EVFTA thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam 'số và xanh'
EVFTA định hướng nền kinh tế theo hướng “đi tắt đón đầu” hướng đến kinh tế số và xanh, thân thiện môi trường giúp hàng hóa Việt Nam có ưu thế về chất lượng.
Hiệp định EVFTA đã mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Việt Nam đã xuất khẩu nông sản tới hầu hết thành viên của EU, trong đó thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu vào một số nước gồm Đức, Hà Lan, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Ba Lan. Mặc dù vậy, thị phần nông sản Việt Nam trên thị trường EU còn nhỏ, hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô, cạnh tranh về giá ở phân khúc thấp. Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mở ra rất nhiều cơ hội cho ngành hàng nông sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng nông sản của các nước ở châu Á, đặc biệt với 2 thị trường nông sản lớn là Thái Lan và Trung Quốc.
Các cam kết trong EVFTA về phát triển bền vững
Việt Nam có thuận lợi rõ nhất là Hiệp định EVFTA với các ưu đãi cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường mạnh mẽ tạo ra cho các doanh nghiệp Việt Nam lợi thế cạnh tranh rất lớn khi tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường EU.
Đồng thời, EU cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với giá trị nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường ngoại khối đạt 2.160,2 tỷ USD (2020). Trong khi đó thị phần hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại EU mới chỉ chiếm khoảng 2%, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và EU cũng phần nhiều mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp.
Do vậy tiềm năng thị trường còn tương đối lớn trong thời gian tới, khi nền kinh tế EU phục hồi, tăng trưởng trở lại và nhu cầu tiêu thụ, nhập khẩu hàng hóa gia tăng.
Với các cam kết trong EVFTA về phát triển bền vững, thương mại số sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận công nghệ “số và xanh” hiện đại và tiên tiến của EU để đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng “đi tắt đón đầu” hướng đến kinh tế số và xanh, thân thiện môi trường, chuyển đổi sang công nghệ tiêu chuẩn cao, giúp hàng hóa Việt Nam có ưu thế về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường cao như thị trường EU.
Xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất và dòng đầu tư sẽ mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc gia tăng sức cạnh tranh và thu hút đầu tư từ EU, với nền tảng vững chắc từ EVFTA. Đầu tư của EU hiện nay chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, đang có xu hướng phát triển hơn vào các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ), lĩnh vực năng lượng sạch, công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm…
Các nhà đầu tư châu Âu có ưu thế về công nghệ, vì vậy sẽ góp phần tích cực trong việc tạo lập một số ngành nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao. Dòng đầu tư từ EU vào Việt Nam về trung hạn và dài hạn sẽ gia tăng đáng kể với nhiều dự án chất lượng có giá trị cao, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ chuyển giao công nghệ.
Dương Quang