Doanh nghiệp ủng hộ và đặt niềm tin vào hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài

21.12.2023

Trước đây, doanh nghiệp chỉ tìm đến Thương vụ khi gặp khó khăn nhưng hiện nay các doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với Thương vụ để xác minh đối tác, bạn hàng.

Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, năm 2023, tổng nhập khẩu của EU giảm trung bình khoảng 15%, trong đó các đối tác lớn xuất khẩu sang thị trường EU đều giảm mạnh. Riêng xuất khẩu từ Trung Quốc sang EU giảm 17% trong năm 2023. Do đó, kết quả xuất nhập khẩu của cả nước trong năm 2023 là một thành tích rất khả quan. "Kết quả này đến từ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Công Thương đến từng Thương vụ" - ông Trần Ngọc Quân thông tin.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, EU
Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU. Ảnh TTXVN

Cũng theo Thương vụ, trong năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đã vinh dự được đón Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đại các Bộ, ngành, doanh nghiệp sang giải quyết các vấn đề về thị trường cũng như gợi mở, tiếp cận các thị trường mới. Đồng thời, kêu gọi hợp tác, đầu tư từ EU vào Việt Nam trong các lĩnh vực trọng điểm như: Công nghiệp, năng lượng... Kết thúc chuyến thăm, Việt Nam đã đạt được những thỏa thuận rất lớn với EU về chuyển đổi năng lượng.

Với sự quyết tâm mạnh mẽ đó của Chính phủ cũng như của các Bộ, ngành, năm 2023 lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Luxembourg cùng đoàn doanh nghiệp đã đến Việt Nam để trao đổi, tìm kiếm đối tác trong chuyển đổi năng lượng, hợp tác chuyển đổi xanh... Cùng với đó, nhiều đoàn doanh nghiệp của các nước khác trong khối Liên minh châu Âu cũng đến Việt Nam để tìm kiếm thêm những cơ hội hợp tác mới, tiềm năng khác.

Tham tán Thương mại Trần Ngọc Quân cho rằng, thời gian qua, vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được thể hiện rõ nét. Trước đây, các doanh nghiệp chỉ tìm đến Thương vụ trong những trường hợp gặp khó khăn hay vướng vào các tranh chấp thương mại… nhưng, gần đây, các doanh nghiệp đã chủ động tìm đến Thương vụ khi bắt đầu có đơn hàng.

Khi có đơn hàng tại thị trường châu Âu, các doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với Thương vụ để xác minh đối tác, cùng xây dựng hình ảnh của sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam”, Tham tán Thương mại tại Bỉ và EU cho biết và khẳng định, uy tín cũng như sự tín nhiệm của Thương vụ ngày càng được nâng lên, góp phần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường EU và khai phá các thị trường mới tiềm năng.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, EU
Doanh nghiệp trong nước đã chủ động, phối hợp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc xác minh đối tác, quảng bá hàng hóa. Ảnh minh họa

Cũng theo Tham tán Thương mại Trần Ngọc Quân, năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo hệ thống Thương vụ nói chung và Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU nói riêng gấp rút triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng, Thương vụ đã chủ động đề xuất làm việc với các cơ quan chức năng tại EU giải quyết vấn đề tiếp cận thị trường cho các sản phẩm mì ăn liền, mì tôm của Việt Nam.

"Chỉ 6 tháng sau khi EU thông qua quy định kiểm soát khẩn cấp đối với các loại bún, miến mỳ của Việt Nam (hiệu lực từ ngày 1/1/2022), Việt Nam đã thành công thuyết phục EU đưa bún miến, các sản phẩm từ gạo ra khỏi danh mục quản lý an toàn thực phẩm và 18 tháng sau lại tiếp tục thành công đưa mỳ ăn liền từ phụ lục II (kiểm soát theo chứng thư và tại cửa khẩu) sang phụ lục I (kiểm soát tại cửa khẩu)" - ông Trần Ngọc Quân thông tin và nhấn mạnh, kết quả này thể hiện nỗ lực rất lớn và kịp thời của Bộ Công Thương trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như tích cực hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Song song với các hoạt động xúc tiến thương mại, gỡ khó thị trường, kêu gọi đầu tư FDI vào thị trường Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cũng triển khai các hoạt động quảng bá, kết nối du lịch, logistics, thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa... để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hình ảnh cũng như đất nước, con người Việt Nam đến các đối tác, người dân tại EU; từ đó, mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu.

Năm 2024, để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cam kết sẽ nỗ lực hết mình vì sự phát triển của doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế cả nước. Tuy nhiên, Thương vụ lưu ý, năm 2024, thị trường Liên minh châu Âu sẽ tiến hành các cuộc thay đổi về mặt chính trị. Vì vậy, dự kiến các vấn đề môi trường, an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ... sẽ được EU ngày càng chú trọng.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong ít nước trong khu vực châu Á có FTA với EU và EU đang đánh giá rất cao Hiệp định EVFTA, coi đây là thành công trong việc hỗ trợ EU giải quyết khó khăn đối với vấn đề nguồn cung... Do vậy, Thương vụ lưu ý, các doanh nghiệp trong nước tránh "ngại khó" khi tiếp cận thị trường này, phải chủ động tìm hiểu để thích ứng, thúc đẩy xuất khẩu bền vững sang thị trường EU tiềm năng.

 

Mai Trang

In bài Share