa trên cam kết bảo đảm bằng bất động sản. Trong khi đó, doanh nghiệp của Việt Nam với điều kiện quản trị, điều kiện quản lý dòng tiền, hệ thống tài chính, công nghệ còn rất hạn chế thì việc chứng minh những điều kiện đó rất khó khăn”- bà Nguyễn Thị Lan Phương nhấn mạnh.

Ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, hiện nay các tổ chức tín dụng đang dư thừa về thanh khoản, lượng thanh khoản rất dồi dào, trong khi đó tăng trưởng tín dụng thì ở mức thấp, rất thấp, thấp nhất trong 10 năm qua.

Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, ngân hàng phải dành nguồn lực để đầu tư cho lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đặc biệt, với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang 16 thị trường có FTA với Việt Nam, lãi suất cho vay thấp nhất là 4%, thấp hơn cả lãi suất USD. Dù được ưu tiên nhưng ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện thì ngân hàng cũng không thể cho vay được.

Giải pháp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA

Để có thể nâng khả năng tiếp cận cũng như hấp thụ vốn, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, thị trường vốn lành mạnh là trợ lực rất lớn cho những ngành sản xuất. Thị trường tín dụng, vốn phải nhìn dưới dạng win - win để nền kinh tế, chuỗi ngành hàng phát triển bình thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần gia tăng sức mạnh, cải thiện chính mình, điều chỉnh công nghệ sản xuất, giảm chi phí và duy trì sự đồng hành của tín dụng với lãi suất phù hợp.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, hiện vẫn còn dư địa lớn để cải cách các quy định liên quan đến kinh doanh, có tác động đến cộng đồng doanh nghiệp. Trong điều kiện kinh doanh thuận lợi hay khi có những bất ổn của thị trường thì câu chuyện tín dụng luôn có vai trò quan trọng và là dòng máu để duy trì sản xuất.

Đặc biệt, các bộ, ngành cần tiếp thu ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp để đáp ứng những yêu cầu của thị trường, đảm bảo tiêu chí các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp ở từng thời điểm.

Về phía Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thị Lan Phương chia sẻ, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực thi các FTA thế hệ mới năm 2022 và một trong số những kiến nghị là giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng những biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận những nguồn vốn tín dụng để tận dụng các FTA tốt hơn. Trong đó đặc biệt lưu ý hơn đến với những doanh nghiệp mà họ muốn nâng cao năng lực để phát triển bền vững, trong đó có chuyển đổi xanh và phát triển những sản phẩm có trách nhiệm hơn với xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã có phê duyệt vào ngày 17/10 và hiện nay Bộ Công Thương đã có một buổi làm việc ở cấp kỹ thuật với Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này.

Chúng tôi cũng rất muốn nhấn mạnh cho dù chúng ta thiết kế ra bất cứ một biện pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng thì vẫn phải tuân thủ các cam kết quốc tế vì những vấn đề như trợ cấp xuất khẩu sẽ không được phép vi phạm, tức là những tiêu chuẩn tín dụng phải đảm bảo vì chúng ta cần phải đảm bảo an toàn hệ thống” – bà Lan Phương nhấn mạnh.

Đối với các doanh nghiệp, cần phải có sự định vị lại đối với chính mình để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cần phải cơ cấu lại, tập trung vào những ngành hàng mà mình xác định là thế mạnh và mình xác định đi lâu dài với những ngành hàng và những thương hiệu và những sản phẩm Việt phát triển bền vững và mang lại giá trị gia tăng cao. Bởi nếu cứ dàn trải thì không thể có ai sẵn sàng cho vay hay tiếp cận những nguồn vốn tín dụng mà câu chuyện cơ cấu trong sản xuất kinh doanh của chúng ta vẫn còn chưa định vị được mục tiêu cuối cùng của mình.

Bộ Công Thương mong muốn trong việc xây dựng biện pháp tiếp cận tín dụng tốt hơn, ngoài việc xác định thay đổi những cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, có thể tìm kiếm những giải pháp phù hợp với cam kết quốc tế.

Bộ Công Thương đang trong quá trình xây dựng hệ sinh thái FTA để phát triển ngành hàng tại các tỉnh, thành và phần giải pháp nguồn tín dụng là một cấu phần liền kề và rất quan trọng để đảm bảo sự thành công của các hệ sinh thái ở các tỉnh.


 

Hữu Hưng

 



 

In bài Share