Đưa hàng Việt vào thị trường Bắc Âu để tận dụng các lợi thế EVFTA mang lại

13.08.2023

Đối với thị trường Bắc Âu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ 2020-2022 không bị sụt giảm, kể cả lúc khó khăn nhất do Covid, và đạt mức tăng trung bình 14,7%/năm trong giai đoạn này (theo số liệu thống kê của các nước Bắc Âu).

Tuy nhiên theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, đây là thị trường nhỏ, vị trí địa lý xa xôi, do vậy, các nước này thường nhập khẩu nội khối. Hơn 70% kim ngạch nhập khẩu của khu vực này đến từ các nước trong khu vực kinh tế châu Âu. Mặc dù, Hiệp định EVFTA giúp cho sự hiện diện hàng hóa của Việt Nam ngày càng nhiều trên thị trường nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chưa có sự tăng trưởng tương xứng do các nước này vẫn chủ yếu nhập khẩu hàng Việt Nam qua các nước trung gian khác tại EU như Đức, Bỉ, Hà Lan, Pháp, Ba Lan.

Nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU

Đối với mặt hàng nông thủy sản, mặc dù thị phần chưa nhiều, nhưng hầu như kim ngạch xuất khẩu sau khi có EVFTA đều tăng, như gạo tăng trung bình 26,2%/năm, thủy sản tăng 9,1%, hạt tiêu tăng 14,1%, cà phê tăng 12,2% trong giai đoạn 2020-2022...

Đặc biệt đối với mặt hàng gạo tại Thụy Điển từ chỗ vắng bóng trên thị trường, kim ngạch chỉ vài chục ngàn USD đã đạt mức trên 4 triệu USD trong năm 2022.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Bắc Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vận hành tương đối khép kín, ưu tiên thị trường trong nước và các thị trường các nước châu Âu xung quanh. Nhưng do nhiều biến động dồn dập, liên tục của thế giới trong những năm gần, các doanh nghiệp Bắc Âu cũng đang phải hướng ra bên ngoài nhằm đối phó với tình trạng đứt gẫy các chuỗi cung ứng, sản xuất, vận tải. Một mặt, các doanh nghiệp này duy trì hoạt động kinh doanh, sản xuất trong nước và các thị trường xung quanh, mặt khác, chủ động tìm kiếm các thị trường mới, chuyển dịch đầu tư, thương mại. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như là một điểm chuyển dịch hấp dẫn do có Hiệp định EVFTA.

Việt Nam hấp dẫn các doanh nghiệp EU nói chung và Bắc Âu nói riêng ở thị trường gần 100 triệu dân, có tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh, có lực lượng lao động trẻ. Ngoài ra, các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, cũng như xu hướng “Trung Quốc +1” cũng là yếu tố quyết định chính để kéo sự chuyển dịch của các nước Bắc Âu về Việt Nam.

Các doanh nghiệp Bắc Âu cũng bắt đầu quan tâm đầu tư vào Việt Nam, trong đó, Đan Mạch nổi lên là một nhà đầu tư mới, chỉ riêng Lego trong năm 2022 đã đầu tư hơn 1,3 tỷ USD để xây dựng nhà máy tại Việt Nam.

Bộ Công Thương đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng EVFTA

Từ phía Chính phủ Việt Nam, thời gian qua, Bộ Công Thương, Thương vụ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp để tận dụng từng cơ hội dù nhỏ nhất do EVFTA mang lại. Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu thường xuyên cập nhật thông tin thị trường và có riêng một chuyên mục về EVFTA trên trang website của Thương vụ https://vietnordic.com/. Thương vụ cũng tích cực quảng bá lợi ích của Hiệp định EVFTA cho các nhà nhập khẩu khu vực Bắc Âu. Nếu họ nhận ra lợi ích của Hiệp định này sẽ tự động chuyển sang nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.

Các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối giao thương cũng thường xuyên được tiến hành.

Ví dụ, từ ngày 13-15/9/2023 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức chuỗi sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế Chuỗi sự kiện bao gồm các hội nghị, hội thảo, hoạt động kết nối giao thương và Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing Expo 2023. Sự kiện nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Theo kế hoạch triển khai, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã tiến hành quảng bá Viet Nam International Sourcing 2023 rộng rãi trên các kênh thông tin và chủ động, tích cực tìm kiếm, tiếp xúc, làm việc vận động, mời các đoàn thu mua, doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp phân phối nước sở tại vào Việt Nam tham gia chuỗi hoạt động triển lãm, hội thảo nói trên.

Thương vụ dự kiến tổ chức đoàn thu mua với hơn 10 doanh nghiệp Bắc Âu về tham dự sự kiện lần này. Ngoài ra, đối tác mua hàng tiềm năng như IKEA, H&M dự kiến sẽ cử đại diện mua hàng của họ ở khu vực châu Á và ở Việt Nam tham dự sự kiện. Các doanh nghiệp Thuỵ Điển mong muốn được gặp gỡ giao thương tại Triển lãm với các doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng cao, đã đạt các chứng chỉ quốc tế, ở các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như thực phẩm, dệt may, giày dép, đồ thể thao, đồ gia dụng và nội thất...

 

 

Thái Sơn

In bài Share